Bạo lực sân cỏ Việt và tư duy Tào Tháo

10:32 Thứ hai 16/05/2016

Tấn Tài làm gẫy chân Osmar, tình huống được xác định chỉ là tai nạn. Nhưng tai nạn kiểu ấy là sản phẩm tất yếu của thứ tư duy Tào Tháo tồn tại lâu nay trong bóng đá Việt Nam.

Tam quốc diễn nghĩa, sau khi giết cả nhà ông bạn vàng Lã Bá Sa, Tào Tháo “đẻ” ra triết lý sống: thà ta phụ người, quyết không để người phụ ta. Triết lý ấy không ai ra mặt tôn sùng, nhưng thực tế có rất nhiều người âm thầm tôn thờ nó.

Với bóng đá Việt, chuyện “ta phụ người” nhiều khi còn được coi là bài học vỡ lòng, ẩn dưới cái danh xưng rất mỹ miều là… tự vệ.

Chuyện xưa mà không cũ. Lò đào tạo bóng đá SLNA thời hoàng kim nổi tiếng với những lứa cầu thủ có chuyên môn, đầy khao khát nhưng lại máu lửa đến mức chém đinh chặt sắt.

Đấy là do các em từ lứa tuổi U đã được dạy, và quan trọng là tự học từ đàn anh, những bí kíp bảo vệ mình bằng cách… ăn người. Các “mánh” triệt tiêu sức chiến đấu của đối phương cực kỳ phổ biến: thúc vào đùi non, giẫm vào mắt cá hoặc chích vào gót chân… Còn giật cùi chỏ hay bay xoạc thì đã thành “đặc sản”.

Có không ít cầu thủ tài vừa phải nhưng tật vô vàn, đã nhầm lẫn tai hại giữa chuyện chơi xấu và đẳng cấp. Chứng kiến họ ngồi nhậu cùng nhau mới thấy nực cười những cái zô zô bắt nhịp cho tiếng cười khoái trá và bộ sưu tập những câu chuyện đánh người, đại loại như: “Thằng đó gà lắm, tao ăn suốt”…

Điều đáng nói là chính cái tư duy rất phũ ấy lại được cổ suý bởi nhiều đội bóng cần thắng bằng mọi giá, bởi những khán giả ồ lên tán thưởng các pha đấu võ... Bởi vậy, dù các án phạt liên tiếp được đưa ra, những chấn thương liên tiếp xảy đến, cũng thật khó để kiềm chế bạo lực trên sân cỏ một cách triệt để.

Khi còn thi đấu, trung vệ Huy Hoàng (SLNA) là mẫu cầu thủ máu lửa nhưng thường xuyên phạm lỗi. Ảnh: Quốc Bảo.

Năm 2012, trung vệ Huy Hoàng của SLNA bay người đạp Samson (HN T&T), nhưng kết quả là rơi tự do theo phương song song mặt đất vì dính phải đòn ngược của tiền đạo Nigeria. Pha va chạm khiến Hoàng bất tỉnh, nhưng anh không thể trách ai ngoài chính mình.

Samson sau đó phân trần: Hoàng đã phạm lỗi với tôi 2 lần trước đó nên tôi cảnh giác. Ở tình huống Hoàng chấn thương, tôi hoàn toàn chỉ là tự vệ. Nếu tôi cố tình chơi ác thì có lẽ Hoàng giải nghệ ngay từ lúc ấy rồi.

Nhắc lại câu chuyện ấy để thấy rằng cầu thủ ngoại, dù chỉ ở một nền bóng đá thường thường bậc trung như Nigeria, cũng thấm nhuần tư tưởng không được triệt hạ đối phương.

Lò đào tạo HA.GL, dù không thành công trong việc xuất khẩu cầu thủ sang trời Âu, nhưng chí ít thì họ cũng giáo dục học trò không đá xấu, không đá láo và lúc nào cũng phải coi đối thủ là đồng nghiệp. Giữ chân cho đối thủ cũng là giữ sự nghiệp cho mình.

Nhiều người mỉa mai quân bầu Đức non và lành quá, hay “ăn đòn” quá. Bản thân ông Đức cũng xót quân, nhưng ông không cho phép cầu thủ của mình thay đổi theo chiều hướng “đi với ma mặc áo giấy”, bởi thành tích cũng quan trọng nhưng văn hoá đá bóng mới là mục tiêu cao nhất.

Có vẻ như ở V.League hiện giờ, bầu Đức vẫn đang lạc lõng. Cầu thủ HA.GL bị “tai tiếng” nhất là Văn Toàn, chỉ với một cú xô đẩy trọng tài. Trong khi đó, Văn Pho đi viện khi hứng trọn cú sút vào ngực của Horace (Đà Nẵng), và hôm qua, Osmar gẫy chân sau pha kê bóng của Tấn Tài (Long An).

Tấn Tài (áo đỏ) làm gãy chân Osmar, nhưng chính anh cũng từng là nạn nhân của nhiều pha phạm lỗi khác. Ảnh: Quốc Bảo.

Pha va chạm ấy dù hậu quả nặng nề nhưng đã được xác định chỉ là tai nạn. Tuy nhiên, tai nạn ấy có thể đã tránh được, nếu Tấn Tài chỉ làm động tác “be” bóng thông thường chứ không đưa ra cái gầm giày.

Tiếc thay, chính Tấn Tài cũng đã nhiều lần là nạn nhân của những cú kê “bàn là” khác. Ngay lúc này, anh vẫn phải bó cổ chân mỗi lúc ra sân. Vì thế, pha ra chân của Tấn Tài có thể lý giải là bản năng tự vệ, dù bản năng ấy hơi… ác.

Cũng tương tự như thế là Ngọc Hải đạp vào gối Anh Khoa, Đình Đồng làm gẫy chân Anh Hùng hay Thanh Hào đốn giò Abbas. Những người mắc lỗi đã bị lên án, đã khóc, đã phải đền tiền… nhưng có một thứ mà nền bóng đá còn rất nhiều hạn chế này cần phải đền cho họ, đấy là thứ tư duy “thà ta phụ người” đã tiêm vào đầu họ từ lúc nhập môn.

Nhiều cầu thủ gãy chân ở V.League: 3 mùa bóng gần đây, sân cỏ V.League chứng kiến những chấn thương kinh hoàng của cầu thủ. Đầu mùa 2014, tiền đạo Alan Bruno của Than Quảng Ninh gãy xương mác vì va chạm với Anh Tuấn của HAGL. Chấn thương này khiến Bruno phải chia tay sân cỏ trong gần một năm.

Đến V.League 2015, Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng) bị đa chấn thương gồm gãy xương dưới sụn lồi cầu xương đùi bên, rách mảnh ghép dây chằng chéo trước, rách sụn chêm giữa, rách sụn chêm bên, rách dây chằng chéo giữa khớp gối… sau pha vào bóng của Quế Ngọc Hải (SLNA). Vì pha bóng này, Ngọc Hải bị VFF treo giò 6 tháng, còn Anh Khoa phải sang Singapore phẫu thuật.

Ngoài ra, tiền đạo Abass của Bình Dương cũng bị gãy hở 2 xương mắt cá, trật khớp cổ chân trái… sau pha vào bóng của Dương Thanh Hào (Hà Nội T&T) ở trận chung kết cúp Quốc gia. Đến nay, Abass và Anh Khoa vẫn chưa trở lại sân cỏ.
Quốc Bảo | 10:20 16/05/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục