Nidar Singh, võ sư cuối cùng và sứ mệnh hồi sinh môn võ 5.000 năm tuổi

09:07 Thứ bảy 20/01/2018

Là một trong những môn võ lâu đời nhất Ấn Độ, đến nay, Shastar Vidiya từng bước được hồi sinh dưới bàn tay của võ sư duy nhất còn sống, Nidar Singh.

Theo tiếng Punjab, Shastar mang nghĩa là vũ khí còn Vidiya được hiểu là khoa học. Vì thế, Shastar Vidiya có thể hiểu giản đơn là “khoa học dụng binh khí”.

Nhiều tư liệu ghi chép lại cho thấy Shastar Vidiya được tìm thấy đầu tiên ở Punjab, một vùng đất rộng lớn có 5 con sông kéo dài ở miền Bắc Ấn Độ. Từ thế kỷ 15, những người bản địa đã xây dựng Shastar Vidiya thành một hệ thống các đòn thế đa dạng để đánh bại kẻ thù. Dù vậy, môn võ này được cho có nguồn gốc còn lâu đời hơn thế.

sht

 Một hình ảnh trong trận đấu võ của môn Shastar Vidiya. Ảnh: Mamaster.

Môn võ đặc biệt có lịch sử 5.000 năm

Sau khi người Anh đánh chiếm Ấn Độ gần 300 năm trước, Shastar Vidiya bị cấm tập luyện và dần dần mai một. Môn võ truyền thống tưởng chừng bị thất truyền này bất ngờ được sống lại dưới bàn tay của người được cho là võ sư duy nhất còn sống, ông Nidar Singh.

“Nguồn gốc của môn võ có từ thời của Thần Shiva, rồi đến thời của nhà hiền triết Pashupat và sau là Kapaliks. Đến nay, Shastar Vidiya đã trải qua hơn 5.000 năm tuổi," võ sư Nidar Singh cho biết.

sht_2

 Võ sư Nidar Singh hướng dẫn học trò tập luyện Shastar Vidiya. Ảnh: Bibekjournal.

Trước khi biết đến Shastar Vidiya, ông Singh vốn là một nhân viên đóng gói thực phẩm. May mắn được chỉ dạy bởi một “gurdev” (võ sư) và sau hơn 25 năm tập luyện và nghiên cứu, ông đã nắm vững đầy đủ các quyền pháp của môn võ lâu đời.

Người học thành thạo Shastar Vidiya có thể chiến đấu dễ dàng bằng tay không hoặc với vũ khí. Hệ thống vũ khí được sử dụng trong hình thái võ này rất đa dạng, từ kiếm, giáo, gậy, chùy cho đến chakars (vòng kim loại), bagh nakha (vuốt của báo).

sht_1

 Hệ thống vũ khí đa dạng trong môn võ Shastar Vidiya.

Là môn võ được hình thành từ chiến trường, vì thế, Shastar Vidiya đề cao sự hiệu quả và có khá nhiều đòn thế nhắm vào các bộ phận dễ tổn thương như cổ họng, khuỷu chân hay hạ bộ.

“Điều cốt yếu của Shastar Vidiya chính là sự linh hoạt. Bạn phải khiến đối thủ kinh ngạc bằng những đòn đánh mang sức công phá khủng khiếp," người đàn ông 44 tuổi Nidar Singh nhấn mạnh.

Có mối liên hệ chặt chẽ với yoga, Shastar Vidiya sở hữu bộ pháp di chuyển khác lạ và khó đoán định. Đây được coi là điều đặc biêt của môn võ này với các phái võ nổi tiếng khác trên thế giới.

Sứ mệnh hồi sinh môn võ truyền thống của võ sư duy nhất

Võ sư Nidar Singh đã bắt đầu công việc hồi sinh môn võ Shastar Vidiya từ nhiều năm trước. Ông đi khắp nước Anh và có không ít buổi biểu diễn võ thuật thu hút được sự chú ý.

Hiện sống tại xứ sương mù, ông Singh có một trung tâm giảng dạy Shastar Vidiya ở đây với lượng học viên ổn định.

Iqbal Singh, một trong những học trò ưu tú nhất của ông Nidar kể câu chuyện về lý do biết đến môn võ Shastar Vidiya: “Khi còn trẻ, tôi đã từng ngồi hàng giờ trong thư viện để tìm những tài liệu về võ thuật cổ của Ấn Độ. Tôi từng nghĩ mình phải trở về tận Punjab để được học nó. Nhưng không, võ sư biết rõ nhất về môn võ này lại là một người đàn ông đang sống ở Anh”.

Theo Iqbal, tập luyện Shastar Vidiya, anh có thêm sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống. Ngoài ra, việc chú trọng vào những bài tập thiền còn giúp người đàn ông 40 tuổi có một tâm trí vững vàng và bình tĩnh hơn.

Khác với đa số những phái võ khác của Ấn Độ được giảng dạy tại Anh, Võ sư Nidar Singh tập trung nhiều hơn vào các kỹ năng thực chiến đem lại hiệu quả cực cao. “Tại Anh, phần lớn võ thuật Ấn Độ được dạy là võ biểu diễn. Còn chúng tôi mang đến thứ võ thuật dùng trong chiến đấu, đã biến mất từ khoảng 50 năm trước”.

sht_4

 Hình ảnh trong một buổi dạy của ông Nidar Singh. Ảnh: Martial Tribe.

Tuy vậy, để phổ biến Shastar Vidiya đến với thế giới là điều không dễ dàng. Ngoài việc thành lập một trang tin riêng và mở rộng trung tâm dạy võ tại Anh, ông Nidar Singh đang cố gắng tìm kiếm những “truyền nhân” để môn võ cổ truyền của Ấn Độ không còn bị lãng quên.

“Tôi đang tìm kiếm hai đến ba người phù hợp để truyền lại những gì đã biết. Không kể giới tính, quốc tịch hay nguồn gốc của người đó, đây là việc làm bắt buộc để bảo tồn một nền văn hóa võ thuật đã có từ lâu đời,” vị võ sư 44 tuổi nói thêm.

Nguồn: Zing.vn
Tiến Thành | 06:36 20/01/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục