"Cò cầu thủ" Trần Tiến Đại: Người bị các "ông bầu" ghét nhất!

14:22 Thứ bảy 31/12/2011

Tiếng những giọt cafe rơi trong phin tí tách chợt chìm nghỉm trước âm thanh xô bồ ở một quán cafe Sài Gòn. Rồi cái thú thưởng ngoạn cafe cũng biến mất luôn trước những chia sẻ những ngóc ngách về một nhân vật được xem như “kẻ thù của các ông bầu”…

KẺ THÙ CỦA NHỮNG ÔNG BẦU

Tại sao tôi dùng khái niệm “kẻ thù của các ông bầu” khi nói về nhân vật có tầm ảnh hưởng trong làng bóng đá này? Cứ lướt nhanh qua các báo thể thao viết về ông Trần Tiến Đại thời gian qua sẽ thấy. “Trần Tiến Đại- chuyên gia thổi giá cầu thủ”, “Cò bóng đá điêu đứng vì VPF”, hoặc “bầu Trường và nhiều ông bầu khác đã cạch cò Đại bởi ông được cho là đạo diễn của nhiều vụ đi đêm, đẩy giá cầu thủ lên quá cao”, “người phá hoại bóng đá”...

Nếu chỉ theo dõi qua báo, tôi nghĩ rằng hình ảnh của ông Trần Tiến Đại rất tệ và có lẽ cứ như thói thường thì tôi sẽ phải ghét ông ấy. Nhưng tôi rất may là đã gặp ông Đại khá nhiều lần ở ngoài đời. Có lạ không bởi hình như tôi chưa bao giờ thấy ghét con người này?


Ai đó lý giải rằng: “Chỉ có người bị mất tiền vì ông ta thì mới ghét chứ đâu phải ai cũng ghét”. Ừ, thì tôi đâu phải là ông bầu bóng đá, tôi là phóng viên, và ở góc nhìn của tôi: đó không phải là một người đàn ông đáng ghét, thậm chí lại là một người có năng lực, có trách nhiệm và có rất nhiều quy chuẩn của một người đàn ông bản lĩnh. Tôi tin rằng đấy không phải là cảm giác của một mình tôi.

Với tôi thì nghề môi giới cầu thủ không phải nghề xấu. “Cò” bóng đá cũng như mọi nghề môi giới khác. Người Việt Nam ta vẫn có những cái nhìn không mấy thiện cảm về “cò”, không vui bởi dường như “cò” lại được nhiều hơn chính những đối tượng cần phải được quan tâm đến.

TIẾNG NÓI CỦA "CÒ" ĐẠI

“Tôi nghĩ rằng nếu mình bị ghét như vậy hiển nhiên là mình không thể làm được việc gì chứ đừng nói là để thành công trong thế giới bóng đá này. Nếu tôi hành động thậm thụt, không công minh thì liệu cầu thủ nào dám tin tưởng, trao sự nghiệp của anh ta vào tay tôi? Bản thân những ông chủ đội bóng đều là những người thành công trong kinh doanh. Nếu nói về kinh doanh, họ là bậc thày của tôi. Đừng bao giờ nghĩ rằng tôi móc được tiền từ túi của những ông bầu nếu như tôi không làm cho họ thấy có lợi khi làm việc với tôi.”, ông Tiến Đại nói

Có thể dừng ngay ở điểm này để nhắc lại việc “bầu” Trường của Vissai Ninh Bình từng tuyên bố rằng: “Trần Tiến Đại đang phá hoại bóng đá Việt Nam”.

“Tôi có bao giờ muốn tranh cãi hay đối đầu với anh Trường đâu, thế nên, mỗi khi anh Trường phát ngôn trên báo chí, tôi đều im lặng. Nhưng hãy xem tôi đã làm gì khi ở Vissai Ninh Bình. Lương cầu thủ ngoại của đội khi tôi làm ở đây không quá 4.000 USD/ tháng. Còn bây giờ, cỡ Gustavo không ít hơn 7-8000 USD/ tháng. Đinh Hoàng La về đội 3 năm, khi chuyển nhượng V.NB cũng không hề lỗ. Hà Hoàng Đảm về đây với giá bao nhiêu để rồi bán cho Navibank Sài Gòn với giá 4 tỷ? Trung vệ Dido mất 100.000 USD để nhập quốc tịch, nhưng bây giờ bán, tôi tin là 300.000-400.000 USD là có đội mua ngay.

Hay đã có lúc người ta chỉ trích việc tôi đưa HLV thể lực Nino về đội nhận mức lương 4.000 USD/tháng nhưng khi Mai Tiến Thành đoạt danh hiệu Vua phá lưới SEA Games 2009 có ai biết công lao của Nino đâu. Việt Thắng mỗi lần ghi bàn lại nói lời cảm ơn Nino là vì sao? Những việc tôi làm lợi cho CLB, người ta rất nhanh quên. Dẫu sao tôi cũng không tin anh Trường ghét tôi. Khổ ở chỗ các ông bầu tức nhau tiếng gáy để rồi mình nói cho cùng cũng là người làm thuê đứng giữa trở thành bia đỡ đạn.


Những gì VPF đang làm cho rằng các nhà môi giới tác động đến giá cầu thủ, tôi nghĩ cũng có rất nhiều điều đáng bàn. Các anh ấy cho rằng vì “cò” cầu thủ thổi giá cầu thủ nhưng thử hỏi anh Nguyễn Đức Kiên mua Công Vinh về giá bao nhiêu, anh Đoàn Nguyên Đức bán Việt Cường cho Navibank Sài Gòn 9 tỷ đồng thì giá ấy có cao không? Anh ấy cũng bán cao đấy chứ. Các anh ấy nếu thật sự hay liệu có thể làm cuộc cách mạng tiền lương trả theo tuần cho cầu thủ được không. Trong bóng đá có những việc tưởng nhỏ, người ta không chịu làm nhưng tác động rất lớn.

Đã từ lâu tôi không còn làm môi giới cầu thủ, hãn hữu lắm tôi mới làm, dựa trên những mối quen biết từ trước. Bạn hãy xem Sài Gòn FC mùa vừa rồi có vụ chuyển nhượng nào đáng kể không? Một phần vì bầu Thụy khuyên tôi nên tập trung công việc cho Sài Gòn FC. Một phần khác, khi các con tôi đọc những bài viết về bố nó, bạn nghĩ tôi sẽ phải trả lời thế nào cho chúng? Tất nhiên, cũng phải nói đến một thực tế bây giờ có quá nhiều người làm nghề môi giới cầu thủ. Từ ông chủ đội bóng, HLV, thậm chí phóng viên thể thao cũng không ít người vào cuộc”.

BÍ QUYẾT CỦA ÔNG ĐẠI

Có những điều, chẳng cần ông Đại biện minh thì tôi vẫn có thể phủ nhận theo cách: vì sao những ông bầu mở miệng chửi “cò” cầu thủ nhưng lại vẫn làm việc với họ? Đơn giản vì chuyện đôi bên cùng có lợi.

Ông Đại nếu đứng ở cương vị GĐĐH của Vissai Ninh Bình hay Sài Gòn FC thì cũng chỉ là người làm thuê. Ông Đại có thể thao túng được thị trường chuyển nhượng bởi quyền lực ngầm với giới cầu thủ bằng vị trí ấy hay không? Ông Đại đang hành nghề kinh doanh và nếu như thế hiển nhiên ông đang đánh cược uy tín nghề nghiệp của mình.

Không phải tự nhiên mà ông Đại thành công và kiếm được khá nhiều tiền từ nghề môi giới cầu thủ. Tôi tin rằng ngoài năng lực, nỗ lực, còn là cả chữ Tín được xây dựng qua nhiều năm. Ông phân trần: “Báo chí viết tôi nổi tiếng là người ăn hoa hồng cao nhưng quả thực mỗi vụ chuyển nhượng tôi chỉ có vài phần trăm. Tôi cam đoan rằng nếu mỗi thương vụ tôi lấy trên 10%, xin lỗi, cầu thủ chửi vào mặt tôi ngay”.

Bí kíp khiến ông Đại trở thành chỗ dựa của cầu thủ đó chính là: “Thứ nhất đó là đảm bảo cho họ về mặt tài chính. Thứ hai, phải làm sao cho họ thấy được sự cần thiết của họ đối với đội bóng và ghi nhận đóng góp của họ”.

Còn đối với các ông bầu thì sao? “Có phải tự nhiên mà bầu Thụy nói rằng chỉ làm bóng đá một khi tôi cùng vào cuộc. Bầu Thụy quá giỏi kinh doanh, chỉ cần nhìn sổ sách giấy tờ là hiểu được ngay tôi làm gì. Tôi làm dự toán chi phí cho đội rất kỹ càng chi tiết. Mùa trước, nếu đội chấp thuận phương án đưa cả cặp Đình Luật - Kesley cho Vicem Hải Phòng mượn thì cũng đã đủ trả tiền nuôi đội cả 1 năm rồi. Chuyện nào tôi làm có công thì ông bầu trả phí cho tôi cũng là bình thường”.

Đấy mới chỉ là vài mảnh vụn nhỏ của nghề “cò” mà tôi chạm vào được. Những ly cafe dần cạn. Ông Đại rời quán cafe để lại câu hỏi: “Liệu “cò” có mong muốn được hành nghề danh chính ngôn thuận trong bối cảnh hiện nay và túi tiền của họ có tỉ lệ thuận với sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam?”.
Đức Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục