HỒ SƠ BÓNG ĐÁ: Ông trùm giấu mặt trên sàn chuyển nhượng

22:44 Thứ năm 04/07/2013

Nói đến danh sách những nhà môi giới bóng đá hàng đầu, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Jorge Mendes – nhân vật được coi là “Messi trong giới cò cầu thủ”. Nhưng thực ra những hoạt động của Mendes cũng chỉ là bề nổi mà thôi: đứng đằng sau ông này là quỹ đầu tư Doyen Sports Investments, một tổ chức ít người biết đến nhưng lại là một “tay chơi” cỡ bự trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi





Giống nhau & khác nhau

Trước hết, phải khẳng định rằng việc các quỹ đầu tư rót vốn vào bóng đá không phải là điều gì xa lạ, đặc biệt trong những năm gần đây, bởi bóng đá đã dần trở thành một ngành công nghiệp theo đúng nghĩa. Dù vậy, hoạt động đầu tư vào túc cầu giáo vẫn có những điểm khác biệt nhất định so với các lĩnh vực khác. Thông thường, trong giới tài chính, các quỹ đầu cơ, quỹ quản lý tài sản hoặc bộ phận đầu tư của các ngân hàng sẽ tìm kiếm những doanh nghiệp “khỏe mạnh” nhưng đang bị định giá thấp hơn giá trị thực để mua lại một lượng cổ phần nhất định. Sau đó, họ sẽ tham gia vào Hội đồng quản trị của doanh nghiệp để thay đổi chính sách điều hành theo hướng có lợi cho mình, hoặc cũng có thể chờ một thời gian trước khi bán lại số cổ phần đó và hưởng chênh lệch giá (trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thuận lợi).

Tuy nhiên kiểu đầu tư này lại không mấy phổ biến trong bóng đá, có lẽ trừ trường hợp của Man Utd (được/bị nhà Glazer mua lại), Liverpool (thuộc tập đoàn FSG) và ở chừng mực nào đó là Arsenal (hai cổ đông chính là Stan Kroenke và Alisher Usmanov), bởi bên cạnh giá trị tài chính thì các CLB còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa & tinh thần và không nhiều NHM muốn nhìn thấy cảnh đội bóng mình yêu quý bị “sang tay” cho người chủ khác. Đó là chưa kể đến việc phần đông các CLB châu Âu vẫn chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán nên việc chuyển nhượng cổ phần cũng không phải là đơn giản. Vì thế, đích ngắm phổ biến nhất của các quỹ đầu tư là các cầu thủ: cũng tương tự như khi mua cổ phần của Facebook hay IBM, họ có thể bỏ tiền ra để đổi lấy một phần hoặc toàn bộ giá trị chuyển nhượng của Falcao hoặc Neymar. Và đó chính là mảnh đất màu mỡ cho những tổ chức như Doyen Sports Investments (DSI) làm giàu.

Ông trùm bí ẩn

Mặc dù là một trong những công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ (có tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD/năm), DSI lại không muốn quảng cáo quá rùm beng để tránh gây ra những sự chú ý không cần thiết từ giới làm luật – theo ý kiến của giáo sư Sandalio Gomez, trường kinh doanh IESE (Madrid, TBN). Trên website chính thức của mình, DSI chỉ giới thiệu đơn giản rằng họ “cung cấp dịch vụ tài trợ vốn cho các CLB bóng đá, với thị trường quan trọng nhất là TBN, nhưng cũng có ảnh hưởng ở BĐN, Đông Âu và Brazil”. Nhưng có một số điều mà DSI không nói. Đầu tiên, cái gọi là “dịch vụ tài trợ vốn” ấy thực chất là việc mua lại quyền sở hữu của một số cầu thủ như Falcao, Negredo, Reyes, Kondogbia… sau đó “ký gửi” họ tại một CLB nào đó. Như vậy, những CLB như Atletico Madrid hay Sevilla không phải chi ra nhiều tiền mà vẫn có được sự phục vụ của những ngôi sao hạng sang, còn DSI có môi trường để PR cho “hàng” của mình. Tiếp theo, DSI được thành lập bởi Jorge Mendes và Peter Kenyon, cựu GĐĐH của M.U cũng như Chelsea, và bây giờ đã trở thành một công ty con của tập đoàn đầu tư Doyen Capital LLC.

Đây là một mối quan hệ hợp tác, hai bên cùng có lợi: Mendes có mối quan hệ rộng rãi trong làng bóng đá, trải khắp từ cầu thủ đến HLV, còn Doyen Capital LLC lại có vốn. Dù có quan hệ rộng đến mấy, nếu chỉ thực hiện các phi vụ môi giới chuyển nhượng thì mức hoa hồng mà Mendes nhận được cũng không vượt quá 10-15%, nhưng nếu có vốn để kinh doanh quyền sở hữu cầu thủ thì tỷ lệ sinh lời có thể cao hơn nhiều. Thống kê của Bloomberg cho thấy, lợi nhuận trung bình của các quỹ đầu tư cầu thủ đạt khoảng 50%, và gần như chắc chắn là một “trùm” như Mendes và DSI sẽ kiếm được nhiều hơn thế. Ví dụ: Doyen chỉ phải chi ra tổng cộng hơn 20 triệu euro để nắm được trọn vẹn quyền sở hữu Falcao, nhưng họ đã đút túi xấp xỉ 60 triệu euro sau khi chân sút người Colombia chuyển sang Monaco (Atletico Madrid hầu như không nhận được xu nào do tỷ lệ sở hữu Falcao của họ là không đáng kể).

“Đại bàng” đứng sau

Mới nhất, DSI lại vừa hoàn tất một phi vụ ngoạn mục nữa liên quan đến một trong những gương mặt sáng giá nhất của bóng đá thế giới thời điểm hiện tại. Tháng 5/2013 vừa rồi, Doyen đã đạt được thỏa thuận nắm giữ quyền sở hữu hình ảnh của Neymar bên ngoài lãnh thổ Brazil, đổi lại họ sẽ trả cho anh một khoản phí cố định hàng năm cộng thêm một tỷ lệ nhất định từ doanh thu quảng cáo. Dù chưa có con số chính xác, nhưng chắc chắn giá trị thương mại cũng như hình ảnh của Neymar đã tăng vọt sau khi anh gia nhập Barcelona và tỏa sáng rực rỡ ở Confed Cup vừa qua (ghi 4 bàn/5 trận, được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất giải). Một lần nữa, Doyen lại vớ bẫm và thể hiện tầm nhìn cũng như nguồn lực tài chính đáng nể.

Tất nhiên tiềm lực tài chính ấy không phải tự nhiên mà đến: trong số các cổ đông lớn nhất của công ty mẹ Doyen Capital, có hai trùm bất động sản cỡ bự là Tevfik Arif và Fettah Tamince. Arif, một doanh nhân người Kazakhstan, là chủ sở hữu tập đoàn Bayrock Group và từng hợp tác với tỷ phú Donald Trump trong việc xây dựng hai siêu khách sạn Trump SoHo & Trump International Hotel tại Mỹ. Còn Tamince, quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, là Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn khách sạn Rixos, một thương hiệu lớn ở khu vực Trung Đông. Chính Rixos đã trở thành nhà tài trợ áo đấu cho Atletico Madrid trong một thời gian ngắn kể từ tháng 4/2012 nhằm “bơm” tiền cho CLB này trả nợ. Sắp tới, có thể tên tuổi của Doyen sẽ được nhắc đến thường xuyên hơn nữa: họ đã nắm giữ một tỷ lệ đáng kể quyền sở hữu của hai tuyển thủ trẻ người Pháp, Geoffrey Kondogbia và Eliaquim Mangala. Kondogbia đang là một trong số các mục tiêu mà Real Madrid nhắm tới cho vị trí tiền vệ trung tâm, còn trung vệ Mangala cũng đang được liên hệ để chuyển sang thi đấu tại Stamford Bridge.

UEFA và FIFA đang tìm cách thắt chặt các quy định liên quan đến quyền sở hữu cầu thủ của bên thứ ba (đáng kể nhất là những quỹ như Doyen) do lo ngại họ có thể can thiệp vào hoạt động chuyển nhượng tại các CLB. Tuy nhiên, tại một buổi hội thảo được tổ chức ở Madrid tháng 3 vừa qua, một quan chức của Doyen có tên Nelio Lucas khẳng định rằng quỹ này chỉ giúp các CLB huy động được số vốn cần thiết để tồn tại, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng TBN đang ngừng cho vay. Trên thực tế, rất khó để các cơ quan quản lý bóng đá chứng minh được rằng Doyen trực tiếp tác động đến việc mua – bán cầu thủ của các đội bóng, trừ khi chính các CLB này đứng ra thừa nhận, và những quỹ đầu tư kiểu này sẽ còn tồn tại dài dài.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục