VĐV cụt 2 chân ra mắt tại Olympic: Hãy coi chừng "Người không chân"!

15:31 Chủ nhật 05/08/2012

Những đối thủ nhìn anh bằng ánh mắt dò xét, còn đám đông trên sân thì cuồng nhiệt hò reo vì một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Thế vận hội: VĐV cụt chân so tài với VĐV thường. Còn khi ấy, Oscar Pistorius, với biệt danh "Blade Runner", chỉ nghĩ đến một điều: bật thật nhanh ngay sau khi nghe tiếng súng lệnh.

Trong làng thể thao, người ta gọi Oscar Pistorius là "người đàn ông không chân nhanh nhất thế giới". Tại Bắc Kinh 4 năm trước, vận động viên người Nam Phi này đã thống trị toàn bộ đường chạy cự ly ngắn với với ba tấm HCV tại các nội dung 100m, 200m, 400m ở Paralympic 2008. Thực tế, tài năng của Pistorius đã vượt lên trên trình độ của những đối thủ ở Paralympic rất nhiều và anh khao khát được thi đấu ở một môi trường giàu tính cạnh tranh hơn: Olympic.

Oscar Pistorius - Ảnh Getty

Việc trở thành VĐV khuyết tật đầu tiên tham dự cả Paralympic và Olympic (tại London, anh góp mặt ở 2 nội dung 400m và 4x400m tiếp sức) là giấc mơ trở thành hiện thực với Pistorius. Nhưng chưa hết, sau những gì anh đã thể hiện ở vòng loại, các CĐV Nam Phi tin rằng họ sẽ còn được chứng kiến những điều kỳ diệu nữa. Hôm qua, Pistorius đã về thứ nhì ở lượt chạy của mình với thời gian 45 giây 44, chỉ sau mỗi Santos Luguelin của Cộng hòa Dominica (45 giây 04). Đó là là thành tích tốt nhất ở mùa giải này của Pistorius, nhưng chưa phải cao nhất. Hè năm ngoái, khi chạy cùng những VĐV bình thường ở Lignano (Italia), anh đã giành HCV với thành tích 45 giây 07. Và mục tiêu của Pistorius tại London sẽ là cán đích với thời gian dưới 45 giây.

Việc chinh phục KLTG (43 giây 18) hay kỷ lục Olympic (43 giây 49) của huyền thoại Michael Johnson là nhiệm vụ bất khả thi. Người đang đạt thành tích cao nhất ở cự ly này và hiện còn thi đấu là La Shaw Merritt, người cũng tham dự vòng loại cùng Pistorius và Luguelin, với thời gian 44 giây 12. Nhưng VĐV người Mỹ này đã dính chấn thương gân khoeo và phải bỏ cuộc khi mới chạy được 100m và không thể bảo vệ tấm HCV đã giành được 4 năm trước. Và bây giờ, đối thủ lớn nhất của Pistorius sẽ là Jonathan Borlée, người đạt thành tích xuất sắc nhất vòng loại, với 44 giây 45.

Gây đột biến nhờ chân giả?

Đó là vấn đề gây tranh cãi từ rất lâu, chính xác là suốt 6 năm qua, khi Pistorius có ý định tham dự Olympic cùng những VĐV bình thường. Anh đã phải chiến đấu dữ dội với Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) mới có thể hoàn thành tâm nguyện.

Mọi rắc rối nằm ở đôi chân giả bằng sợi carbon của Pistorius, vốn gắn bó với anh từ khi mới... 11 tháng tuổi, sau khi các bác sĩ đã phải tháo khớp chân anh vì sinh ra đã không có xương mác. Người ta cho rằng đólà một thứ đồ công nghệ mà nhờ đó Pistorius có được lợi thế hơn so với những đối thủ. Đúng là với đôi chân như thế, khả năng bật xuất phát sẽ tốt hơn, chưa kể đến khả năng chịu nhiệt (nếu cuộc thi diễn ra dưới nhiệt độ cao) trong quãng đường thi đấu. Nhưng thật ra, bản thân Pistorius cũng có những thiệt thòi riêng bởi với một người cụt chân bình thường, giữ thăng bằng trên một đôi chân giả đã khó, chứ đừng nói đến việc nước rút, vốn cần đến những cảm giác rất "thật" của đôi bàn chân.

Các đối thủ của anh nghĩ gì? La Shaw Merritt khẳng định rất ngưỡng mộ Pistorius vì nghị lực phi thường của anh. Santos Luguelin, người về trước Pistorius nhưng lại không được khán giả quan tâm đến, cũng chẳng tỏ ra ghen tị mà còn ngợi khen "Anh ấy là một VĐV đẳng cấp". Còn Erison Hurtau (Dominica), người đã từng tập luyện cùng Pistorius tại Nam Phi thì hết sức khâm phục sự chăm chỉ của anh. Tất nhiên, vẫn có những người dè bỉu Pistorius. VĐV chủ nhà Nigel Levine là một minh chứng. Khi được hỏi rằng liệu đôi chân giả của Pistorius có phải lợi thế không, anh bực bội "Hỏi anh ta ấy. Còn tôi thì vẫn giữ quan điểm của mình về chuyện ấy".

Bị cấm gặp vợ, VĐV bỏ thi đấu

Đó là trường hợp của cựu vô địch thế giới chạy 100m Kim Collins của đoàn St Kitts&Nevis. VĐV 36 tuổi này rất bực bội với các quan chức đội nhà vì đã cấm anh gặp vợ trong thời gian diễn ra TVH nên đã quyết định rút lui khỏi TVH, thậm chí còn thề không bao giờ thi đấu cho ĐTQG nữa. " Tôi sẽ không thi đấu tối nay nữa. Giải đấu ở Mexico là lần cuối cùng tôi thi đấu cho ĐTQG", Collins viết trên Twitter. Anh cũng ám chỉ sự hà khắc của các quan chức thể thao nước này khi viết rằng "đến tù nhân còn được tiếp đón vợ mình".

Collins từng về thứ 7 ở Sydney 2000 và thứ 6 ở Athens 2004, nhưng với thành tích cao nhất trong năm là 10 giây 05, thật ra anh cũng khó có cơ hội góp mặt ở chung kết nội dung 100m nam. Trước đó, đồng hương của Collins là nữ VĐV chạy nước rút Tameka Williams đã bị đuổi về vì có nguy cơ bị phát hiện doping.

Phương Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục