Đua xe F1: lối thoát về kinh tế

08:07 Thứ bảy 18/08/2012

Nhắc đến F1, điều đầu tiên người ta thường liên tưởng đến là tiền bạc. F1 là một trong những môn thể thao tốn kém nhất, đồng thời cũng mang về những khoản thu cực kỳ ấn tượng, và tác động mạnh đến các lĩnh vực khác, trong đó có kinh tế. Không lạ khi chính phủ Hy Lạp đang xây dựng kế hoạch về một đường đua tại đất nước này, hòng tìm ra lối thoát cho nền kinh tế.

Hy Lạp đang là trung tâm cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu, và đà tụt dốc vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Athens. Trong quý bốn năm 2011, nền kinh tế Hy Lạp, ước tính tổng trị giá 215 tỷ euro, như bị đẩy xuống giới hạn cuối của khủng hoảng, khi GDP giảm 7,5%. Trong quý một năm nay, thống kê kinh tế cho thấy, GDP của Hy Lạp tiếp tục giảm 6,5%, tệ hơn ước tính ban đầu của các chuyên gia

Thành phố cảng Piraeus là ứng viên của Hy Lạp tham gia mùa giải F1

Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên theo thời gian. Lúc này, 22% người dân Hy Lạp không có việc làm. Cùng kỳ bốn năm trước, tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp chỉ là 7,7%. Quá trình viện trợ từ những tổ chức lớn và nước ngoài chưa đủ để giúp Hy Lạp vượt qua khó khăn. GDP giảm, số lao động thất nghiệp tăng, và đến lượt thâm hụt ngân sách cũng tăng theo mức chóng mặt.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Hy Lạp sẽ tiếp tục bước vào năm thứ sáu liên tiếp của cuộc suy thoái kinh tế. Thậm chí, người ta còn lo ngại cho đến năm 2015, nhiều khả năng cuộc suy thoái vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở ngưỡng trên dưới 20%.

Ngân hàng nhà nước Hy Lạp cho biết, những giải pháp được thực hiện trong thời gian qua giúp phần nào khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại. Từ đó, đà suy giảm dần được không chế để không tăng mạnh như trong vòng một năm nay. Tuy nhiên, để có thể trở lại đà tăng trưởng, giống như cuộc trường hợp của Argentina vài năm trước (kinh tế được báo động có thể sụp đổ từ dư chấn cuộc khủng hoảng ở châu Á 1997-1998), là một vấn đề lớn.

Nhờ F1 cứu kinh tế

Hy Lạp đang cần một bác sĩ giỏi để chữa căn bệnh khủng hoảng, và có vẻ như chính quyền Athens vừa tìm thấy một hướng đi quan trọng. Konstantinos Cavaras, Bộ trưởng thể thao Hy Lạp, mới đây trình lên quốc hội ý tưởng về việc vận động xây dựng một đường đua F1 trong tương lai gần. “F1 là một giải pháp rất quan trọng, có sự tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế đất nước. Một đường đua F1 sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề”, ông Cavaras phát biểu trước truyền thông Hy Lạp.

Nuôi quân một năm, dùng trong một tuần. Chi phí để bảo trì đường đua F1 là rất cao, thường dao động khoảng 20-30 triệu euro. Dù vậy, khi chặng đua diễn ra, số tiền thu về là con số đáng mơ ước. Valencia đã thu về trên 100 triệu euro chỉ trong vòng ba ngày cuối tuần diễn ra F1 ở thành phố này. Đường đua Silverstone đã giúp Anh kiếm được doanh thu (trước thuế) không dưới 130 triệu euro... Hãy thử tưởng tượng, nếu biết cách để khai thác những tiềm năng rất lớn mà F1 mang lại, ba ngày quan trọng nhất của chặng đua (đua thử vào thứ Sáu, phân hạng thứ Bảy, chính thức Chủ nhật), lợi nhuận ròng có thể lên đến 70 triệu euro, hoặc cao hơn nữa. Với nền kinh tế khủng hoảng như Hy Lạp, hàng chục triệu euro sẽ giúp chính phủ giải quyết được nhiều bài toán hóc búa.

Thành phố Piraeus là nơi được chọn để tiến hành dự án xây dựng đường đua. Trên khắp đất nước Hy Lạp, không nơi nào thuận lợi như thành phố cảng Piraeus. Đứng thứ ba trong danh sách những thành phố lớn nhất Hy Lạp và cách thủ đô Athens chỉ 10km, Piraeus còn sở hữu cảng hành khách lớn nhất châu Âu. Những câu chuyện về Hy Lạp cổ đại cũng bắt nguồn không ít từ Piraeus. Điều đó nói lên rằng, một khi Piraeus được sở hữu đường đua F1, thành phố này sẽ thúc đẩy sự phát triển của nhiều mặt, từ kinh tế đến du lịch và văn hóa.

Nói về dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 210.000 m2, Bộ trưởng Cavaras tỏ ra rất lạc quan: “Đây là một cơ hội quan trọng cho sự phát triển của Piraeus và Hy Lạp. Piraeus sẽ được quảng bá hơn nữa ra quốc tế”. Đề xuất mà Bộ trưởng Cavaras đưa ra nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của một số thành viên trong chính phủ Hy Lạp. Trong số những người tán thành việc xây dựng đường đua, có Bộ trưởng văn hóa Costas Tzavaras. “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, bất kỳ sáng kiến nào có thể thúc đẩy Hy Lạp phát triển đều được đón nhận. Về dự án xây dựng một đường đua đạt chuẩn quốc tế, tôi nghĩ đây là một bước tiến quan trọng. Trước mắt, chỉ việc tiến hành xây dựng đã mang lại việc làm cho hàng nghìn người dân”.

Tất nhiên, cũng đã có những quan chức lo ngại về đề xuất của Bộ trưởng Cavaras. Vấn đề kinh phí được quan tâm nhất, khi mà chính phủ không thể tài trợ. Tuy vậy, vấn đề này vẫn có thể được giải quyết theo hướng tích cực. Theo đó, giải pháp hay nhất là vận động tài trợ từ các tập đoàn kinh tế nước ngoài, cụ thể hơn là đối tác đến từ Trung Đông. Trong vài năm trở lại đây, những tỷ phú dầu mỏ A-rập đang vung tiền cho các hoạt động bóng đá nói riêng, và thể thao nói chung. Nếu như dự án F1 Hy Lạp có sức thuyết phục, sẽ không khó khăn để tìm được những khoản tài trợ cho việc xây dựng. Thậm chí, Hy Lạp có thể bán luôn đường đua, và không phải băn khoăn về chi phí bảo trì.

F1 có thể trở lại nước Pháp

Những người yêu F1 ở nước Pháp đang rất háo hức khi Magny-Cours chính thức ra ứng cử để kiếm một suất trong mùa giải 2013. Những thông tin từ Pháp khẳng định, ban tổ chức đường đua Magny-Cours (tên quốc tế Circuit de Nevers Magny-Cours), nằm cách thủ đô Paris khoảng 250 km, đang hy vọng mang F1 trở lại với đất nước này. Nếu được FIA lựa chọn, dự kiến chặng Magny-Cours sẽ diễn ra vào ngày 4/9/2013. Magny-Cours lần đầu tiên tổ chức F1 (Grand Prix Pháp) năm 1991, thay thế cho đường Paul Ricard. Năm 2008, sau 18 mùa giải, Magny-Cours không còn nằm trong kế hoạch của FIA. Magny-Cours được đánh giá là một trong những đường đua có cơ sở vật chất tốt nhất, dành cho cả các đội tham gia lẫn khán giả. Tuy nhiên, đường đua có chiều dài 4,412 km với 17 khúc cua (trong đó có hai khúc cua rất hẹp) không cho các tay đua có nhiều cơ hội để vượt nhau. Phần lớn những cú vượt mặt tại Magny-Cours trong quá trình vào pit stop. Điều này đòi hỏi chiến thuật hợp lý của các đội, và nhất là đội ngũ kỹ thuật phải làm việc với hiệu quả cao nhất. Ferrari và Williams là những đội có duyên nhất với đường Magny-Cours. Trong 18 kỳ tranh tài, có đến tám lần chiến thắng thuộc về các tay đua của Ferrari. Williams cũng có năm chiến thắng, trong khi McLaren mới chỉ một lần có được vinh dự này. Michael Schumacher là người giữ kỷ lục với tám chiến thắng (và cũng là kỷ lục Grand Prix Pháp), gồm sáu lần với Ferrari và hai lần khi còn đua cho đội Benetton. Felipe Massa là tay đua cuối cùng giành chiến thắng Grand Prix Pháp.

Kim Ngọc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục