Becamex Bình Dương chi 50 tỷ cho chuyển nhượng

23:34 Thứ sáu 13/09/2013

Cho đến thời điểm này, tức là nửa tháng sau khi mùa giải 2013 kết thúc, có thể thấy vụ “áp-phe” bộ ba “xe-pháo-mã” Trọng Hoàng, Văn Bình và Văn Hoàn về với đất Thủ là đình đám nhất. Với gần 20 tỷ đồng mà đội chủ sân Bình Dương bỏ ra để sở hữu chữ ký của họ trong ba năm, đây hoàn toàn có thể là những bản hợp đồng lớn nhất mùa giải 2014, theo thời giá hiện tại.

Sông Lam Nghệ An sau một đêm mất ba trụ cột (và còn có thể mất nữa, khi xứ Nghệ đã công khai không đủ tiềm lực tài chính để giữ hiền tài), trái ngược hoàn toàn với câu chuyện ở Thủ Dầu Một, nơi dòng tiền luôn động.

Tiền không phải là vấn đề…

Thật lạ là trong thời buổi nền kinh tế khó khăn, với bóng đá đã chịu những liên đới trực tiếp từ ít nhất hai năm đổ lại, rất, rất nhiều các đội bóng bỗng dưng mất tích, hoặc giải tán, ngưng hoạt động vô thời hạn…, thì Becamex Bình Dương lại như thể miễn nhiễm với cơm-áo-gạo-tiền. Không chỉ mua đứt Trọng Hoàng, Văn Bình và Văn Hoàn với giá gần 20 tỷ đồng, trước đó, một nguồn tin không chính thức còn khẳng định, sân Bình Dương đã có Tấn Trường, Đình Luật và Amougou Nsi cho chiến dịch đòi lại ngôi vương ở mùa giải năm sau.

Hoàng Văn Bình, một trong ba hảo thủ của Sông Lam Nghệ An vừa được tiền tỷ lôi kéo về Bình Dương

Tiền rõ ràng không phải là vấn đề với các ông chủ Becamex, khi từ gần chục năm đổ lại, thời điểm những Thế Anh, Vũ Phong, Quang Thanh, Hữu Thắng, Trường Giang, Xuân Thành và Như Thành…, gia nhập Becamex Bình Dương, để làm nên một đội quân chiến thắng dưới triều đại Lê Thụy Hải, đất Thủ đã luôn là nhà vô địch tuyệt đối trên thị trường chuyển nhượng. Chỉ với hai chức vô địch V-League (2007 và 2008), một lần á quân (2006), thêm lần vào bán kết AFC Cup 2009 được cho là kỳ tích của nền bóng đá cấp câu lạc bộ, là chưa đủ so với hàng ngàn tỷ đồng mà Becamex đã rót xuống bằng với khoảng thời gian đó.

Rất nhiều các cái tên thuộc tầm thương hiệu, trong quá khứ và cả hiện tại, được trải thảm đỏ về Thù Dầu Một và đã có cả một giai thoại bắt chước điển tích xưa của đế chế La Mã, “mọi ngả đường đều dẫn về Becamex Bình Dương”. Nó cũng giống như đầu tư mạo hiểm vậy, khi không ít các bản hợp đồng trị giá nhiều tỷ đồng được đưa về sân Bình Dương, chỉ để đánh bóng băng ghế dự bị, hoặc cho mượn, hoặc nữa là bỏ. Việt Thắng, tiền đạo có giá 8 tỷ đồng, Phùng Công Minh (5 tỷ đồng), Kesley Huỳnh Alves (không dưới 3 tỷ đồng/mùa) và cả đồng đội của danh thủ Emmanuel Adebayor ở tuyển Togo, trung vệ Vincent Boussou, là những điển hình.

Vấn đề là những người làm bóng đá Becamex Bình Dương, như ông chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá Bình Dương và cả ông tổng giám đốc, đâu có phải móc tiền túi của họ ra, mà xót?! “Họ chỉ làm mỗi một công việc, đó là tìm cách tiêu tiền và hợp thức hóa các chứng từ. Tôi lấy ví dụ như ở thời của chúng tôi trước đây, Becamex IDC rót xuống trung bình mỗi năm 70 tỷ đồng, lãnh đạo đội bóng phải chứng minh được số tiền ấy dùng cho việc gì (chưa nói hợp lý hay không). Nếu dư thì cắt bớt vào năm sau, còn thiếu, có thể được bổ sung thêm”, một trụ cột của Becamex Bình Dương trước đây cho biết.

V-League có là “bãi rác”?

So với quỹ chuyển nhượng (chưa nói lương, thưởng) 50 tỷ đồng (dự chi) của Becamex Bình Dương trong chiến dịch sắm sao ở mùa giải tới, những đội bóng con nhà nghèo sẽ là đối thủ của đất Thủ và gia đình bầu Hiển ở V-League 2014 như Kiên Long Kiên Giang, Sông Lam Nghệ An, Đồng Tâm Long An, Đồng Nai, Hùng Vương An Giang, Than Quảng Ninh và cả Vissai Ninh Bình, đứng ở đâu? Các năm trước, Vissai Ninh Bình cũng rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng, nhưng kể từ ít nhất hai năm gần đây, với cơn bão tài chính, đội bóng này thông báo chỉ dùng trên dưới 30 tỷ đồng/mùa, và như thế đã là nhiều.

Cơ chế bóng đá chuyên nghiệp (tất nhiên là kiểu của Việt Nam) mở ra, không bắt buộc các câu lạc bộ phải kinh doanh có lãi sau một giai đoạn hoặc một chu kỳ tính bằng ba hay năm năm. Ai có tiền thì chơi, không có thì nghỉ; nhiều chơi trội, ít dè xẻn. Nói tóm lại là, đèn nhà ai nấy sáng! Việc hàng loạt các đội bóng phải giải thể vì khó khăn tài chính, cũng không thể buộc tội những anh nhà giàu như Becamex Bình Dương được. Bằng với sự thống trị gần như tuyệt đối (trên thị trường chuyển nhượng và cả bảng vàng thành tích) của Becamex Bình Dương và các đội bóng của bầu Hiển, liệu V-League có là một La Liga phiên bản 2.0?

Ở xứ bò tót, tất cả những cầu thủ tốt nhất thế giới đều bị hút về Santiago Bernabeu (Real Madrid) hay Camp Nou (Barcelona). Thế nên, người ta đã ví giải bóng đá cao nhất của Tây Ban Nha giống như một bãi rác, với phần còn lại không thể đủ sức cạnh tranh cùng hai gã khổng lồ, từ ít nhất một thập niên qua. Cuộc chơi cũng lắm công phu và bóng đá, có hay không sự công bằng?! Hỏi mà như đã trả lời. “Nếu chúng tôi là Real Madrid, hẳn đội bóng đã không bị đối xử như thế”, cựu huấn luyện viên trưởng của Malaga, ông Manuel Pellegrini từng thốt lên, sau khi đội bóng của ông bị Borussia Dortmund loại khỏi tứ kết Champions League một cách tức tưởi ở mùa giải vừa qua.

Bằng với tiềm lực tài chính mạnh, cùng một mối quan hệ rộng, phần lớn các đội bóng lớn đều nhận được sự ủng hộ của ban tổ chức hay các trọng tài. Từ Tây Ban Nha, đến Anh, Ý, Pháp hay Đức, thậm chí cả ở sân chơi châu lục với giải đấu đỉnh cao Champions League, đều thế, huống hồ tại Việt Nam. Trong năm năm qua, các đội bóng của bầu Hiển đã giành bốn chức vô địch V-League, chỉ một lần ngôi quán quân được san sẻ cho Sông Lam Nghệ An. Nếu lấy cột mốc là bảy năm, ngôi cao nhất giải bóng đá hình chữ S gần như chuyện riêng của bầu Hiển và Becamex Bình Dương. Xu hướng này còn có thể được tiếp tục ở mùa giải năm sau và năm sau nữa.

Tùy Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục