Những thứ đang hại chết bóng đá Việt Nam

16:05 Thứ ba 28/10/2014

(TinTheThao.com.vn) - Bóng đá Việt Nam đã đi lên chuyên nghiệp hơn 10 năm và chúng ta cũng đã mạnh dạn đặt những mục tiêu bay cao bay xa ra khu vực cũng như thế giới. Nhưng sau chừng ấy năm, bóng đá Việt Nam dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại này?

Bệnh thành tích

Hội nhập lại với quốc tế nên chúng ta khát khao thể hiện mình. Chính vì lẽ đó dẫn đến căn bệnh thành tích từ các giải đấu trong nước hay ra bên ngoài. Đáng nói ở chỗ chúng ta vừa muốn có thành tích cao vừa muốn thời gian ngắn nhất để đi đến kết quả nên thay vì đề ra những chiến lược lâu dài thì bóng đá Việt Nam cứ lấy ngắn hạn làm mục tiêu. Và suốt bao thập kỷ qua chúng ta cứ mãi ám ảnh về chiếc HCV SEA Games nhưng nền bóng đá lại không có sự phát triển đúng mức để tạo tiền đề cho việc chinh phục mục tiêu ấy.

Chạy theo xu thế

Bóng đá Việt Nam hiện quá nhiều điểm đen. Ảnh Thanh Niên Online

Chúng ta mất quá nhiều thời gian để học cách chơi bóng như người Pháp, người Đức hay người Brazil – những nền bóng đá hàng đầu thế giới – để rồi phát hiện ra rằng chúng ta không thích hợp để học theo họ. Chính việc không có sự nghiên cứu đúng đắn dẫn đến chúng ta cứ loay hoay và thay đổi liên tục theo các xu thế của bóng đá thế giới mà không xây dựng được lối chơi thích hợp và đặc trưng cho con người Việt Nam.

Ảnh hưởng của báo giới

Việt Nam là một nước yêu bóng đá nên dư luận rất quan tâm những điều liên quan tới quả bóng tròn. Vừa qua, hiện tượng U19 được báo chí khai thác triệt để. Dù chưa thể khẳng định chính sự quan tâm và ca tụng quá mức của báo giới làm một số cầu thủ U19 nhiễm bệnh sao và sa sút nhưng có thể thấy đó không phải là điều tốt cho U19 nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Mọi thứ phải có chừng mực thì tốt hơn.

Bán độ

Đây chẳng khác gì cơn dịch tàn phá bóng đá Việt Nam suốt nhiều năm qua. Chính sự nhận thức yếu kém của các cầu thủ dẫn đến nạn bán độ và cá cược trong bóng đá khiến cho bóng đá Việt Nam mất đi những cầu thủ tài năng và làm mất đi niềm tin của người hâm mộ. Một nền bóng đá không thể phát triển nếu vẫn tồn tại những tệ nạn như vậy.

Bỏ giải

Hơn 10 năm làm chuyên nghiệp nhưng chẳng mấy CLB bóng đá Việt Nam có thể xứng đáng được gọi là CLB chuyên nghiệp từ cách hành xử đến việc tổ chức đội bóng. Tại Châu Âu, đội bóng tồn tại phần nhiều dựa vào tiền bán vé, bản quyền truyền hình, quảng cáo…nhưng ở nước ta, nguồn vốn doanh nghiệp là “hủ gạo” nuôi sống đội bóng. Khi kinh tế thị trường biến động, doanh nghiệp thua lỗ => đội bóng giải thể. Phản đối BTC - bỏ giải. Cầu thủ bán độ, chán - bỏ giải. Làm sao chuyên nghiệp với các kiểu hành xử đó, và bóng đá Việt Nam làm sao phát triển hơn với “kiểu chuyên nghiệp” như vậy.

Bóng đá Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn nữa, vấn đề là con đường chúng ta lựa chọn để đi thế nào mà thôi.
Hoàng Thông | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục