Chuyên đề: Vai trò Giám đốc thể thao ở các đội bóng

13:54 Thứ năm 13/09/2012

Trong bóng đá châu Âu, không vị trí nào khó xác định vai trò như “Giám đốc thể thao”. Ông giám đốc thể thao có thể là bất cứ ai, một đại sứ, một vị tổng quản, một ông cố vấn, hay là một... bóng ma.

VỊ GIÁM ĐỐC MUÔN MẶT

Trong ban giám đốc của một CLB bóng đá, hầu hết các vị trí đều được xác định chức năng rõ ràng: giám đốc truyền thông sẽ lo đối ngoại, giám đốc marketing lo khâu tiếp thị hình ảnh, giám đốc lò đào tạo lo tuyến trẻ... nhưng “giám đốc thể thao” là cái gì?

Bản chất của một CLB đã là thể thao, toàn bộ các hoạt động của mọi thành viên đều nằm trong lĩnh vực thể thao, thế nên chức danh này, vừa chẳng có ý nghĩa gì, vừa là tất cả. Ở nước Anh, vị trí này còn được gọi là “giám đốc bóng đá”. Càng mù mờ hơn.

Bất kỳ CLB lớn ở châu Âu nào cũng đều có một ông “giám đốc thể thao” hoặc “giám đốc bóng đá”. Nhưng vai trò của mỗi người này lại không giống nhau. Họ được chia làm 3 loại chính: đại sứ hình ảnh; cố vấn; và người tổng quản, thay mặt cho BLĐ đội bóng giám sát các hoạt động chuyên môn. Tất nhiên, đôi khi một người mang cùng lúc 2 hoặc 3 vai trò này.

Loại 1 thường thuộc về các huyền thoại của đội bóng. Tiền đạo vĩ đại Bobby Charlton hay HLV huyền thoại Matt Busby đã từng làm giám đốc bóng đá của Man United trong thập kỷ 1970 và 1980: họ ở đó chỉ với tư cách những tượng đài, để làm đẹp lòng CĐV, đóng vai trò của một người đại diện hình ảnh cho CLB.

Tương tự là HLV Bob Paisley của Liverpool (người duy nhất trong lịch sử vô địch Cúp C1/Champions League 3 lần). Zidane, người đang đóng vai GĐTT ở Real, cũng chỉ là một đại sứ.

Loại 2, các ông cố vấn, thường xuất hiện ở những CLB nhỏ nhưng tham vọng lớn. Họ muốn bổ nhiệm một vị “giám đốc bóng đá” có tên tuổi, vừa quảng bá hình ảnh cho CLB, vừa đưa ra những lời khuyên ở tầm vĩ mô, hoạch định tương lai lâu dài cho CLB.

Red Bull Salzburg, gã nhà giàu của giải VĐQG Áo từng bổ nhiệm một lúc 2 HLV nổi tiếng: Lothar Matthaeus cho cương vị HLV trưởng và Giovanni Trapattoni cho vị trí giám đốc thể thao. Trong lúc số báo này được thực hiện, BEC Tero Sansana của Thái Lan cũng vừa bổ nhiệm cựu HLV trưởng đội tuyển Anh Sven-Goran Eriksson vào vị trí “giám đốc thể thao”.

Ông HLV người Thụy Điển cũng từng đảm nhiệm vai trò này ở Notts County, một CLB hạng 3 của Anh nhưng có ông chủ người Ả Rập. Đặc trưng của các vị giám đốc “cố vấn” này là họ chỉ làm một thời gian ngắn, sau khi quy hoạch xong đội bóng sẽ ra đi.

Loại 3, cũng là vai trò nổi tiếng nhất, là khi giám đốc thể thao đóng vai một vị “tổng quản nội cung”, làm con thoi giữa chủ tịch và HLV. Đây cũng là vai trò nhiều quyền lực nhất. Họ tham gia vào tất cả các lĩnh vực có liên quan đến bóng đá: chọn mua cầu thủ, đàm phán chuyển nhượng, tác động lên đội hình, công tác tư tưởng, bổ nhiệm các trợ lý HLV...

Có thể kể đến ở đây những Jorge Valdano của Real Madrid, Dennis Wise của Newcastle United trước kia, Damien Comolli của Tottenham Hotspur. Và tất nhiên, khi đóng vai trò này, một sự mâu thuẫn tất yếu giữa giám đốc thể thao và HLV trưởng sẽ hình thành.

CUỘC CHIẾN KHÔNG HỒI KẾT

Cuộc chiến đấu giữa các HLV và những vị giám đốc thể thao sẽ là một phần tất yếu nếu ông giám đốc ấy không giữ vai trò “bù nhìn”, lý do rất đơn giản: có quá nhiều công việc của 2 người này chồng chéo lên nhau. Cơ bản nhất, là chuyển nhượng cầu thủ.

Giống như những cuộc đấu giữa tể tướng và... thái giám tổng quản trong phim cổ trang, phần thắng sẽ về tay kẻ thuyết phục được “Hoàng thượng” (chủ tịch CLB). Đôi lúc, phần thắng thuộc về “tổng quản”, người gần gũi với chủ tịch hơn.

Ở Tottenham giai đoạn 2005-2008, GĐTT Damiel Comolli thường xuyên lộng quyền, đưa về hàng loạt cầu thủ bất chấp sự phản đối của HLV trưởng Martin Jol. HLV Jol bất bình ra mặt, tuyên bố ông không thể sử dụng những cầu thủ Comolli đưa về.

Kết quả: Martin Jol bị sa thải và thay thế bằng Juande Ramos với lý do “không thể đưa Tottenham vào Top 4”. Ai cũng biết rằng bóng đá Anh trong giai đoạn đó, Big Four gồm Arsenal, Chelsea, Man United và Liverpool thống trị toàn bộ giải đấu, và việc sa thải Martin Jol là một quyết định bất công.

Nhưng cũng có những khi, HLV lại là người chiến thắng nhờ sự khôn khéo trong đối nhân xử thế. Trường hợp nổi tiếng nhất chắc chắn là Jose Mourinho. Ông này đã khiến GĐTT Jorge Valdano bị sa thải sau rất nhiều cuộc cãi vã căng thẳng, và được chủ tịch Real Madrid Florentino Perez trao toàn bộ quyền bính, trở thành người có quyền lực cao nhất và duy nhất về chuyên môn ở Bernabeu.

NHỮNG "CẶP BÀI TRÙNG" HIẾM HOI

Không phải cặp HLV-GĐTT nào cũng có mâu thuẫn. Vẫn có những bộ đôi cùng tiến cùng lùi, đặc biệt hòa thuận để đưa CLB đến vinh quang hoặc xuống vực sâu thảm bại.

Cặp giám đốc Leonardo và HLV trưởng Ancelotti của PSG cho đến nay vẫn đang tỏ ra làm việc khá ăn ý, khi cả 2 từng là người của Milan và rủng rỉnh tiền chuyển nhượng, cùng nhau xây dựng một đội hình “Siêu sao Serie A” ở thành Paris.

Một ví dụ nổi tiếng khác, là Rui Costa, người đã nhậm chức GĐTT ở Benfica, CLB anh khởi nghiệp ngay sau khi giải nghệ. Cùng với HLV trưởng Jorge Jesus, cựu danh thủ này đã giúp Benfica có chức vô địch Bồ Đào Nha mùa giải 2009/10 và 3 chức vô địch Cúp Liên đoàn liên tiếp.

Một cặp “bạn cùng tiến” ghi dấu ấn trong làng bóng đá châu u gần đây là giám đốc Damiel Comolli và HLV Kenny Dalglish của Liverpool. Sau khi tiêu của ông chủ Mỹ gần 100 triệu bảng, bộ đôi này bất lực trong việc đưa The Kop trở lại vị trí cũ và bị sa thải đồng loạt vào cuối mùa giải trước. Trong lá thư viết cho CĐV mới đây, ông chủ John W.Henry gọi những gì cả 2 đã làm cho Liverpool là “một sự giáo dục quý giá”.

CHỈ MLS LÀ RÀNH MẠCH

Việc các HLV và GĐTT thường xuyên giẫm chân lên nhau và xảy ra tranh chấp quyền lực sẽ khó có thể xảy ra trong giải nhà nghề Mỹ, MLS. Ở đây, vai trò của 2 nhân vật này được quy định rất rõ ràng.

GĐTT sẽ đóng vai trò quản lý ở tầm vĩ mô, thường được gọi với cái tên khác là “general manager” (tổng quản lý), phụ trách các vấn đề chuyển nhượng, hợp đồng cầu thủ, đối nội đối ngoại. Còn HLV sẽ chỉ phụ trách đúng vai trò huấn luyện, điều khiển chiến thuật, được gọi là “head coach” (HLV trưởng, với chữ “coach” hoàn toàn là huấn luyện).

Hiện tại, người Mỹ cũng đang rất chú trọng tới việc phát triển bóng đá đường dài, và mời nhiều nhân vật có số má từ châu Âu sang làm GĐTT, trong số này nổi tiếng nhất có Eric Cantona, đang giữ cương vị ở Toronto FC.

Vũ Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục