Cầu thủ Ninh Bình kiến nghị VFF xem xét lại án treo giò vĩnh viễn

19:56 Thứ sáu 26/12/2014

Các cựu cầu thủ CLB Vissai Ninh Bình đều rất ân hận về hành động vi phạm pháp luật của mình và họ đều mong muốn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xem xét lại án phạt treo giò vĩnh viễn.

Gia đình Chu Ngọc Anh rất lo lắng từ lúc nhận được tin con bị cấm thi đấu vính viễn

Ngày 25.12, chúng tôi có mặt ở số nhà 15, ngõ 8, đường Trần Nhật Duật, TP.Nam Định, là nơi gia đình cầu thủ Chu Ngọc Anh đang cư trú. Mẹ của Ngọc Anh - bà Trần Thị Hòa nói trong nước mắt: “Tôi biết con tôi sai rồi! Nhưng sai thế nào thì cũng phải cho cháu một cơ hội để sửa sai chứ, ai nên khôn mà không dại đôi lần, xử nặng như thế khác gì xóa hết tương lai của cháu!”.

Theo bà Hòa thì từ năm 9 tuổi, Ngọc Anh đã tập đá bóng, đến năm 11 tuổi thì tham gia U.11 toàn quốc tại Huế. Từ đó đến nay chỉ đắm chìm trong bóng đá, sống bằng bóng đá mà không biết làm gì khác. “Vợ chồng tôi mỗi người lương hưu khoảng 2 triệu, vợ Ngọc Anh là công nhân. Bây giờ bị cấm thi đấu vĩnh viễn, cháu biết làm gì để nuôi gia đình và đứa con 2 tháng tuổi đây”, bà Hòa lo lắng.

Trầm tĩnh hơn vợ, ông Chu Hữu Cự là bố Ngọc Anh tâm sự: “Với con tôi là lần đầu phạm lỗi lầm, nhưng chuyện cầu thủ phạm lỗi bán độ trong làng bóng đá Việt Nam không phải bây giờ mới có, thậm chí nhiều vụ tính chất còn nghiêm trọng hơn nhưng chẳng mấy người bị xử lý nặng như vậy. Tôi cho rằng quyết định này quá nặng”.

Theo ông Cự, không chỉ riêng Ngọc Anh mà cả 9 cầu thủ bị xử lý lần này đều chỉ biết đá bóng, chứ không biết nghề gì khác. Việc cấm thi đấu vĩnh viễn đối với họ không chỉ là cắt đứt nghề mưu sinh mà còn là đẩy họ xa rời tình yêu với bóng đá.

“Đào tạo một cầu thủ không phải dễ, nhưng xử lý mà vẫn để cho các cháu một cơ hội phục thiện, tôi tin đây sẽ là bài học để đời giúp các cháu trưởng thành và vững vàng hơn!”, ông Cự bày tỏ.

Bà Bùi Thị Yến, mẹ vợ cầu thủ Chu Ngọc Anh mong VFF cho các cầu thủ phạm lầm lỗi một cơ hội

Ngọc Anh cho biết: “Tôi cảm thấy sốc và sững sờ vì không nghĩ sẽ bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Thời gian qua, tôi vẫn điện thoại hỏi các cầu thủ lớn tuổi, thậm chí còn tham vấn cả anh Văn Quyến về khả năng xử lý của VFF. Ai cũng cho rằng chắc chỉ nhiều nhất là cấm thi đấu vài năm như trường hợp của anh Quyến và đều động viên em cố gắng vượt qua giai đoạn này. Nhưng giờ án phạt nặng quá.

Tôi đã dự tính xin được đến tập tại đội trẻ Nam Định để chờ đến ngày được thi đấu trở lại. Bây giờ, tôi chỉ còn biết cầu mong các chú, các bác ở VFF cho thêm một cơ hội”.

Cũng theo Chu Ngọc Anh, các cầu thủ trong nhóm dính đến vụ bán độ đã điện thoại cho nhau và đều bất ngờ trước quyết định của VFF. “Một số anh em đã thống nhất sẽ làm đơn kiến nghị VFF xem xét lại án kỷ luật”, Chu Ngọc Anh nói.

chúng tôi cũng tìm gặp Lê Văn Duyệt tại ngôi nhà ở khu dân cư mới của phường Tân Thành, TP. Ninh Bình. Từ khi về đầu quân cho Ninh Bình, cầu thủ gốc Nam Định và vợ đã định cư luôn tại đây, còn bố mẹ anh thì vẫn sống ở quê nhà Nam Định.

Lê Văn Duyệt mong muốn được giảm nhẹ để có cơ hội làm lại cuộc đời

Với đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, Duyệt buồn rầu chia sẻ: “Khoảng 4 giờ chiều ngày 25.12, tôi nhận được điện thoại của một anh bên VFF hỏi địa chỉ để gửi quyết định. Lúc đó tôi cảm thấy hồi hộp không biết số phận của mình ra sao. Tôi hỏi về nội dung quyết định thì anh ấy bảo trao đổi qua điện thoại không tiện, bảo tôi cứ nhận được quyết định thì sẽ biết và thực sự em đã rất sốc khi báo chí đưa tin ngay sau đó.

Gọi điện cho tôi, mẹ tôi khóc rất nhiều. Bố mẹ tôi rất đau lòng khiến tôi càng cảm thấy ân hận vì đã làm cho người thân phải lo lắng và đã phụ niềm tin của người hâm mộ.

Mức phạt của VFF là thích đáng nhưng tôi vẫn mong muốn được giảm nhẹ để có cơ hội làm lại cuộc đời. Trước tới giờ bọn tôi chỉ biết có bóng đá, nhưng vì một phút nông nổi đã bán đi tương lai của mình. Tôi thực sự mong mỏi có cơ hội chuộc lỗi và trả ơn đối với người hâm mộ”.

Văn Duyệt cho biết, vợ anh (từng là thủ môn của CLB bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam) hiện đang làm việc tại một công ty TNHH gần nhà với mức lương 3 triệu đồng/tháng, còn anh sau khi vụ bán độ bị phanh phui, chỉ biết ở nhà chăm con (con gái hơn 3 tuổi) và chiều chiều đi đá bóng “phủi” cho đỡ nhớ.

Gia Từ: "Tôi vẫn kỳ vọng vào một phép màu"

“Ngày hôm qua khi nghe anh em gọi điện báo về phán quyết của VFF tôi buồn lắm, chẳng thiết làm gì cả. Vẫn biết rất khó nhưng suốt thời gian qua tôi vẫn kỳ vọng vào một phép màu.

Tôi vẫn mơ về một cơ hội trở lại sân cỏ để chuộc lại lỗi lầm, kể cả treo giò nhiều năm cũng được. Nhưng bây giờ giấc mơ ấy đã khép lại thật rồi”, trung vệ Nguyễn Gia Từ buồn bã chia sẻ với chúng tôi.

Vào ngày VFF “tuyên án”, thấy chồng bồn chồn không yên, vợ Gia Từ xin nghỉ làm cùng chồng đi xe máy từ Hà Nội về nhà ngoại tại Phú Thọ để bình tĩnh lại. Thế nhưng anh cứ ra đi vào suốt cả ngày, cho đến khi nhận được kết quả bị cấm thi đấu vĩnh viễn, bên cạnh khoản nộp phạt tiền.

“Tôi bây giờ là một người bị cách ly hoàn toàn với bóng đá, muốn đá phủi cũng không được bởi quy định không đăng ký cầu thủ bị treo giò hoặc kỷ luật được thực hiện rất chặt ở hầu hết các giải đá phủi lớn nhỏ.

Như tại giải HPL vừa qua ở Hà Nội, ca sĩ Tuấn Hưng muốn gọi tôi vào đội của anh ấy nhưng không được. Cảm giác đắng chát ấy đến giờ vẫn còn nguyên trong người tôi.

Tôi bây giờ không biết phải làm gì, vì chẳng biết gì để làm. Có lẽ vợ chồng tôi sẽ ở Phú Thọ một hai hôm rồi lại đèo nhau đi đâu đó để giải thoát những cảm xúc nặng nề này, nhưng chắc chắn không về nhà tại Hà Nội vì sẽ đau đớn lắm.

Lỗi tất cả là do mình. Tôi đã không lường được hậu quả dù đã có những bài học nhãn tiền. Điều tôi có thể làm lúc này là phải biết giữ mình không để dây vào những rắc rối xã hội. Tập sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Hy vọng những đồng nghiệp, những cầu thủ trẻ hãy nhìn vào bài học đắt giá của tôi để tránh đừng đi theo vết xe đổ để rồi phải hối hận như tôi”, Gia Từ chia sẻ.

Quốc Việt

Hoàng Long, Đinh Dụng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục