Hà Lan, khách quen của “địa ngục”: Bảng tử thần chưa hẳn là chết chóc

13:10 Thứ hai 04/06/2012

Quá khứ chỉ ra rằng Hà Lan không có gì phải sợ hãi dù một lần nữa lại đen đủi rơi vào bảng đấu tử thần ở một giải đấu lớn. Đơn giản là bởi đội bóng áo da cam, khách quen của những bảng đấu tử thần, luôn biết cách vượt qua nó một cách xuất sắc.

Ở kỳ EURO gần nhất, “Oranje” do đá vòng loại quá xuất sắc nên… chẳng may bị xếp vào nhóm hạt giống số 1 cùng với chủ nhà Áo/Thụy Sĩ cùng ĐKVĐ Hy Lạp trong vòng bốc thăm. Hệ quả là đội bóng của Marco van Basten đã sa chân vào bảng đấu tử thần với các đối thủ sừng sỏ Pháp, Italia và Romania, với Pháp, Italia là nhà vô địch và á quân thế giới 2 năm trước đó. Có thể xem nó như bảng tử thần đáng sợ nhất trong lịch sử, với xếp hạng FIFA trung bình của 4 đội tham gia là 8, nhưng Hà Lan đã xuất sắc vượt qua vòng bảng được dự đoán là rất khó khăn, toàn thắng cả 3 trận, trong đó có 2 chiến thắng hủy diệt trước các ông lớn Italia (3-0), Pháp (4-1) để thẳng tiến vào tứ kết.

Với Hà Lan, những bảng đấu tử thần chưa hẳn đã là chết chóc- Ảnh Getty

Hai năm trước đó, ở kỳ World Cup trên đất Đức, người Hà Lan bay cũng rơi vào bảng đấu có sự góp mặt của Argentina, Bờ Biển Ngà và Serbia. Họ thắng Bờ Biển Ngà, Serbia trước khi cầm hòa Argentina trong một trận cầu thủ tục.

Ở kỳ EURO 2000 trên sân nhà, màu áo da cam cũng phải so tài với ĐKVĐ thế giới Pháp, CH Czech (khi ấy xếp hạng 2 BXH FIFA) và Đan Mạch ngay ở vòng đầu tiên. Hà Lan cũng toàn thắng ở cả 3 trận và chỉ dừng bước trước Italia trong loạt đấu súng ở bán kết. Lùi sâu hơn về quá khứ, thế hệ vĩ đại của Johan Cruyff cũng rơi vào bảng đấu tử thần ở vòng bảng thứ hai World Cup 1974, với các đối thủ Brazil, Argentina, Tây Đức. Kết quả vẫn không có gì khác biệt, Hà Lan đã tiêu diệt cả 3 đối thủ bằng phong cách bóng đá tổng lực của mình.

Như vậy với bóng đá Hà Lan, những bảng đấu tử thần chưa hẳn đã là chết chóc, “cái chết” chỉ đến ở những vòng sau đó. Dưới thời HLV Van Basten, người Hà Lan đã dễ dàng vượt qua 2 vòng bảng được chờ đợi sẽ rất nhọc nhằn của mình nhưng khi những kỳ vọng lớn đã được đặt lên vai, sắc da cam lại bắt đầu nhợt nhạt. Ở EURO 2008, họ tưởng như mặc nhiên sẽ đi đến chung kết sau những trận thắng giòn giã trước Pháp và Italia nhưng lại bị chặn đứng trước đội tuyển Nga của Guus Hiddink chơi kín kẽ, khoa học. Hai năm trước đó trên đất Đức, người Hà Lan lại bị Bồ Đào Nha cản bước trong trận đấu mà họ đã thực sự bất lực, không ghi nổi bàn nhưng nhận đến 7 thẻ vàng cùng 2 thẻ đỏ.

Nhìn từ 2 giải đấu ấy, có thể thấy chất lượng của các cầu thủ Hà Lan chỉ đủ giúp họ vượt qua vòng bảng trước những đối thủ có thể rất đáng sợ trên danh nghĩa nhưng đang sa sút (Pháp, Italia) hoặc thiếu kinh nghiệm (Bờ Biển Ngà, Serbia). Mặt khác, Hà Lan khi ấy vốn chơi tấn công phóng khoáng và sau những chiến thắng dễ dàng ở vòng bảng, họ trở nên ảo tưởng ở sức mạnh của mình và lập tức gặp trở ngại với lối đá toan tính của đối thủ ở vòng knock-out.

Hà Lan dưới thời Bert van Marwijk đã hoàn toàn đổi thay, lối chơi thực dụng và kỷ luật có thể nhìn thấy qua những cú tắc bóng cực mạnh của đội trưởng Van Bommel hay những pha chơi xấu của Nigel de Jong. Họ chắc chắn sẽ không trình diễn một hình ảnh chói lóa ở bảng tử thần lần này mà vẫn có thể giành vé và tiến những bước vững chắc vào vòng sau, giống như từng thể hiện ở World Cup 2010.

Hoài Trinh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục