Bầu Đức: Ông bầu chuyên thực hiện những vụ áp phe trong bóng đá Việt

15:56 Thứ sáu 21/06/2013

Không thể vào được đại học, bầu Đức chuyển sang kinh doanh để rồi trở thành một đại gia. Tuy lắm tiền nhiều của nhưng tên tuổi của ông chủ Tập đoàn HAGL cũng chỉ thực sự nổi sau khi quyết định đầu tư vào bóng đá.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 


Chàng trai nghèo 4 lần thi trượt đại học

Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chứng kiến cảnh người mẹ phải tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai, cậu bé họ Đoàn quyết tâm học thật giỏi để đậu đại học, để có một cái nghề, để thoát kiếp nghèo.

Nhà khốn khó nên ngay từ lúc còn bé, bầu Đức đã biết dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất... Càng cơ cực, cậu bé có nước da sạm đen, nhỏ thó lại càng ham học. Cậu học bất cứ lúc nào, khi đang trên lưng trâu hay trong những lúc nghỉ tay sau khi kéo cày đến rã rời thân thể. Tối đến, cậu còn kiếm vài thanh gỗ nhỏ, nhóm lửa ngồi say mê đọc sách. Nhiều lúc sợ con quá sức, mẹ cậu bé phải mang roi ra nẹt, bắt đi ngủ.

Trong số các ông bầu của làng bóng đá Việt, bầu Đức có tài sản lớn nhất

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm với thành tích khá, bầu Đức khăn gói quả mướp vào TP.HCM thi đại học. Học lực tốt, lại chăm chỉ và cháy bỏng khát khao nhưng cậu bé vùng quê nghèo Bình Định lại thi trượt. Với ý chí kiên cường, bầu Đức lại lao đầu vào vừa học vừa làm với quyết tâm sẽ “phục hận” năm sau. Tuy nhiên, con đường học vấn của chàng trai đầy nghị lực Đoàn Nguyên Đức không được hanh thông, thi đại học tới lần thứ 4 vẫn không đỗ. "Con đường học vấn đã không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, bầu Đức nhớ lại.

Bầu Đức quyết định từ bỏ chuyện thi vào đại học, giấc mơ mà ông đã đeo đuổi từ khi còn là một cậu nhóc, để chuyển sang làm kinh doanh. Quyết định có tính bước ngoặt làm thay đổi cả cuộc đời bầu Đức này diễn ra khi ông 22 tuổi. Không một đồng xu dính túi nên bầu Đức chấp nhận mang thân đi làm thuê. Ai mướn gì ông làm nấy chỉ với một khát khao có tiền để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Sau 4 năm cày ải làm thuê không ngừng nghỉ, có được chút vốn, năm 1990 bầu Đức khởi nghiệp bằng việc thành lập một phân xưởng nhỏ có tên Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh trong xã.

Ông bầu chuyên thực hiện những vụ áp phe bóng đá

Từ cậu bé nghèo, giờ bầu Đức đã là một trong những doanh nhân giàu nhất nước (đứng thứ hai trên TTCK, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup). Chủ tịch HĐQT HAGL hiện nắm giữ tới hơn 50% cổ phiếu của doanh nghiệp này. Vào thời đỉnh cao của thị trường chứng khoán Việt Nam, trên thị trường OTC tài sản của bầu Đức lên đến hơn 15.000 tỷ đồng. Bầu Đức cũng là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal, một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Bầu Đức và lứa cầu thủ trẻ ở Học viện HAGL - Arsenal JMG.

Bầu Đức giàu, tuy nhiên, tên tuổi của ông chỉ thực sự nổi như cồn khi bước chân vào làm bóng đá với hàng loạt những vụ áp phe gây chấn động dư luận. Thương vụ đầu tiên định danh ông bầu họ Đoàn trong làng bóng đá là vụ đưa cầu thủ số một Đông Nam Á Kiatisak về phố Núi năm 2002.

Chuyện bầu Đức chiêu mộ ngôi sao người Thái đến giờ đã thành giai thoại. Ngày ấy Kiatisak đang theo đuổi ước mơ tới Anh chơi bóng còn HAGL chỉ là đội bóng ở hạng Nhất Việt Nam. Thế nên khi bầu Đức úp mở về chuyện mua cầu thủ người Thái, nhiều người cười chê ông, nói ông là ảo tưởng.

Bầu Đức liên tục gọi điện, email, fax… cho Kiatisak nhưng vẫn bặt vô âm tín, ông quyết định đích thân sang Thái Lan. Đội bóng chủ quản của Kiatisak không tiếp, ông chủ Tập đoàn HAGL liền "nằm vùng" ở Bangkok 2 tháng, thuyết phục cho bằng được. Với Kiatisak, bầu Đức đưa ra mức lương cao hơn tới 20% so với các lời đề nghị khác. Khi cầu thủ người Thái nghi ngờ khả năng tài chính, bầu Đức liền điện về cho cấp dưới ở Việt Nam chuyển thẳng vào tài khoản của Kiatisak số tiền tương đương với 2 năm lương. Độ chịu chơi của bầu Đức đã khiến Kiatisak phục sát đất và quyết định theo ông về phố Núi xây dựng đế chế HAGL.

Sau Kiatisak, hàng loạt các tuyển thủ của Thái Lan và Việt Nam như Dusit, Sakda, Sỹ Hùng, Hữu Đang... đều đổ về phố Núi, tạo thành "Dream Team". Sự đầu tư của bầu Đức ngay lập tức cho trái ngọt khi HAGL thăng hạng và giành liền 2 chức vô địch V-League các năm 2003 và 2004.

Bầu Đức và HLV Wenger của Arsenal.

Vụ áp phe thứ hai của bầu Đức là liên kết với Arsenal, xây dựng Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG. Ít người biết rằng để Arsenal tin tưởng vào tiềm lực tài chính, cùng bắt tay hợp tác, ông chủ Tập đoàn HAGL đã phải lập tức ký séc vài triệu USD để mua bảng quảng cáo trên sân Emirates. Tiếp đó, ông tiếp tục đổ 4,5 triệu USD để xây dựng một đại bản doanh hoành tráng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, tập luyện cho các tài năng trẻ. Tuy nhiên, con số trên chưa thấm vào đâu so với số tiền mà bầu Đức trực tiếp đổ vào các ngôi sao nhí. Theo tính toán, mỗi học viên ở HAGL Arsenal JMG tiêu tốn hết 1 tỷ/năm. Giờ mỗi khi stress, bầu Đức lại tới Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG để ngắm những tài năng mà ông đang ươm mầm. Vị Chủ tịch Tập đoàn HAGL tin rằng Học viện của ông sẽ là khởi nguồn cho thời kỳ Việt Nam xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài.

Và thương vụ mới nhất mà bầu Đức vừa thực hiện chính là bắt tay cùng Chủ tịch Ngân hàng Eximbank Lê Hùng Dũng đưa CLB Arsenal sang Việt Nam thi đấu vào tháng 7 tới. Đây là lần đầu tiên một đội bóng nằm trong tốp 4 của giải Ngoại hạng Anh ghé thăm Việt Nam. Để thuyết phục Pháo thủ, ngoài niềm tin mà bầu Đức đã tốn nhiều công xây dựng, ông chủ Tập đoàn HAGL và các cộng sự còn phải móc hầu bao chi ra hơn 2 triệu USD. Theo như Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thì việc làm của bầu Đức có thể sẽ là khởi nguồn cho giai đoạn hàng loạt ông lớn của châu Âu tới Việt Nam vào các mùa hè sau. Bầu Đức thu lớn về mặt thương hiệu khi đầu tư vào bóng đá, tuy nhiên, tất cả cũng phải thừa nhận ông thực sự là một người tâm huyết với bóng đá.
Thùy Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục