Xuất khẩu cầu thủ: Cách hâm nóng tên tuổi hiệu quả của HAGL

14:54 Thứ năm 10/12/2015

(TinTheThao.com.vn) – Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai rất biết cách “hâm nóng” lại thương hiệu của mình khi tạo điều kiện cho những cầu thủ nổi bật ở học viện bóng đá ra nước ngoài thi đấu bằng việc ký kết hợp tác toàn diện với những CLB ở Nhật và Hàn.

Sức hút mãnh liệt từ “thương hiệu” Công Phượng

Sau mùa giải bết bát thành tích, HAGL vẫn là thương hiệu “hot” khi để Công Phượng sang Nhật Bản chơi bóng. Ảnh nhân vật cung cấp.

Năm ngoái, Nguyễn Công Phượng “nổi như cồn” sau bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới U19 Úc. Các nhà kinh doanh nhanh nhạy đã ngay lập tức mời Công Phượng đóng nhiều quảng cáo với nội dung khá nhạt nhẽo. Nhưng với sức hút của chân sút này thì chỉ cần anh góp mặt cũng là một thành công của nước uống bổ sung chất khoáng, bia, sữa… và mới đây là phong trào “chống xâm hại phụ nữ và trẻ em”.

Công Phượng từ đó được săn đó, được che chở và được bảo vệ bởi một lượng người hâm mộ khổng lồ. Ngay cả khi VTV “đụng” vào tiền đạo xứ Nghệ cũng phải lãnh hậu quả nặng nề và không thể đi đến đích cuối cùng. Đến cô ca sĩ vô danh cũng sắp lên hàng “sao” nhờ cặp với cầu thủ nổi tiếng này khiến nhiều người hết sức ganh tỵ. “Công Phượng” luôn là tin bài hấp dẫn, bóng đá Việt Nam nhờ vậy mà cũng “lên cơn sốt”.

Không gì là mãi mãi nên cần phải “hâm nóng”

Sau một mùa giải chật vật trụ hạng, CLB HAGL đã làm danh tiếng của học viện, đội bóng và các đối tác không ít thì nhiều bị giảm sút. Phần lớn là do thành tích của đội bóng suýt chút nữa bị rớt hạng.

So ra, hiệu ứng từ Công Phượng cùng đồng đội sau một mùa bóng “xuất sơn” đã không đạt như kỳ vọng của bầu Đức. Đặc biệt là việc không thể đưa quân của HAGL tham dự SEA Games 28 vừa rồi ở Singapore khiến ông chủ của HAGL thất vọng. Quay đi, quẩn lại nếu tiếp tục để Công Phượng ở lại Việt Nam sẽ không mang lại hiệu quả. Việc xuất khẩu cầu thủ như một mũi tên trúng nhiều đích.

Trưởng đoàn HAGL (phải) khẳng định thương vụ Công Phượng (trái) có yếu tố thương mại. Ảnh: Tuấn Hữu

Từ trước đến nay, việc cầu thủ Việt ra nước ngoài chơi bóng luôn mang được hiệu ứng tích cực từ trong nước. Khi trở về, lý lịch của cầu thủ được nâng lên một bậc, ví dụ quá rõ ràng là tiền đạo Công Vinh của Becamex Bình Dương. Tên tuổi của Công Phượng, Tuấn Anh và cả Xuân Trường sau khi có thông tin liên hệ từ các CLB Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngay lập tức “nóng” trở lại như những ngày đầu tiên. Chẳng ai còn quan tâm mùa giải vừa qua CLB HAGL đã chật vật như thế nào mới trụ được hạng.

Bình luận về chiến lược xuất khẩu cầu thủ, cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn nhìn nhận một cách khách quan: “Chuyện đánh bóng tên tuổi tất nhiên là có nhưng không nhiều. Chủ yếu là bầu Đức muốn tạo điều kiện cho lứa Công Phượng và đồng đội tiến bộ hơn về kỹ năng chơi bóng, tránh nhiễm bệnh ngôi sao, tiêu cực trong thi đấu. J-League sẽ là môi trường giúp cầu thủ HAGL tiến bộ về thể lực – điều mà đội ngũ y tế CLB còn kém. Về mặt kinh tế vẫn chưa phải là lúc sử dụng tên tuổi của Công Phượng và đồng đội.”

Kết

Phương thức “hâm nóng tên tuổi” không xa lạ gì khi được giới nghệ sỹ showbiz sử dụng để được truyền thông chú ý. Các nhà hoạch định chiến lược kinh doanh của HAGL chắc cũng quá rành công thức này. Họ không dễ gì để cái tên Công Phượng và các đồng đội khác dần dần đi xuống. Và ngay lập tức cách làm này đã mang về hiệu quả rõ ràng trước mắt.

Công Phượng vừa qua Nhật Bản thì vài ngày sau đã có kế hoạch cho “đường bay thẳng” từ đại bản doanh của Mito Hollyhock đến Việt Nam. Đó là chưa kể các lĩnh vực khác như du lịch, kinh tế, giao lưu thương mại giữa hai bên tăng trưởng. Ai sẽ là người hưởng lợi, tất nhiên là không chỉ Công Phượng, mà còn là HAGL và đối tác, các nhà tài trợ.

Quang Thịnh | 14:40 10/12/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục