Nỗi lòng huấn luyện viên “nuôi dạy hổ”!

01:36 Chủ nhật 17/02/2013

Chơi thể thao đỉnh cao ở Việt Nam là một nghề vừa khổ vừa nghèo. Trong cái khổ cái nghèo ấy, thấy thương phái mạnh một thì tội phái yếu đến mười.

Chúng ta hãy nghe Nguyễn Thị Thanh Huyền - nhà vô địch SEA Games môn đua xe đạp băng đồng, nay là HLV, đồng thời cũng có thể gọi là nhà báo khi chị đã xong bốn năm ngồi giảng đường khoa báo chí Trường đại học KHXH&NV TP.HCM hệ chính quy - kể chuyện mình.

HLV Nguyễn Thị Thanh Huyền thị phạm môn xe đạp băng đồng cho các học trò  - Ảnh: Tấn Phúc

Nghề nào cũng có những khó khăn vất vả riêng, nên thật khó nói nghề này khổ hơn nghề kia. Nhưng riêng với tôi - Nguyễn Thị Thanh Huyền, HLV đội tuyển trẻ xe đạp VN - nếu ai đó hỏi: huấn luyện VĐV năng khiếu và huấn luyện VĐV đỉnh cao, cái nào khó hơn, tôi sẽ trả lời: là năng khiếu. Huấn luyện VĐV đỉnh cao gần như mình chỉ tập trung giải quyết mỗi một chuyện, đó là làm sao để nâng cao thành tích.

Trong khi đó, nhận nhiệm vụ huấn luyện năng khiếu có trăm nỗi lo. Đầu tiên là lo đi tìm người, phải lặn lội đi các nơi, phải nghe ngóng xem trong làng đồn thổi về nơi nào có người giỏi là tìm đến để tuyển. Không chỉ lo tìm kiếm tài năng - vấn đề không khác gì “mò kim đáy bể”, cũng không chỉ có chuyện nâng cao trình độ chuyên môn; với tôi, việc quản lý VĐV trẻ mới gây ra những khó khăn, mệt mỏi kéo dài khi đối mặt với những chuyện tế nhị, những chuyện ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này. Và sau đây là những ví dụ:

Chuyện tiêu tiền, chuyện ăn

“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, bởi thế nên quản lý tiền cho các em là vấn đề rất được quan tâm, cũng là vấn đề gây mệt nhiều nhất.  Thường với các em dưới 17 tuổi, bố mẹ chưa cho phép tiêu tiền. Nay vào đội tuyển trẻ, bỗng dưng có một số tiền theo tiêu chuẩn lớn hơn ở nhà rất nhiều, nên để tránh cho các em những thói xấu phát sinh do tiền bạc, bố mẹ lúc nào cũng dặn: “Cô giữ tiền giùm cho cháu”.

Ở nhà làm nội tướng, hẳn chị em phụ nữ cũng biết rằng vất vả như thế nào, khi phải tính toán chi tiêu thế nào cho đủ, mà bữa ăn cho con phải có chất. Nhưng với con mình thì có lỡ sai một tí cũng chẳng sao, chứ lo cho con của mọi người thì không thể. Tiền theo tiêu chuẩn chẳng phải là dư dả gì, nên phải tính làm sao cho các em ăn vừa no vừa đủ chất, lại phải... vừa miệng.

Cái chuyện vừa miệng này mới thật khổ, khi mỗi đứa một gu ăn uống khác nhau, được định hình theo gu riêng của từng nhà. Có một số em ở nhà được chiều chuộng, cứ trong mỗi bữa ăn thể nào cũng phải có một lon nước ngọt có gas, nhưng đó lại là điều tối kỵ, đặc biệt với dân chơi thể thao.

Nếu huấn luyện VĐV đỉnh cao thì dễ rồi, vì chỉ cần nói một tiếng “cấm” là xong. Nhưng với các VĐV năng khiếu, không thể giải quyết đơn giản như thế. Các em đi tập về mệt, bước vào bàn ăn mà không được chiều theo thói quen từ gia đình, thế là phụng phịu chê ỏng chê eo. Thế là HLV phải kiên trì giải thích tác hại của việc uống nước ngọt trong bữa ăn. Nhiều lúc tức muốn chết, thầm nhủ nếu là con mình thì phết vào mông vài roi rồi. Nhưng không được, mình là HLV, thế là... rớt nước mắt!

Chưa kể, đã động đến chuyện tiền thì phải thật minh bạch, kẻo không lại mang tiếng “sao tiền nhà nước chi cho các em nhiều thế mà cô lại cho chúng nó ăn uống chẳng ra gì”!

Quản lý tiền là căn lượng tiền tiêu vừa đủ trong ngày để phát cho các em, để dành một khoản đóng học phí, tiếng Anh…, đồng thời dành một khoản vào cuối tháng cho các em mua sắm, gửi về biếu bố mẹ, hay đơn giản là tiết kiệm. Chính vì thế, các HLV năng khiếu ai cũng ám ảnh với câu nhắn nhủ của phụ huynh: “Cô giữ tiền cho cháu”.

Chuyện học

Nghiệm từ bản thân, tôi rất xem trọng chuyện học hành. Đời VĐV, chỉ cần chểnh mảng chuyện học một chút là phải trả giá đắt về sau. Mà cơ hội để chểnh mãng trong chuyện học đối với VĐV thì nhiều lắm. Một bữa đi tập nặng về là sau khi ăn chỉ muốn ngủ, chứ chẳng muốn cầm đến cuốn sách, tập vở một tí nào. Nói đến đây, tôi thầm cảm ơn các HLV ở Trung tâm TDTT Đống Đa (Hà Nội) ngày ấy luôn nói vào tai chúng tôi: “Học là quan trọng”. Nhờ vậy tôi và các bạn đều học xong đại học và ổn định cuộc sống khi giã từ thi đấu đỉnh cao.

Bây giờ, bắt tay vào nghề huấn luyện, tôi cũng nhồi vào đầu các em sự quan trọng của việc học. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, các VĐV thật cực vì tập mệt rồi mà buổi trưa còn phải đi học. Biết vậy mà vẫn phải “bắt” các em học. Học hành chểnh mảng không những thất hứa với phụ huynh, mà còn ảnh hưởng đến tương lai các em. Nhưng không phải lúc nào bọn nhỏ cũng hiểu điều đó.

Ám ảnh chấn thương

Với một VĐV đua xe đạp địa hình, té là chuyện đương nhiên, không thể tránh khỏi. Nhưng té chỉ trầy trụa ngoài da thì còn may, chứ té dẫn đến chấn thương nặng thì thật tội nghiệp. Vì vậy, để giảm tối đa việc té gây chấn thương, không chỉ phải rèn cho các em kỹ năng, mà còn phải lặn lội đi tìm những địa hình thuận lợi, sao cho các em... té an toàn!

Thế nhưng cũng không tránh khỏi xui xẻo. Một lần, gần thời điểm thi đấu ở tỉnh Hòa Bình, một VĐV trẻ bị gãy xương vai. Sau khi đưa VĐV vào một cơ sở y tế lớn ở tỉnh và được bác sĩ cố định tạm xương cho cháu, tôi chuyển cháu về Hà Nội. Bây giờ là lúc thấm thía nỗi khổ của người HLV. Suốt một tuần tôi lo đầy bụng: ở bệnh viện thì lo trợ lý chưa hiểu chuyên môn nên VĐV không an toàn, rồi có đảm bảo giáo án để chuẩn bị thi đấu không? Rồi lo VĐV đau, chưa bao giờ đi xa. Đúng là cảnh nhấp nhổm không yên. Vậy nhưng vẫn chưa bằng việc phải gọi điện thông báo cho phụ huynh biết!

1.001 chuyện lo đối với một HLV đội năng khiếu, nhưng bù lại mệt mỏi dễ đi qua khi trong một buổi trưa tập luyện, chạy xe xuống cuối tốp định đẩy cho VĐV đuối sức về, thì nghe em nói trong hơi thở hổn hển: “Cô cứ lên trước đi, em theo được mà, không mệt đâu!”.
Thanh Huyền | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục