V-League "đắt" như World Cup, nên vui chăng?

15:28 Thứ năm 23/02/2012

Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên ngày 18/2/2012 vừa qua, bầu Đức tuyên bố: “Bản quyền truyền hình (BQTH) là vô giá. Chúng tôi đã làm việc với Đài truyền hình VN và số tiền về BQTH mà VTV sẵn sàng bỏ ra để quảng bá cho bóng đá VN là hơn 70 tỷ đồng trong 3 năm. Thậm chí một Đài truyền hình khác còn sẵn sàng đầu tư tới 100 tỷ để mua BQTH từ VPF”.

Còn khi phát biểu với báo chí sau 2 buổi làm việc liên tiếp với AVG và Tổng cục TDTT cùng trong ngày 21/2/2012, bầu Kiên cũng xác nhận thông tin do bầu Đức cung cấp và còn hứa hẹn “mọi người có thể yên tâm chúng tôi có con số ấn tượng hơn”.

Cầu thủ ở V-League thường xuyên thi đấu với khán đài trống vắng CĐV

nhưng bản quyền truyền hình giải đấu vẫn có trị giá xấp xỉ hoặc tương đương 100 tỷ đồng? Ảnh: VSI

Hiện tại, con số hơn 70 tỷ hay thông tin về bản hợp đồng ghi nhớ giữa VTV và VPF mới chỉ được các ông bầu bên phía VPF công bố, còn tuyệt nhiên chưa thấy bất cứ lời xác nhận nào từ phía VTV. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác nhau, nếu được đưa vào thực hiện, bản hợp đồng này sẽ có giá trị 20 tỷ đồng ở năm đầu tiên, lũy tiến 10% ở mỗi 2 năm tiếp theo và cuối cùng đạt tổng giá trị là hơn 70 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ riêng tiền bản quyền VTV trả cho VPF cho mùa giải đầu tiên trong thời hạn 3 năm của bản hợp đồng dự kiến nói trên đã là 20 tỷ đồng. Ở một khía cạnh khác, nếu căn cứ vào lịch tường thuật trực tiếp lượt đi V-League 2012 mà VTV đã công bố (tính cả trên các kênh của truyền hình cáp là Thể thao TV và Bóng đá TV) thì số trận đấu được VTV tường thuật trực tiếp trong cả mùa giải năm nay sẽ là khoảng 140 trận.

Giả sử tạm tính chi phí tường thuật trực tiếp một trận đấu là 150 triệu đồng thì số tiền mà VTV bỏ ra để tường thuật trực tiếp V-League 2012 ước tính vào khoảng 21 tỷ. Cộng với tiền bản quyền truyền hình 20 tỷ mà VTV đồng ý trả cho VPF, nếu thực sự bắt tay với VPF từ mùa giải 2013, VTV có thể phải chi tới xấp xỉ 50 tỷ để truyền hình trực tiếp V-League.

Nên nhớ rằng cách đây 2 năm, dù bị coi là kỳ World Cup có phí bản quyền truyền hình đắt nhất trong lịch sử thì Infront Sports & Media, đối tác bán bản quyền truyền hình World Cup 2010 của FIFA, cũng “chỉ” rao giá 2,7 triệu USD (hơn 50 tỷ đồng) cho các Đài truyền hình ở VN để mua trọn gói bản quyền truyền hình World Cup 2010. Thế mà chỉ sau 3 năm, bản quyền truyền hình V-League đã gần bằng một nửa bản quyền World Cup 2010 và nếu tính thêm chi phí sản xuất thì V-League 2013 và World Cup 2010 có thể coi như một chín một mười.

Hay nói cách khác, V-League 2013 có giá trị thương mại gần bằng World Cup 2010 và chỉ còn kém Euro 2012 (nhà cung cấp bản quyền Sportfive-S5 từng hét giá bản quyền truyền hình Euro 2012 cho các Đài truyền hình VN là 5 triệu USD, tức là khoảng hơn 100 tỷ đồng). Câu hỏi đặt ra ở đây là thực sự V-League có giá trị như thế hay đây là một trong nhiều cách thức mà một số người thực hiện nhằm mục đích biến bản hợp đồng 20 năm giữa VFF và AVG trở thành trò khôi hài vì sự chênh lệch khủng khiếp giữa con số 6 tỷ và 20 tỷ?

Mới cách đây 2 năm, số tiền bản quyền truyền hình cao nhất mà VTV trả cho VFF cho một trận đấu ở V-League 2010 chỉ là 45 triệu đồng, và nếu nhân con số này với toàn bộ 182 trận đấu của V-League (khả năng này chỉ là giả định, vì một mình VTV không thể phát sóng trực tiếp 100% trận đấu tại V-League) thì số tiền tối đa mà VTV phải chi cho tiền bản quyền truyền hình của cả một mùa giải V-League cũng chưa tới 9 tỷ đồng (chính xác là 8,1 tỷ đồng). Vậy thì vì lý do gì mà chỉ sau 2 năm, VTV lại được thuyết phục để đồng ý ký vào biên bản ghi nhớ mua bản quyền truyền hình V-League với giá 20 tỷ đồng cho một mùa giải và lũy tiến 10% ở mỗi 2 năm tiếp theo? Câu hỏi này có lẽ chỉ những người trong cuộc mới có thể đưa ra lời giải đáp thỏa đáng.

Thế nhưng, theo các ông bầu VPF thì hơn 70 tỷ cũng chưa phải là con số lớn nhất, vì bầu Đức mới đây đã tiết lộ có Đài truyền hình sẵn sàng trả tới 100 tỷ đồng cho VPF để mua bản quyền phát sóng V-League, còn bầu Kiên thì hứa hẹn còn “có con số ấn tượng hơn”.

Còn nhớ, năm ngoái Sportfive-S5 khi vừa “thét” giá 5 triệu USD cho bản quyền truyền hình Euro 2012 mà đã khiến các Đài truyền hình ở VN rét run vì mức giá bị xem là không thể chấp nhận, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế thế giới nói chung và kinh tế VN nói riêng còn nhiều khó khăn.

Thế mà một giải bóng đá mấy năm nay dù số trận SVĐ chật kín khán giả chỉ đếm được trên đầu ngón tay như V-League, nhưng bây giờ lại có giá trị bản quyền truyền hình sánh ngang với những giải đấu được xem là đại tiệc của bóng đá thế giới như World Cup hay Euro. Nếu chuyện này trở thành hiện thực thì xứng đáng để mở tiệc ăn mừng cho sự lên giá với mức độ chóng mặt của bóng đá VN ở cấp độ CLB, song niềm vui này có lẽ cũng tương tự với việc bóng đá VN vẫn đang thăng tiến vù vù trên bảng xếp hạng FIFA mấy tháng gần đây, dù ĐTQG thất bại thê thảm ở sân chơi khu vực và quốc tế 2 năm qua, và hiện tại ĐTQG thậm chí còn chưa có HLV trưởng.
Hoàng Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục