Bán tên SVĐ và chuyện chủ động kiếm tiền của bóng đá Việt Nam

22:30 Thứ bảy 13/07/2019

TinTheThao.com.vnMới đây 2 đội bóng tại giải vô địch quốc gia Cambodia đã bán tên sân vận động cho đối tác thu về số tiền hơn triệu đô la.

Câu lạc bộ Boeung Ket FC vừa kiếm bộn tiền, bán tên sân vận động thu về 1 triệu USD từ đối tác hãng hàng không Cambodia Airline. Sân nhà của đội bóng sẽ mang tên Cambodia Airline trong thời gian 5 năm. Số tiền thu được từ thương vụ này sẽ được Boeung Ket FC chỉnh trang sân vận động, phát triển hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ... Ấn tượng hơn, Phnom Penh Crown FC cũng thu về 1,5 triệu USD nhờ bán tên sân vận động cho Smart TV trong thời hạn 5 năm. Có thể nói tư duy kiếm tiền chủ động của bóng đá chuyên nghiệp Cambodia là điều rất đáng để tham khảo.

Nói đến bán tên sân vận động có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Buriram United, câu lạc bộ cũ của tiền vệ HAGL Lương Xuân Trường. Đây là câu lạc bộ có sân thi đấu thuộc dạng hiện đại nhất Đông Nam Á và châu Á. Kiến trúc sân này được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn của sân Stamford Bridge, Chelsea.

Chỉ việc đổi tên sân từ I-Mobile sang Chang Arena, Buriram đã thu về 1 tỷ bath, khoảng 800 tỷ đồng Việt Nam. Bán tên sân vận động chỉ là bề nổi trong tảng băng chìm trong việc làm kinh tế bóng đá của Buriram. CLB Thái Lan có thể nói là hình mẫu về kiếm tiền từ cách làm vô cùng chuyên nghiệp. Họ khai thác các nguồn thu từ việc bán áo đấu, bản quyền truyền hình, chuyển nhượng cầu thủ, tiền tài trợ...

 - Bóng Đá

Một góc sân Chang Arena của CLB Buriram United.

Công tâm mà đánh giá V-League sắp bước sang tuổi 20 nhưng vẫn còn nhiều cái lắc đầu thở dài. Một trong những điều đáng lo lắng nhất là các đội bóng tại V-League không kiếm được tiền và chưa chủ động thu hút tài chính như một CLB chuyên nghiệp điển hình. Vì vậy, bóng đá nước nhà càng chuyên nghiệp lại càng thụt lùi. Mà đã không có nền tảng tài chính vững chắc, tự thân phát triển thì mọi thành công chỉ mang tính nhất thời.

Rõ nét nhất là chuyện về sân vận động. Các CLB V-League có thể học tập cách kiếm tiền như Buriram United hay những đội bóng Cambodia? Điều này hoàn toàn khả thi vì người hâm mộ bóng đá nước nhà rất cuồng nhiệt với bóng đá và sẵn sàng “dốc hầu bao” để ủng hộ đội bóng thân yêu. Tuy nhiên, dù mang danh chuyên nghiệp nhưng đa phần các CLB tại V-League vẫn còn ảnh hưởng bởi tư duy bao cấp. Họ chấp nhận phụ thuộc hoàn toàn vào sự hào phóng của các ông bầu. Những ông bầu nào chịu chi và chi đậm, đội bóng nhanh chóng “hóa rồng”, ngược lại các đội bóng mà ông bầu bỏ cuộc, rút lui sẽ biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

 - Bóng Đá

Thống Nhất là sân nhà của TP.HCM và Sài Gòn FC.

Hầu như chẳng câu lạc bộ nào có sân vận động riêng. Tất cả các sân đều thuộc quyền sở hữu của cơ quan quản lý nhà nước, đội bóng làm chủ chỉ mang tính tạm thời. Vì vậy, chuyện bán tên sân vận động như Buriram United hay các đội bóng Cambodia, đối với CLB V-League chỉ là ước mơ mà thôi.

Cách làm phổ biến nhất là các đội thuê sân để tổ chức các trận đấu. Sân Thống Nhất đồng thời là sân nhà của TP.HCM và Sài Gòn FC. Tương tự Hàng Đẫy là nơi tổ chức các trận sân nhà của Hà Nội FC và Viettel. Ngoài chuyện về sân vận động, các mảng khác có thể kiếm tiền như trang phục thi đấu, quà lưu niệm, thu hút tài trợ... đều chưa nhận được sự quan tâm đúng mực hay chủ động khai thác của những đội bóng tại V-League.

Gia Minh | 22:00 13/07/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục