Cả nền bóng đá rối bời

10:45 Thứ năm 18/06/2015

Niềm vui với chiếc HCĐ bóng đá tại SEA Games có lẽ không khỏa lấp được một loạt vấn đề mà bóng đá Việt Nam đang đối diện. Vụ tố cáo tiêu cực tại thượng tầng VFF và những đánh giá khác nhau về kết quả thi đấu tại SEA Games 28 liên quan đến năng lực của HLV Miura. Đấy là chưa kể, V-League 2015 sắp sửa bước vào lượt về vốn luôn đầy phức tạp.

HLV Miura luôn mở rộng cơ hội cống hiến cho các cầu thủ, kể cả những người có “tiền sử” tiêu cực hoặc chơi thô bạo. Ảnh: Dũng Phương.

U.23 Việt Nam thành công hay thất bại? Câu hỏi khó này dẫn đến một câu hỏi rất khó khác: HLV Miura liệu có phù hợp với bóng đá Việt Nam? Không trả lời được câu thứ 2 thì dứt khoát câu thứ nhất sẽ chẳng thể có đáp án.

Vì sao? Vì bóng đá Việt Nam từ trước đến nay chẳng bao giờ đánh giá một chiến dịch theo cách nghiêm túc nhất: Phân tích chuyên môn. Chúng ta đã sa thải rất nhiều HLV chỉ vì một thất bại tại SEA Games, nơi vốn chỉ dành cho đội U.23, hoàn toàn chưa phải là cơ sở để thẩm định chất lượng của một nền bóng đá. Trong khi các quốc gia Đông Nam Á khác dần “bỏ qua” SEA Games thì với Việt Nam, nỗi ám ảnh HCV vẫn còn đó. Và vì thế, nó cũng quyết định khá nhiều thứ mặc dù về chuyên môn, đôi khi nó chẳng nói lên điều gì cả.

Ví dụ: Nếu xem ông Miura là một HLV đội tuyển quốc gia thì về cơ bản, ông ta chưa có thành công nào cả. Những thành tích mà ông có được suốt hơn năm qua, hoàn toàn không tốt hơn trước đó. Lối chơi của các đội tuyển dưới triều đại của ông, hoàn toàn không để lại dấu ấn. Nhiều người cho rằng, HLV Miura “phù hợp” với bóng đá Việt Nam nhưng đây là phạm trù khá chung chung trong khi kết quả lại không tương xứng.

***

Nhưng HLV Miura hoàn toàn không phải là vấn đề lớn để gây tranh cãi. Ông ta là người được chọn chứ hoàn toàn không tự ứng thí. Ngay cả việc sa thải ông ta, VFF cũng chẳng có chút cơ sở nào bởi hoàn toàn không có các điều khoản ràng buộc thành tích. Muốn chia tay ông Miura, buộc phải đợi đến khi hợp đồng kết thúc.

Sa thải HLV Miura hay đánh giá nhà cầm quân người Nhật có phù hợp thật sự với bóng đá Việt hay không, chẳng phải là vấn đề lớn. Cái cốt lõi là khi ông Miura còn làm việc, VFF phải sử dụng ông ấy như thế nào. Hãy xem: rất muốn đội U.23, rồi đội tuyển quốc gia chơi đẹp như U.19 nhưng VFF lại để ông Miura muốn làm gì thì làm, từ đá phòng ngự tiêu cực cho đến xáo trộn đội hình mỗi trận mỗi kiểu. Vậy thì chuyện các đội tuyển đá không thuyết phục đâu phải là lỗi của ông Miura!

Còn nữa: Cái được lớn nhất mà ông Miura đem đến đó là tính nguyên tắc, khoa học trong việc tuyển chọn cầu thủ và tập luyện. Dưới thời của ông, cánh cửa đội tuyển mở với bất kỳ cầu thủ nào, kể cả những người có “tiền sử” tiêu cực hoặc chơi thô bạo. Nhờ điều đó, ông Miura đem lại một bầu không khí mới cho bóng đá Việt Nam, bởi luôn tồn tại tính bất ngờ ở những gì mà ông ta làm. Thế nhưng, khi ông Miura đem đến điều đó thì VFF lại có chủ trương đưa thật nhiều cầu thủ U.19 vào các đội tuyển. Ở đây, vấn đề không phải là ai đúng, ai sai mà là sự thiếu thống nhất giữa các “ông chủ VFF” và “người làm thuê Miura.”

Nói bóng đá Việt Nam rối bời là vì thế. Mỗi nơi mỗi phách. Ngay cả thượng tầng VFF còn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì chuyện V-League phát triển 1 đàng, đội tuyển đi theo 1 nẻo cũng là thường tình.

Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục