Lời hứa “làm người có ích...”

13:40 Thứ tư 27/08/2014

Nói lời sau cùng trước tòa, cả 9 cầu thủ V.Ninh Bình đều hứa sẽ phấn đấu để làm người có ích cho xã hội. Nhưng sau lời hứa được thốt ra trong nước mắt đó là cả một chặng đường dài...

Chỉ có thực sự nỗ lực vượt hố sâu tội lỗi mới mong trở thành người có ích cho xã hội

Không biết làm gì ngoài đá bóng

Phiên tòa xét xử nhóm cầu thủ V.Ninh Bình đã kết thúc, song với cả 9 cầu thủ nỗi ám ảnh vẫn thường trực. Bởi tới đây, một mức án nghiêm khắc từ Ban Kỷ luật VFF rất có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp của những cái tên nhúng chàm. Với một cầu thủ, được chơi bóng không chỉ là đam mê mà còn là nghề mưu sinh, kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Nguyễn Gia Từ trước câu hỏi của tòa: “Nếu không được đá bóng nữa thì anh sẽ làm gì?” - đã thật thà trả lời: “Chắc bị cáo về nhà chơi, chứ cũng không biết làm gì ngoài đá bóng”. Còn ông Lê Quảng Ba - bố Lê Quang Hùng, khi tâm sự với phóng viên đã lặp đi lặp lại: “Mong các chú, các anh nói giùm để cho em nó sau này được trở lại chơi bóng. Không đá bóng nữa thì em nó chẳng biết làm gì”.

Có thể chỉ vài ngày tới đây, sau khi Ban Kỷ luật “tuyên án”, nhiều cầu thủ trong nhóm bán độ sẽ rơi vào cảnh “không biết làm gì” như thế. Và cho dù họ được trao cơ hội thì con đường trở lại với bóng đá chuyên nghiệp cũng không hề dễ dàng. Có thể lấy vụ bán độ SEA Games 2005 để đối chiếu và suy ngẫm. Sau chuỗi ngày sống trong giày vò và xa rời đời sống bóng đá, những tài năng một thời như Quốc Vượng, Văn Quyến, Phước Vĩnh, Bật Hiếu… hầu hết đều thất bại trên con đường tìm lại chính mình. Người duy nhất thành công là Huỳnh Quốc Anh - Quả bóng vàng 2012, nhưng để làm được điều đó, Quốc Anh đã phải rất nỗ lực, đổi bằng mồ hôi và nước mắt.

Cơ hội trong tay mỗi người

Một nửa trong số cầu thủ V.Ninh Bình dính chàm vừa rồi đều ở tuổi xấp xỉ 30, và sau vụ việc, có lẽ họ sẽ giải nghệ để bươn chải với nghề nghiệp khác. Song với nhiều cầu thủ trẻ - những người từ trước đến nay chỉ biết xoay quanh… trái bóng, thiếu nền tảng học vấn, thiếu kinh nghiệm cuộc sống, liệu họ sẽ quay trở lại xã hội như thế nào) có trở thành người có ích cho xã hội hay không, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Không ai có thể mãi ưu ái mà trao cho mỗi cầu thủ cơ hội hết lần này đến lần khác, hơn ai hết, chính mỗi người phải tự nỗ lực, tự tạo cơ hội cho riêng mình. Con đường trở lại làm cầu thủ với họ có thể còn rất xa, nhưng hành trình của sự nỗ lực sẽ cho họ trưởng thành, vững vàng hơn trong cuộc sống để biết cách tự miễn nhiễm với thói hư tật xấu, để những người thân không phải rơi nước mắt, xấu hổ với những hành vi sai trái của con em mình như những gì người ta bắt gặp ở phiên tòa sáng 25-8.
Thuần Thư | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục