VPF VÀ CUỘC CHIẾN CỦA NHỮNG ÔNG BẦU: Kỳ cuối: Đi tìm nguyên nhân thất bại của VPF

15:37 Thứ bảy 07/09/2013

Ban tư vấn đạo đức không thể hiện được vai trò của mình, Ban tổ chức giải V.League thì bị chỉ trích, VPF cũng không hoàn thành nhiệm vụ trong mùa giải vừa qua. Sự thất bại toàn tập của VPF đến từ yếu tố con người hay sự tồn tại của họ là không cần thiết?

Ban lãnh đạo VPF ngày mới thành lập. Ảnh: NAM HẢI

Tại con người...

Từ VFF cho đến những người làm bóng đá Việt Nam đều thừa nhận rằng việc thành lập VPF là điều tất yếu trong quá trình phát triển bóng đá Việt Nam. Phù hợp với quá trình chuyên nghiệp hóa mà các nước bóng đá phát triển khác vẫn đang làm. Điều đó cho thấy, sự tồn tại của VPF là cần thiết. Nhưng tại sao, kể từ khi tổ chức này xuất hiện đã dẫn đến sự khủng hoảng nghiêm trọng đối với bóng đá Việt Nam? Mọi trách nhiệm có phải đều đến từ sự xuất hiện của công ty này?

Cũng thế, việc thành lập Ban tư vấn đạo đức là điều không hề mang lại tác hại, thậm chí đây là một kênh có ích trong việc làm việc làm trong sạch làm bóng đá. Các nền bóng đá phát triển đều tồn tại một Ban có chức năng gần giống như Ban tư vấn đạo đức. Nhưng suốt mùa giải vừa qua, ban này lại hoạt động không hiệu quả.

Có thể viện dẫn nguyên nhân đến thất bại có trách nhiệm không nhỏ từ những người thực thi công việc. Một kế hoạch dù có hay đến bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng những người thực hiện công việc không hoàn thành nhiệm vụ, thì kế hoạch ấy cũng trở thành một kế hoạch... dở. Ở đây, những người lãnh đạo VPF là bầu Thắng và bầu Đức đã không là những “thuyền trưởng” đáng tin cậy trong việc chèo lái con tàu VPF. 2 ông bầu ấy, 1 người thì không còn ngó ngàng đến bóng đá bởi phải tất bật giải quyết chuyện kinh doanh (bầu Đức), còn 1 người thì bị “há miệng mắc quai” và khả năng cũng không đủ sức để cán đáng nổi (bầu Thắng). Ngay cả đội bóng của ông là ĐT.LA còn “lên bờ xuống ruộng” thì làm sao có thể điều hành và chỉ đạo 20 CLB ở cả hạng Nhất và V.League nghe theo?.

Ở cấp độ nhỏ hơn nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến giải đấu là các ban chức năng trực thuộc VPF cũng không có được những con người làm việc thực sự hiệu quả. Ông Trần Duy Ly - Trưởng BTC giải - hết lần này đến lần khác hành xử vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Còn Ban tư vấn đạo đức, lại là tổ chức với đơn thuần là những nhà báo thể thao, mà bản thân họ cũng không đủ tiếng nói cũng như uy tín để thuyết phục được dư luận. Thế nên, thất bại của VPF mùa giải qua có trách nhiệm không nhỏ của những người thực thi công việc.

... hay tại cơ chế?

Tuy nhiên, nếu chỉ quy chụp nguyên nhận tại những cá nhân riêng biệt thì e là không công bằng. Bởi những người thực thi công việc cũng đáng được thông cảm khi họ bị vướng mắc khá nhiều rào cản trong quá trình làm việc. Một chuyên gia đến từ Nhật Bản như ông Tanabe vừa sang Việt Nam rồi phải về nước không phải vì trình độ và khả năng của ông kém cỏi, mà đến từ những cơ chế đã tồn tại trong bóng đá Việt Nam khiến những kế hoạch của ông cũng như những người khác không thể hoàn thành được.

BTC giải gặp phải vô vàn khó khăn khi không dám xử theo luật vì e sợ nếu xử đúng luật thì chẳng còn CLB nào tham dự giải. Đấy là cái khó của họ, bởi sự thiếu chuyên nghiệp của các CLB đã tồn tại cả chục năm qua và không dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều. Ban tư vấn đạo đức cũng gặp khó khăn tương tự khi không tổ chức nào coi trọng sự tồn tại của họ, mà nói như ông Trưởng ban thì họ bị xem như “bù nhìn”.

Quá trình chuyên nghiệp của các CLB Việt Nam cũng gặp phải khó khăn bởi sự thụ động trong việc dứt bỏ sự phụ thuộc vào nhà nước hay chủ động theo mô hình của một doanh nghiệp độc lập. Đấy chính là cái khó về mặt cơ chế, mà VPF không thể thực hiện trong việc bê nguyên mô hình của bóng đá Nhật Bản sang mà thực hiện.

Ngay cả VFF cũng liên tục làm khó VPF trong quá trình hoạt động cũng cho thấy chính cơ chế làm việc theo kiểu “bao cấp” đã làm chậm sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Và VPF cũng là một nạn nhân.
Thiên Vũ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục