Câu chuyện bóng đá: Đại sứ hòa bình của những người da đen

13:55 Thứ sáu 26/07/2013

Bóng đá là cuộc chơi của sự bình đẳng. Ranh giới giữa đẳng cấp, giai tầng, màu da hay tôn giáo sẽ bị xóa nhòa khi tinh thần mã thượng mới là mục tiêu cuối cùng của một trận cầu đinh. Thế nhưng, để có được “hòa bình” cho hôm nay, tự thân trái bóng đã không ngừng nghỉ lăn qua biết bao cuộc đấu tranh khốc liệt. Trong đó, trận chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc Apartheid là ví dụ tiêu biểu hơn cả.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Định chế điên rồ

Ra đời từ năm 1948, bộ luật Apartheid là hiện trưng cho chính sách kỳ thị màu da đã tồn tại hàng trăm năm. Đây là công cụ pháp lý để người da trắng ở Nam Phi tối ưu hóa quyền lực của mình và đẩy những chủng tộc khác xuống đáy cùng xã hội. Dưới thiết chế độc đoán này, người da đen vốn chiếm 80% dân số chỉ được phép sinh sống trong khoảng 13% diện tích đất nước, không được đào tạo đại học và phải chấp nhận những công việc lao động chân tay.

Cựu tù nhân đảo Robben thăm lại sân cỏ ngày xưa

Nhân dân Nam Phi và đại diện cho quyền lợi chính đáng của họ là Đảng Quốc đại (ANC) đã tìm mọi biện pháp đấu tranh với chế độ Apartheid. Bạo động vũ trang, đấu tranh nghị trường, tranh thủ can thiệp quốc tế..., tất cả những hình thức tối ưu đều được sử dụng. Thế nhưng, ách gông cùm vẫn sừng sững tồn tại nhiều thập kỷ sau đó.

Tình hình chỉ “dễ thở hơn” cho đến năm 1990, khi chính phủ da trắng không thể chống đỡ trước sức ép và tuyên bố trả tự do cho nhà lãnh đạo Cách mạng Nelson Mandela. Trong kỳ tổng tuyển cử sau đó 4 năm, Mandela chính thức trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên và tự tay xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc khắc nghiệt ở đất nước của mũi Hảo Vọng.

“Sứ giả” bóng đá

46 năm chìm trong chế độ áp bức, ngọn lửa Cách mạng đã được duy trì nhờ một phương thức đặc biệt: Chơi bóng đá.

Người dân Nam Phi quan niệm rằng: “Bóng bầu dục là môn thể thao của những hooligan được chơi bởi các quý ông, còn bóng đá là môn thể thao của những quý ông được chơi bởi các hooligan”. Bởi vậy, món túc cầu bình dân, bình dị chỉ được ưa chuộng bởi cộng đồng da đen “thấp kém”. Không có một hệ thống giải đấu hoàn chỉnh và ngay cả ĐTQG cũng bị FIFA cấm cửa, họ đá bóng đơn thuần vì đam mê trên những sân đất mịt mờ khói bụi.

Nelson Mandela chính là người đầu tiên nhìn ra sức ảnh hưởng của môn Thể thao vua và vai trò đối với sự nghiệp Cách mạng. Từ những ngày còn bị chính quyền da trắng giam giữ trong nhà tù đảo Robben, Mandela đã tích cực vận động để mở rộng truyền bá bóng đá. Năm 1966, vị lãnh tụ này đã dẫn dắt một cuộc đấu tranh nhằm đưa các trận bóng đá vào danh sách những môn thể thao được phép luyện tập. Nhờ sự can thiệp của Hiệp hội chữ thập đỏ quốc tế, những kẻ cầm quyền đã buộc phải thỏa hiệp cùng Mandela và những người đồng chí. Kể từ đó, Liên đoàn bóng đá Makana (MFA) và Giải bóng đá nhà tù đã ra đời, với sự tham gia của hơn 1400 tù nhân. Những trận bóng kéo dài 30 phút đều đặn được tổ chức sau những hàng rào thép gai vào các chiều Thứ bảy. Đây là cơ hội để các chiến sỹ Cách mạng gặp gỡ và trao đổi những kế hoạch hành động tiếp theo.

Bên ngoài trại giam ở thành phố Cape Town, ANC đã kế thừa tư tưởng của Nelson Mandela, khuyến khích dân chúng tổ chức và thi đấu bóng đá. Dần dần, không chỉ có cộng đồng da đen, một số ít những người da trắng cũng tham gia vào những trận cầu. Từ trên sân cỏ, khối đoàn kết dân tộc và sự bình đẳng ở Nam Phi đã đặt những nền móng đầu tiên.

Đoạn kết hoàn hảo

Sau ngày Apartheid bị đập bỏ, bóng đá càng chứng tỏ vai trò của mình trong việc liên kết đất nước từ lâu đã chia làm hai nửa. Nếu chức vô địch thế giới của đội tuyển rugby Nam Phi năm 1995 đã khiến cả cộng đồng da đen vỡ òa hạnh phúc, thì ngày hội bóng đá World Cup 2010 lại trở thành niềm vui chung của cả những người da trắng.

World Cup là của một Nam Phi thống nhất.

Bóng đen Apartheid vẫn lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống, nhưng trên sân cỏ thì không! Sự xuất hiện của Matthew Booth - cầu thủ da trắng đầu tiên ở ĐTQG Nam Phi - là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ranh giới sắc tộc đã hoàn toàn bị đạp đổ. Tiếng kèn vuvuzela trên SVĐ Cape Town không chỉ thuộc về một mình những người da đen. Đúng như những gì tổng thống Jacob Zuma đã phát biểu trong ngày khai mạc World Cup: “Đây sẽ là một sự kiện kết nối các cá nhân thành một quốc gia”.

Bóng đá, với sức mạnh không bờ bến của mình, đã thực sự biến Nam Phi riêng rẽ thành một thể thống nhất...

Đôi nét về Nelson Mandela

Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/07/18, là Tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu và nắm giữ vị trí này từ năm 1994 đến 1999. Trước đó, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid, đứng đầu phái vũ trang của Đảng Quốc Đại (ANC).

Vào năm 1962 ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị cùng các tội danh khác, và bị tuyên án tù chung thân. Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù, phần lớn thời gian là ở tại Đảo Robben, trước khi được trả tự do vào ngày 11/02/90. Ông nhận hơn 250 giải thưởng quốc tế cho những năm tháng đấu tranh này, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993.

Là người đam mê đấm bốc và bóng bầu dục, Mandela luôn cố gắng sử dụng thể thao như một vũ khí đấu tranh tập thể. Ông nổi tiếng với tuyên bố: “Thể thao có sức mạnh thay đổi thế giới và gắn kết mọi người. Nó truyền cho giới trẻ sức mạnh bằng thứ ngôn ngữ họ hiểu. Sức mạnh đó, thai nghén những hy vọng và nảy mầm thành động lực lớn lao, ngay cả trong môi trường chỉ có những điều tuyệt vọng tồn tại”.

Tình yêu bóng đá của ông được nảy nở trong những năm tháng giam cầm ở đảo Robben và điều đó đã thúc giục Mandela xây dựng kế hoạch mang World Cup đến châu Phi.
Du An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục