Tự truyện Javier Zanetti (Kỳ 1): Tan vỡ giấc mơ làm cầu thủ

16:28 Thứ ba 28/05/2013

Mùa hè 2013 dường như là mùa chia tay. Beckham, Owen, Scholes, Carragher, Van Bommel… đều đã giã từ sân cỏ, nhưng còn một lão tướng khác vẫn bền bỉ thách thức thời gian (anh mới tuyên bố sẽ không giải nghệ bất chấp phải nghỉ 8 tháng vì chấn thương nặng ở gân Achilles). Chúng tôi cầu xin giới thiệu đến quý độc giả cuốn tự truyện có tựa đề “Một thủ quân, một quý ông” (tiếng Ý: Capitano e Gentiluomo) của Javier Zanetti.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 


Sinh ra đã yêu bóng đá

Khi tôi còn bé, bóng đá có nghĩa là Kempes, Passarella, Fillol, Bertoni, Tarantini và Ardiles, những người hùng của World Cup 1978. Bóng đá là Diego Maradona, ngôi sao mới của Argentina. Bóng đá là Independiente, CLB mà cả gia đình tôi ủng hộ. Chúng tôi sống ở khu bến cảng phía Nam thành phố Avellaneda, một phần của vùng đại đô thị Buenos Aires, và bóng đá là phương tiện duy nhất để quên đi những buồn chán và mệt nhọc của cuộc sống hàng ngày. Ở đó bạn hầu như chỉ có thể là fan của Racing hoặc Independiente, tất nhiên cũng có người cổ vũ cho Boca (Juniors - ND) và River (Plate – ND) nhưng số này rất ít. Tôi yêu Independiente một cách vô điều kiện, cứ như là mình sinh ra với màu đỏ (màu áo của Independiente – ND) trong DNA vậy.


Tôi sinh ra trong thập niên 70, khi mà Independiente đã giành được tất cả mọi danh hiệu: giải VĐQG, Copa Libertadores, Cúp Liên lục địa. Nhưng các CĐV vẫn không thể nào quên được một kỷ niệm buồn diễn ra vào vài năm trước đó: hai lần liên tiếp vào các năm 1964 và 1965, chúng tôi lọt vào chung kết Cúp Liên lục địa và đều để thua Inter. La Grande Inter của Herrera, Facchetti, Corso và Mazzola. Người ta đã nói đến hai trận đấu ấy trong rất nhiều năm, bởi cảm giác thất bại trước một đội bóng Italia được dẫn dắt bởi một HLV người Argentina – Helenio Herrera – là rất khó nuốt trôi. Khi đó, Inter trong mắt tôi là kẻ thù, nhưng họ cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng bởi đã thắng Independiente 2 lần trong vòng 2 năm, một điều ít ai có thể làm được vào thời điểm đó.

Trở thành Interista

Thời ấy TV không phát sóng giải VĐQG Italia, nên trong suốt một thời gian dài thì Inter chỉ là một cái tên, một bóng ma lướt qua tâm hồn những đứa trẻ. Thỉnh thoảng, tôi được nhìn thấy vài bức ảnh chụp sân San Siro – một SVĐ rất ấn tượng – nhưng tất cả cũng chỉ có thế. Phải đến giữa những năm 80, khi Maradona chuyển sang khoác áo Napoli thì truyền hình mới tường thuật các trận đấu ở Serie A. Rất nhiều người bắt đầu hâm mộ Napoli, nhưng tôi lại cảm thấy thích Inter. Tôi nói thế không phải vì bây giờ mình đã là một Interista đến tận xương tủy, mà vì Inter và Independiente thật sự có rất nhiều điểm chung. Hai đội bóng này đều được thành lập trong những năm 1900, đều có cá tính mạnh mẽ, có chút gì đó “điên” và khó dự đoán.

Cảm tình mà tôi dành cho Inter lớn dần lên, tuy nhiên vẫn chưa hẳn là tình yêu. Nhưng rồi thần tượng của tôi, hình mẫu duy nhất của tôi xuất hiện: Lothar Matthaeus, một tiền vệ sắt thép người Đức, người có thể một mình thay đổi kết cục trận đấu. Người đồng đội Bergomi (Giuseppe Bergomi – trung vệ huyền thoại của Inter và ĐT Italia) của tôi từng nói rằng “nếu Lothar muốn thắng một trận đấu nào đó, thì chúng ta sẽ thắng”. Vào cuối thập niên 80, nếu Maradona đại diện cho Napoli thì Matthaeus là biểu tượng của Inter, và dù vẫn điên cuồng vì Maradona thì tôi không thể che giấu sự yêu thích dành cho Matthaeus. Ở anh ấy, tôi nhìn thấy mẫu cầu thủ mà mình muốn trở thành: một thủ lĩnh, một trụ cột tinh thần cho đội bóng.
Nhờ Matthaeus, tôi – một cách bí mật – dần dần cũng trở thành Interista.


Lời từ chối của Independiente

Tôi bị ảnh hưởng nhiều từ anh trai Sergio: anh ấy hơn tôi 5 tuổi và là một “ngôi sao” trong các đội bóng nhí. Vì thế tôi cũng rất ham mê chơi bóng, nhưng vấn đề là mẹ tôi không cho phép chúng tôi ra đường bởi Argentina lúc đó đang nằm dưới chế độ độc tài (từ năm 1976) và an ninh không được đảm bảo. Thậm chí mọi người còn không biết mình có sống nổi đến cuối tháng hay không. Rất may, ở gần nhà tôi có một bãi đất trống và cha tôi – cùng với cha của những đứa trẻ khác – đã cải tạo nó thành một sân bóng. Chúng tôi dành cả tuổi thơ của mình ở cái sân đó và lập ra một đội bóng có tên The Disneyland. Dần dần, nhờ bóng đá mà khu phố của tôi trở nên đoàn kết hơn: các bà mẹ thường đến cổ vũ trong mỗi trận đấu và mang thịt nướng đến chia cho chúng tôi. Đối với tôi, sân bóng ấy là cả thế giới.

Nhưng những ngày tháng với Disneyland không kéo dài. Đột nhiên một quan chức của Independiente tìm tôi và hỏi: “Cậu có muốn đến đá cho chúng tôi không?”. Giấc mơ của tôi đã thành sự thực! Tưởng tượng mà xem, tôi sẽ trở thành một “Quỷ đỏ”, bảo vệ màu áo của Independiente, chơi bóng bên cạnh thần tượng của tôi, “El Bocha” Ricardo Bochini. Tôi mơ trở thành Diego, lừa qua hết hàng hậu vệ đối phương, nhảy qua đầu cả thủ môn trước khi ghi bàn, sau đó tôi sẽ thể hiện cảm xúc một cách không hề che dấu và đón nhận những tiếng tung hô từ khán đài. Tôi đã cố gắng hết sức và đến năm 15 tuổi thì lọt vào đội trẻ Independiente, để rồi lại đứng trước một bước ngoặt trong sự nghiệp. Một sự sụp đổ thì đúng hơn: HLV bảo tôi không có tương lai ở đội 1 vì tôi quá gầy, quá nhỏ, quá yếu ớt. Thế là hết. Trong suốt một năm liền tôi không động tới trái bóng, kể cả là đá vui vẻ với bạn bè. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn tôi, tình yêu bóng đá vẫn cháy bỏng và chính cha tôi đã giúp tôi thoát khỏi tình trạng bế tắc ấy. Một ngày nọ, tôi đi làm như thường lệ và ông ấy nói với tôi trong bữa trưa: “Javi, rút cuộc thì con muốn làm gì? Con thực sự tin rằng mình không bao giờ có thể chơi bóng chuyên nghiệp hay sao? Hãy nhìn xung quanh kìa, có rất nhiều người đánh giá cao con, tin rằng con có thể làm được. Mọi chuyện tại Independiente đã diễn ra không thuận lợi, nhưng tại sao không thử tìm kiếm cơ hội ở một nơi khác?”.


Những lời lẽ ấy vang vọng trong đầu tôi trong suốt một tuần. Và cuối cùng tôi đã bị thuyết phục. Buenos Aires là một thành phố khổng lồ, ở đó đâu chỉ có mỗi Independiente. Tôi sẽ tìm một đội bóng mới.

Đón đọc kỳ 2: Chiếc máy kéo ở Buenos Aires

“Ngày nào cũng vậy, cha tôi đều dậy từ 5 giờ sáng để đến công trường. Ông ấy là một thợ hồ, và suýt nữa tôi cũng đã theo nghề thợ hồ nếu không nhận được một số lời khuyên về việc chơi bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong một quãng thời gian ngắn, tôi thực sự đã làm việc như một thợ hồ. Từ khi 12 tuổi, tôi đã đi theo phụ giúp cha tôi một số công việc. Đơn giản thôi, chỉ là đánh vôi vữa, chuyển gạch, nhưng tôi rất thích chúng. Bản thân việc xây nhà thì không hấp dẫn, nhưng nó giúp ích cho rất nhiều người. Về sau, nguyên tắc sống của tôi cũng tuân thủ nguyên tắc xây dựng: cứ bắt đầu từ phần gốc, gia cố nó cho vững vàng rồi hãy nghĩ đến phần đỉnh” – Trích đoạn tự truyện của Zanetti. Như chính “El Pupi” tiết lộ, việc hành nghề thợ xây còn rất hữu ích đối với anh từ một góc độ khác: nhờ quen với cường độ lao động nặng nhọc từ nhỏ, Zanetti tích lũy được nền tảng thể lực tuyệt vời và chơi bóng đến tận năm 40 tuổi mà rất ít khi dính chấn thương
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục