Bóng bàn ở Olympic 2012: Giải Trung Quốc mở rộng?

07:25 Thứ sáu 10/08/2012

Nếu Brazil hay Argentina được cả thế giới biết đến như vùng đất cung cấp những thiên tài vĩ đại sở hữu đôi chân biết nhảy múa cho bóng đá thế giới, thì Trung Quốc cũng có quyền tự hào với tư cách quốc gia chuyên “xuất khẩu” những nghệ sĩ có đôi tay uyển chuyển ở môn bóng bàn.

Cụm từ “giải đấu dành riêng cho... ai đó” xuất hiện rất phổ biến trong thể thao ngày này và được dùng để miêu tả cuộc so tài diễn ra giữa các vận động viên ở cùng một quốc gia. Thông thường, người ta chỉ quen nghe nhiều đến cụm từ này ở quần vợt, bóng đá hay cầu lông, những môn thi đấu xác suất để những cuộc “nội chiến” diễn ra rất thường xuyên. Ví dụ, giải quần vợt Barcelona Open trên đất Tây Ban Nha trước giờ được ví như sân chơi dành cho các tay vợt ở quốc gia nổi tiếng với môn đấu bò tót bởi sự chiếm lĩnh về quân số từ vòng đấu tứ kết trở đi với những cái tên quen thuộc như Rafael Nadal, Fernando Verdasco, David Ferrer hay Nicolas Almagro…

Nhưng ngạc nhiên chưa, môn bóng bàn tại sân chơi mang trong mình tính hiện đại và quy mô như Olympic nay bỗng dưng trở thành… sân nhà của Trung Quốc. Qua danh sách các đội tuyển như Thổ Nhĩ Kỳ (Bora Vang, Melek Hu), Đức (Wu Jiaduo), Croatia (Tian Yuan), Áo (Chen Weixing, Liu Jia, Li Qiangbing), Tây Ban Nha (He Zhi Wen, Shen Yanfei), Canada (Andre Ho, Zhen Wang), Mỹ (Ariel Hsing, Lily Zhang), Argentina (Liu Song) và Congo (Han Xing), gần như mọi đội tham dự đều mang đến London những tay vợt gốc Trung Quốc trong đội hình, quả không ngoa khi ví bỏ tiền mua vé vào xem các trận đấu môn bóng bàn tại Olympic London 2012 giống như theo dõi một giải “China Open (Trung Quốc mở rộng)”.

Phải đi vì quá nhiều “sao”

Với 20/24 huy chương vàng có được kể từ khi bóng bàn chính thức được đưa vào thi đấu tại Olympic 1992 đến nay, Trung Quốc như một tay chơi vô đối trên bản đồ bóng bàn thế giới. “Rất khó, phải thừa nhận như thế khi nghĩ đến chuyện đả bại các tay vợt Trung Quốc. Họ không chỉ chuẩn bị cho Olympic trong mới chỉ một hay hai năm trước giải, ngược lại, đã có một bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong suốt bốn năm dài”, tay vợt người Úc gốc Trung Quốc Miao Miao phát biểu.

Tay vợt gốc Trung Quốc Wu Jiaduo, bắt đầu đại diện cho nước Đức ở các giải đấu lớn kể từ năm 2005, đang tranh tài tại Olympic 2012

Trước đây, Trung Quốc thường bị truyền thông phương Tây chỉ trích vì vận hành thể thao theo phương cách của thể thao Xô Viết, tức ngay từ nhỏ trẻ em được lựa chọn tham gia môn thể thao dựa trên điều kiện thể lực phù hợp. Nhưng với môn bóng bàn, điều này vô tình tạo ra một mỏ vàng bởi số dân lên đến 1,3 tỷ người cho phép họ hoàn toàn thảnh thơi không lo đói nguồn cung cấp vận động viên. Cũng từ đó, qua mỗi kỳ Olympic, đội bóng bàn nước này đều trình làng các tay vợt trẻ. Thậm chí, các quốc gia cạnh tranh khác còn lấy đó làm tin vui. “Vẫn có cơ hội để chúng tôi hạ tuyển Trung Quốc bởi họ chỉ toàn sở hữu lứa vận động viên trẻ và chưa từng có kinh nghiệm tranh tài ở Olympic trước đây”, tay vợt Miao Miao nói tiếp.

Song, đã có lúc con số “quái kiệt” bóng bàn tại đây tăng chóng mặt đến độ Trung Quốc thậm chí không tiếc giữ chân các vận động viên. “Họ (Liên đoàn bóng bàn Trung Quốc) không hề quan tâm nếu bạn muốn rời đội, vì còn đó hằng hà các tay vợt xuất sắc khác. Khi bạn đến và trình ý định rời đội, họ nói chấp nhận ngay”, tay vợt từng chơi cho Trung Quốc nhưng nay là thành viên tuyển bóng bàn Mỹ tham dự Olympic London 2012, Jun Gao, chia sẻ. Jun không gặp bất kỳ khó khăn nào khi nhập cảnh vào Mỹ hồi năm 1994, dù mới chỉ hai năm trước cô còn mang về tấm huy chương bạc cho thể thao Trung Quốc ở nội dung đánh đôi tại Olympic Barcelona 1992.

Sự ra đi của những người như Jun là dễ hiểu khi ngày càng có nhiều vận động viên tài năng của Trung Quốc xuất hiện qua từng năm tháng, theo đó sự cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt hơn và tấm vé tham dự Olympic chỉ dành cho những ai nổi trội nhất. Và một khi không thể tìm được chỗ đứng ở đội tuyển quốc gia, ra đi được xem như thượng sách. Đó cũng là câu trả lời cho cho câu hỏi tại sao sân chơi Olympic London 2012 lại ngập các tay vợt đến từ Trung Quốc.

Trên lý thuyết, xuất khẩu nhân tài bóng bàn sang nước bạn giúp tiếng tăm Trung Quốc trở nên nổi như cồn. Nhưng sự thật đằng sau ánh hào quang ấy là gì?

Ăn hoài một món cũng ngán!

Ai đánh bại được Trung Quốc trên bàn bóng bàn? Câu trả lời hẳn chỉ có các tay vợt Trung Quốc mới biết rõ bởi hầu như ở các giải đấu lớn, cuộc đua tranh đến danh hiệu vô địch bao giờ cũng là về cuộc nội chiến của các tay vợt đến từ đất nước đông dân nhất hành tinh. Dù trên danh nghĩa, đó vẫn là cuộc so tài của hai quốc gia khác nhau, nhưng xét về góc độ con người, có khác là bao khi một tay vợt thuần Trung Quốc tranh tài với một đối thủ mang quốc tịch khác nhưng lại có gốc Trung Quốc.

Sự lớn mạnh của bóng bàn Trung Quốc đang tàn phá sự phát triển của bộ môn này ở các nước còn lại- Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn quốc tế.

Ở một khía cạnh khách quan, có người sẽ nói thể thao không phân biệt xuất xứ các vận động viên. Nhưng ngẫm về tinh thần dân tộc và màu cờ sắc áo, điều đặc biệt có ý nghĩa ở những giải đấu như Olympic, liệu người ta có hồ hởi trước vinh quang một vận động viên xuất thân từ một nơi hoàn toàn xa lạ? Rõ ràng, vấn đề nhập khẩu các tay vợt bóng bàn Trung Quốc luôn có hai mặt. Một là tích cực, do luận về thành tích thì có thể mang đến kết quả tức thời hay đạt được chỉ tiêu đề ra. Hai là tiêu cực, do khâu đào tạo trẻ lúc này sẽ bị bỏ sót và kéo theo đó sẽ lứa vận động viên từ chính quốc gia chẳng sẽ chẳng khác nào mặt hàng được trưng bày trong tủ kính!

Để tránh viễn cảnh “Trung Quốc hóa” bóng bàn ở các quốc gia trên thế giới, Liên đoàn bóng bàn quốc tế (ITTF) quyết định công nhận đề xuất hạn chế “làn sóng xuất khẩu các tay vợt bóng bàn” từ năm 2008. Với điều luật này, những tay vợt trên 21 tuổi sẽ không được từ bỏ quê hương chuyển sang thi đấu cho quốc gia khác. Ngoài ra, các vận động viên phải chờ 7 năm để được thi đấu cho quốc gia khác nếu ở độ tuổi 18-21; 5 năm nếu từ 15-18 tuổi và 3 năm nếu dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, tiếc rằng điều luật này chỉ áp dụng tại các giải Open và vô địch thế giới chứ không áp dụng tại Olympic vì nằm ngoài thẩm quyền của ITTF. Ngoài ra, phải hiểu điều luật nào dù có chặt chẽ đến đâu rồi cũng có khe hỡ để lách luật. Cách ITTF áp dụng trong 4 năm qua cũng chỉ dừng lại ở mức “hạn chế”, chứ không chấm dứt được sự xuất khẩu nhân lực ở môn bóng bàn. “Sự lớn mạnh của bóng bàn Trung Quốc ở khía cạnh nào đó đang tàn phá sự phát triển của bộ môn này ở các nước còn lại”, Chủ tịch ITTF, Adham Sharara, ngậm ngùi.

Giống như giải bóng đá vô địch Scotland hay Tây Ban Nha, nơi Celtic và Rangers rồi Barcelona và Real Madrid thay nhau ẳm cúp. Trong khi đó, yếu tố bất ngờ hay một nét đột phá nào đó lại rơi vào quên lãng. Thú thật, “ăn hoài một món đâm ra cũng ngán”. Bề mặt chung của bóng bàn thế giới lúc này có thể được hiểu như thế!

Huỳnh Ngọc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục