Vovinam lan tỏa nhanh, mạnh ra thế giới

11:06 Thứ bảy 12/10/2013

Năm 2013 đánh dấu 75 năm ra đời, hình thành và phát triển đồng thời cũng là mốc đánh dấu 40 năm quốc tế hóa của môn Vovinam - Việt võ đạo. Vovinam hiện tại đã phổ biến ra hơn 50 quốc gia trên thế giới, với hàng trăm nghìn môn sinh luyện tập, tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc Việt.

Nhiều phương cách quảng bá Vovinam

Một trong những mục tiêu quan trọng của Liên đoàn Vovinam Việt Nam là hỗ trợ, quảng bá, phát triển phong trào Vovinam trên thế giới; từng bước đưa Vovinam trở thành môn thi đấu chính thức và ổn định tại các giải thể thao của khu vực và châu lục.

Liên đoàn Vovinam Việt Nam thường xuyên hỗ trợ, giao lưu và mở rộng mối quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế như: Liên đoàn Vovinam Thế giới, Liên đoàn Vovinam châu Á, Liên đoàn Vovinam châu Âu, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á, Liên đoàn Vovinam châu Phi… bằng nhiều giải đấu tổ chức tại các châu lục và cừ đội ngũ chuyên gia, trọng tài, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) tới giao lưu, tập huấn chuyên môn, điều lệ, luật thi đấu... cho các đội tuyển.

Các võ sinh nước ngoài biểu diễn quyền thuật.

Để chuẩn bị cho Myanmar - nước chủ nhà SEA Games 27, diễn ra vào cuối năm 2013 tổ chức thành công môn Vovinam, từ tháng 10-2012 đến tháng 5-2013, Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã cử 4 chuyên gia sang Myanmar, tập huấn chuyên môn cho HLV, VĐV; tập huấn trọng tài, công tác tổ chức, điều hành giải cho Myanmar. Cùng với việc cử các nhà chuyên môn sang Myanmar, vào đầu năm nay, Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã tập huấn kỹ thuật cho 52 cán bộ, trọng tài, HLV và VĐV ĐTQG Vovinam của Myanmar trong một tháng tại TP Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Võ Danh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới, Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam - Việt Võ đạo thế giới cho biết: “Qua các đợt tập huấn tại Việt Nam, nhiều võ sĩ Myanmar đã tiến bộ nhanh chóng. Phía bạn hài lòng khi được Liên đoàn Vovinam Việt Nam và các ban ngành chức năng ở Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ mọi mặt trong thời gian tập huấn tại TP Hồ Chí Minh. Tôi tin tại SEA Games 27, đội tuyển Vovinam của Myanmar sẽ gặt hái được nhiều thành công”.

Vào đầu tháng 9-2013, Vovinam cũng có dịp quảng bá, giới thiệu những nét tinh hoa, hấp dẫn của môn võ thuật đặc trưng này với bè bạn quốc tế tại Liên hoan Võ thuật thế giới, tổ chức ở Hàn Quốc.

Giải vô địch Vovinam thế giới lần thứ III - năm 2013 cũng đã được Liên đoàn Vovinam Việt Nam tổ chức thành công tại thủ đô Paris, nước Cộng hòa Pháp từ ngày 5 đến 8-7. Giải thu hút gần 400 VĐV của 24 quốc gia: Nga, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Iran, Romania, Poland, Senegal, Algeria… thi đấu 38 nội dung.

Giải được coi là “Ngày hội Vovinam”, bởi giải không chỉ có không khí thi đấu sôi nổi mà còn là nơi những người có cùng niềm say mê Vovinam được giao lưu, chia sẻ. Cùng lúc, đã có hàng ngàn lượt người đến xem triển lãm “Ngày Vovinam tại Pháp” với những hình ảnh, phim tư liệu mô tả những hoạt động của Vovinam trên toàn thế giới ở Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Paris. Triển lãm là nơi để tôn vinh giá trị văn hóa Việt ra quốc tế thông qua Việt võ đạo.

Ông Võ Danh Hải cho biết thêm: “Thông qua việc tổ chức các giải đấu Vovinam, chúng tôi muốn giới thiệu nhiều hơn với bè bạn quốc tế những nét đẹp của con người và văn hóa Việt. Tôi nghĩ đây là việc làm quan trọng của Liên đoàn Vovinam Việt Nam, càng nhiều nước biết thêm đến Vovinam, chúng ta càng có thêm cơ hội giới thiệu nét thượng võ của người Việt và giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới”.

Học võ Việt là thấm nhuần bản sắc văn hóa, tinh hoa dân tộc Việt

Nhiều môn sinh Vovinam người nước ngoài sau khi thụ giáo môn “Quốc võ Việt” tại đất Tổ đã về quê hương và xây dựng, phát triển thành công các lò đào tạo võ Việt ở quê nhà. Tiêu biểu là võ sư Florin Macovei, 46 tuổi, người Romania, từng nhiều lần dành dụm tiền nong, “khăn gói tay nải” tới võ đường của ông Nguyễn Văn Chiếu – Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Liên đoàn Vovinam thế giới học nghệ. Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã tận tình chỉ dạy người học trò không quản ngại đường xa, vất vả, khó khăn về kinh phí, tới Việt Nam thụ giáo mình. Ông uốn nắn từng thế tấn, đường quyền cơ bản đồng thời cho Florin ăn, ở tại nhà và không nhận học phí. Có lẽ vị võ sư này thấy ở Florin và một số môn sinh nước ngoài khác niềm đam mê học tập Vovinam, và đó không chỉ là học hỏi một môn võ mà còn là thấm nhuần bản sắc văn hóa, một trong những tinh hoa của dân tộc Việt.

Không phụ lòng thày, trở về Romania, Florin rất tích cực truyền bá, lan tỏa Việt võ đạo tại châu Âu nói chung và Romania nói riêng. Anh đã xây dựng phong tràoVovinam tại Romania từ con số không đến nay là 20 CLB, với hàng nghìn võ sinh và giờ đây anh là Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Vovinam Romania.

Ba chị em nhà cô gái Hoàng An, 23 tuổi; An Hạ, Bảo Đan - Việt kiều mang quốc tịch Đức cũng đầy đam mê, hăng say luyện tập Vovinam. Cha của họ là ông Đỗ Đức Trọng, dù đã sang định cư ở Đức nhiều năm, song ông vẫn coi việc các con mình thụ giáo Vovinam như là một cách để gia đình luôn hướng về nguồn cội, quê hương nơi chôn rau cắt rốn. Tâm sự khi được trở về quê nhà, dự kỳ thi thăng cấp lên huyền đai tại Tổ đường, được võ sư Chánh Chưởng quản môn phái Nguyễn Văn Chiếu thắt đai danh dự, Hoàng An tự hào:” Em sẽ nhớ mãi chuyến về nguồn cội và kỳ thi này bởi đây là vinh dự của cả cuộc đời”.

Nguyễn Đức Thắng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục