Chuyện của Văn Quyến, Vissai Ninh Bình và bóng đá Việt Nam

11:06 Thứ sáu 09/05/2014

1. Ở tuổi 30 - độ tuổi đỉnh cao phong độ của một cầu thủ bóng đá, nhưng Quyến lại tuyên bố giải nghệ. Nhiều người tiếc cho Quyến "béo”, tiếc cho một tài năng thiên bẩm, nhưng sự thật là Văn Quyến không thể níu kéo thêm được nữa. Bản thân anh thừa nhận mình đã đến lúc phải dừng lại, tất cả là quá đủ cho một sự nghiệp quần đùi áo số.

Dù niềm đam mê vẫn chảy trong huyết quản nhưng Quyến đã mỏi gối, chùn chân. Nghị lực không đủ lớn để giúp Quyến ở lại với bóng đá đỉnh cao, bởi những gì anh cố gắng hết sức, nhưng đến giờ vẫn là số "0” tròn trĩnh. Với Quyến, chơi bóng từng là niềm vui nhưng đá bóng bây giờ là một gánh nặng thật sự.

Câu chuyện Văn Quyến giải nghệ đã rõ ràng hơn, khi tiền đạo người Nghệ An đồng ý trở lại Ninh Bình để đá trận chia tay cùng với đội bóng cố đô, trong trận đấu gặp Churchill Brothers (Ấn Độ) tại vòng knock-out AFC Cup 2014 ngày 13-5 tới đây.

"Tôi không hối hận về quyết định chia tay sự nghiệp của mình. Tôi cũng đã có những dự định riêng cho bản thân trong tương lai. Việc trở lại thi đấu cho V.Ninh Bình ở AFC Cup 2014 chỉ mang ý nghĩa tình cảm với lãnh đạo và ban huấn luyện” - Văn Quyến chia sẻ.

Một trận đấu có thể Quyến sẽ được chơi trọn vẹn 90 phút và có lẽ lâu lắm rồi anh mới trở thành nhân vật chính trên sân. Dù thế nào thì người ta sẽ chẳng thể nào quên được những gì mà Văn Quyến đã làm được trên sân cỏ, nhất là khoảnh khắc anh ghi bàn gỡ hoà 1-1 trước Thái Lan làm nổ tung sân vận động Mỹ Đình ở SEA Games 22 hay bàn thắng lịch sử vào lưới của Hàn Quốc năm nào.


2. Ở Ninh Bình bây giờ đang rối như canh hẹ! Những người trong cuộc đều sống trong tâm trạng nơm nớp, với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Sau khi 2 cầu thủ Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Mạnh Dũng bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra, 7 cầu thủ "nhúng chàm” còn lại đang thực sự lo lắng không biết bao giờ sẽ đến lượt mình.

Những người không tham gia bán độ cũng chẳng sung sướng gì. HLV Nguyễn Văn Sỹ đang lên như diều gặp gió, giờ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Những cầu thủ hưởng lương, thưởng vài chục triệu đồng mỗi tháng, đủ sức nuôi cả gia đình, giờ cũng chẳng biết làm gì để sống. Vài cầu thủ đã tìm được bến đỗ mới, coi như đó là một vận may với họ, nhưng cái thế phải ra đi trong tình cảnh này, cũng chẳng ai vui vẻ gì.

Một đội bóng chuyên nghiệp, được đầu tư lớn, thi đấu tưng bừng tại cúp châu lục là thế, giờ tan hoang, tan đàn xẻ nghé.

Âu cũng là sự nghiệt ngã của bóng đá, của giới cầu thủ, bởi ít ai ngờ một thủ môn đang là đại gia với nhà lầu, xe hơi tiền tỷ, lại bán độ vài chục triệu đồng chỉ vì thích "cảm giác đỏ đen”. Ít ai ngờ một cầu thủ chỉ vì muốn có ít tiền xây mộ cho anh, đã làm liều. Có cầu thủ thì chỉ vì chút lòng tham bất chợt dù không tham gia trận đấu vẫn nhắn tin dọa dẫm nhằm trục lợi.

Nhóm cầu thủ trực tiếp và gián tiếp dính đến vụ tiêu cực còn quá trẻ, đều dưới 30 tuổi và hầu hết nằm trong đội tuyển quốc gia hoặc U23. Giờ đây tất cả đã bị mất sự nghiệp với cái án treo giò vĩnh viễn của VFF và án hình sự sắp tới. Nhưng đau nhất vẫn là tòa án lương tâm giày vò cùng những ánh mắt dò xét của người đời.

3. Câu chuyện của Văn Quyến, của V.Ninh Bình cũng là câu chuyện của bóng đá Việt Nam. Nếu như ngày ấy Văn Quyến không "nhúng chàm”, có lẽ giờ anh đã là một tên tuổi lớn, có tất cả danh vọng, tiền tài. Nếu như nhóm cầu thủ V.Ninh Bình không bán độ, họ cũng sẽ có một tương lai đầy xán lạn.

Họ, đa phần là những cầu thủ ngoan hiền xuất thân từ những vùng quê lam lũ, nhưng sau khi đứng vào hàng ngũ cầu thủ chuyên nghiệp lại đánh mất mình. Chữ Tài và chữ Đức hẳn nhiên là xa xỉ với giới cầu thủ Việt Nam, nhưng có lẽ chính môi trường bóng đá Việt Nam, chính sự quản lý buông lỏng, đã tạo nên những hậu quả đau lòng như thế.
An Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục