Đào tạo bóng đá trẻ - Đãi vàng tìm... cát. Bài 4: Tương lai các trung tâm bóng đá

14:41 Chủ nhật 26/01/2014

Để đánh giá thành công của các trung tâm đào tạo trẻ hiện nay, cần phải mất thêm một khoảng thời gian nữa bởi ngay lứa đầu tiên của Học viện HA.GL đang đá cho U.19 Việt Nam cũng còn hơn 1 năm nữa mới “tốt nghiệp”. Khổ nỗi, thời gian bao giờ cũng là “kẻ thù” của sự đầu tư…

Đãi vàng tìm… cát

Tính sơ sơ, bầu Đức đã đổ vào Học viện HA.GL - Arsenal khoảng 200 tỷ đồng trong 7 năm qua. Với lứa đầu tiên chừng 20 cầu thủ “tốt nghiệp” thì chỉ có khoảng 5 - 7 em được đưa lên “sàn” chuyển nhượng quốc tế thông qua kênh của Arsenal. Ở mức khởi điểm, giá trị của một cầu thủ 18 - 19 tuổi tại châu Âu khởi điểm chỉ chừng 10.000 - 20.000 USD. Thành ra, nếu đào tạo ở Việt Nam mà muốn chuyển nhượng tại châu Âu thì chưa có lời giải cho bài toán lợi nhuận.

Thành ra, đào tạo theo mô hình của Học viện HA.GL có thể đem lại cho bóng đá Việt Nam một số cầu thủ tài năng đặc biệt, nhưng xét ở góc độ kinh doanh, đấy là “đãi vàng ra… cát”, không ai có thể làm được như bầu Đức. Vì điều này, mà mục tiêu của các trung tâm đào tạo còn lại đều phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Đây là lý do mà trong khi bầu Đức “nhốt” các cầu thủ của mình tại Pleiku, tập đá bóng chân trần đến tận năm 16 tuổi để rèn kỹ thuật cơ bản thì các “lò” Viettel, PVF, SLNA… đã thành lập đội tham dự giải U.13, U.15, U.17 để lấy thành tích… chào hàng. Chu kỳ đào tạo của HA.GL là 7 năm thì với các “lò” khác chỉ 5 năm, tính từ lứa cầu thủ đá được sân cỏ U.15. Ngay chính HA.GL - Arsenal, trong đợt tuyển sinh mới nhất cũng không còn giới hạn chỉ tiêu và nâng độ tuổi lên U.15 để rút ngắn quá trình đào tạo.

Các cầu thủ nhí của Học viện HAGL được đầu tư ăn, tập trong thời gian 7 năm ở Pleiku.

Nói cách khác, để có cơ hội “đãi vàng ra vàng” thì đầu ra cho các trung tâm bóng đá vẫn là thị trường trong nước. Thành công của U.19 VN hiện nay là trường hợp cá biệt nhưng cũng chưa đúc kết được gì bởi còn phải đợi thời gian. Một lần nữa, trách nhiệm của VFF cần phải được đề cập.

Đầu ra ở đâu?

Mùa bóng 2013 có một trường hợp thú vị xảy ra tại đội Thanh Hóa, đó là việc cầu thủ vốn đá “phủi” (bóng đá phong trào) Nghiêm Xuân Tú lại chơi thành công tại V-League ngay trận đầu tiên và được CLB ký hợp đồng dài hạn luôn. Cũng tại Thanh Hóa, do thiếu người phải mua cầu thủ Việt kiều Mạc Hồng Quân thi đấu dù anh này còn đang đi học và trình độ cũng không quá cao.

Chi tiết đáng nói ở đây là Thanh Hóa từng là nơi sản sinh nhiều nhân tài cho bóng đá Việt, gần nhất có Triệu Quang Hà, Lê Hồng Minh, Phạm Như Thuần... ấy vậy mà giờ đây phải dùng đến cầu thủ đá “phủi” tận Hà Nội! Điều này có nghĩa, bóng đá nội địa đang “khát” cầu thủ trẻ chứ không phải họ không muốn cho cầu thủ trẻ ra sân, cố tình đổ tiền mua ngoại binh.

Thế nhưng, cầu thủ từ những trung tâm đào tạo đến khi thi đấu tại các CLB là cả một quá trình chứ không phải các “lò” cứ đào tạo rồi sẽ có người mua. Ngay như SLNA, vốn chỉ đào tạo cầu thủ cho đội 1 mà mấy năm gần đây cũng chưa có thêm tài năng trẻ. Hoặc nổi tiếng như Đồng Tháp, sau lứa Thanh Bình, Quý Sửu, Việt Cường… đến nay cũng phải mua từ nơi khác về để đá giải hạng nhất. Giữa đào tạo và thi đấu có một khoảng cách rất lớn và không ai khác ngoài VFF chính là nơi kéo gần khoảng cách ấy lại.

Nhưng trong vai trò của một đơn vị điều hành nền bóng đá, VFF đã làm được gì? Như đề cập ở các số trước, VFF chưa có chiến lược cụ thể nào để hỗ trợ các trung tâm đào tạo tư nhân. Họ tổ chức các giải trẻ theo kiểu “đến hẹn lại lên” trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Năm ngoái, đội HN T&T vô địch giải U.21 với đội hình mượn từ Trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội chứ không phải do họ bỏ tiền ra nuôi dưỡng. Một năm trước đó, đội Ninh Thuận giành ngôi á quân U.21 cũng nhờ mượn cầu thủ, vấn đề là Ninh Thuận không có đội bóng đá nào. Với 2 ví dụ trên, giải U.21 sẽ đi chệch mục đích của một giải mang tính kế thừa của bóng đá chuyên nghiệp.

Nhiều đội cũng vậy, cứ đến giải thì gom quân lại đăng ký thi đấu để cho thấy mình cũng có đội trẻ. Kiểu đối phó như vậy mà cũng có thành tích thì việc gì các CLB phải nuôi dài dài các đội trẻ cho tốn kém.

V.Quang/Yến Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục