Các CLB V.League học gì từ J.League?

00:09 Thứ hai 29/09/2014

Vừa qua, lãnh đạo các CLB ở V.League đã có chuyến thăm và tìm hiểu về mô hình bóng đá chuyên nghiệp ở Nhật Bản. Tại đây, họ đã được chủ tịch CLB hàng đầu J.League – Kawasaki Frontale chia sẻ bí quyết giúp CLB này từ một đội bóng bị thờ ơ trở thành đội bóng hàng đầu.

Ông Takeda – Chủ tịch CLB Kawasaki Frontale cho biết: “CLB được hình thành từ năm 2000 với cái tên gắn mác một doanh nghiệp tài trợ, lúc ấy cả thành phố Kawasaki chẳng thèm quan tâm đến, từ lãnh đạo cho đến người hâm mộ. Số lượng khán giả đến sân xem chỉ có trung bình 3 nghìn người mỗi trận. Trước thực tế buộc phải tồn tại chúng tôi đã phải thay đổi, đổi tên thành Kawasaki Frontale với mục tiêu phải biến đội bóng trở thành niềm tự hào của thành phố Kawasaki.”

Vậy làm thế nào để biến một CLB trở thành niềm tự hào của địa phương?

Ông Takeda chia sẻ: “Muốn làm như vậy, đội bóng phải tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương từ các hoạt động từ thiện, văn hóa, y tế, giáo dục… ở mọi lứa tuổi từ thiếu nhi cho đến người già. Tất cả các lĩnh vực đều phải có mặt và đóng góp cùng người dân Kawasaki. Mỗi năm, chúng tôi tham gia ít nhất 50 sự kiện cộng đồng với người dân. Thậm chí đa phần các sự kiện chẳng liên quan gì đến bóng đá như: đố vui toán học, đọc sách cùng trẻ em, giúp người dân dọn dẹp vệ sinh, dựng nhà… Điều đó giúp người dân hiểu được đội bóng gắn liền với cuộc sống thường nhật của họ. Phải khiến ngay cả những người không biết gì bóng đá cũng sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào xem vì đơn giản đội bóng là niềm tự hào của họ”.

Ông Takeda cũng cho biết, người dân cũng phải có quyền và tiếng nói quyết định đến sự tồn vong của đội bóng như việc họ có thể sở hữu cổ phẩn của đội, đội bóng có ít cả trăm doanh nghiệp cùng tài trợ chứ không phụ thuộc vào một doanh nghiệp nào cả.

Lãnh đạo các CLB ở V.League sang thăm và học tập mô hình bóng đá chuyênnghiêp của Nhật Bản

Nhận xét về chuyến đi thăm mô hình bóng đá chuyên nghiệp của CLB J.League. Ông Cao Văn Chóng – TGĐ CLB B.Bình Dương cho biết: “Đúng là đi một đàng, học một sàng khôn, chuyến đi đã chỉ ra rất nhiều sự khác biệt giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt cho thấy chúng ta có rất nhiều lợi thế nhưng chưa biết cách khai thác.”

Ông Chóng chỉ ra những sự khác biệt cơ bản giữa J.League và V.League: “Về đào tạo trẻ, nếu như ở Nhật Bản gần như CLB nào cũng có trên 4000 nhân tố trẻ từ các trường tiểu học, môn bóng đá là môn bắt buộc của giáo dục Nhật Bản và học sinh đăng ký học môn này phải đóng học phí cho các CLB (tùy địa bàn hoặc tùy vào đam mê CLB nào mà phụ huynh đăng ký cho con học với CLB đó), đây là nguồn thu khá lớn của các CLB (khoảng trên dưới 10% tổng thu). Họ làm trên diện rộng chứ k làm chiều sâu. Trong khi ở VN thì ngược lại, mỗi CLB cùng lắm có vài chục em mỗi tuyến và bao ăn học (thậm chí bao chổ ở, có nơi còn cho tiền cho phụ huynh).”

“Ở J.League, nếu trận đấu của họ bắt đầu từ 17g thì từ 13g khán giả đã đông kín ở khu vui chơi. SVĐ nào cũng có khu trò chơi trẻ em, khu quà lưu niệm, ăn uống….và không khí như ngày hội thật sự. Hoạt động này vừa quảng bá hình ảnh CLB, hình ảnh các nhà tài trợ của CLB và tạo sân chơi cho người dân, thu hút họ đến mua vé xem đá bóng & tăng nguồn thu. Ở Nhật nguồn thu từ bán vé thường chiếm trên 30% tổng các khoản thu. Trong khi ở VN, gần như chưa nơi nào tạo được hoạt động bên lề như ở Nhật, còn vé thì phát tặng vô tội vạ (ở Nhật mỗi CLB chỉ mời đúng 1 ông to nhất là ông thị trưởng thành phố.”

Ông Chóng cũng cho biết: “Điều kiện bắt buộc để 1 CLB được thi đấu trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản là không được lỗ quá 3 năm, tất cả số liệu phải đc bên thứ 3 kiểm toán công khai minh bạch. Do đó, trước khi nghĩ đến chuyện ngân sách hoạt động 1 năm là bao nhiêu thì họ nghĩ đến 1 năm họ thu bao nhiêu, ví dụ 1 năm họ thu được 100 triệu USD thì họ chỉ xài 90 triệu USD và gần như 100% các CLB của Nhật đều có lời và số lời này đều đc tái đầu tư cho bóng đá chứ không chia cổ tức cho cổ đông. Điều này các cổ đông đã thống nhất từ trước khi chính thức góp vốn thành lập CLB.

Một chi tiết khá hay là bên cạnh đua tranh về thành tích, các CLB ngấm ngầm đua tranh về lượng khán giả đến sân (có thống kê chính xác đến từng con số lẻ cho mỗi trận) và thành tích về đóng góp cho cộng đồng. Hàng năm có các tổ chức độc lập nhưng rất uy tín đứng ra khảo sát các chỉ số này, dù không có danh hiệu chính thức nhưng các CLB đề xem đó như là niềm tự hào của mình và phấn đấu để vượt lên trên các CLB khác.”

Thiên Vũ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục