Trung vệ Phạm Minh Đức: Nhọc nhằn tìm chỗ đứng

18:07 Chủ nhật 24/03/2013

Sinh năm 1987, thuộc thế hệ “bạch kim” của bóng đá Thể Công, được đào tạo ở Bulgaria và Đức, đáng ra đây phải là thời của Minh Đức, cũng như đồng đội cùng lứa, được ăn tập bài bản và đang vào độ chín. Nhưng ngay lúc này, có lẽ cũng không nhiều người biết cựu trung vệ U23 Việt Nam, Phạm Minh Đức, đang ở đâu và đá cho đội bóng nào ở V-League.

Từ tay chơi đất Hà thành…

Năm 2008, Đức lần đầu tiên được lên tuyển, với U22 Việt Nam vô địch Merdeka Cup, mà anh là hạt nhân. Năm 2009, khi U23 Việt Nam tập trung cho chiến dịch SEA Games trên đất Lào, nghiễm nhiên Minh Đức cũng được cất nhắc. Với một người trẻ, sự thăng tiến như thế đã được cho là chóng mặt, nhưng với một cầu thủ có nghề, lại được ăn tập tử tế, từng được ví như Như Thành “đệ nhị”, điều đó cũng bình thường.

Cần nhắc lại rằng, việc được đứng trong hàng ngũ Thể Công thế hệ có thể xem là “bạch kim” vừa tu nghiệp ở trời Âu về, không phải ai muốn cũng được. Thuộc diện gia đình có điều kiện, với bố là luật sư nổi tiếng, ông Phạm Huỳnh (Văn phòng luật sư Tâm Đức), nên Phạm Minh Đức hẳn nhiên đầy chất chơi. Bình thường gặp Đức rất khó, khi sau các buổi tập, các trận đấu, anh gần như không có nhu cầu giao du. Đức gói gọn cuộc sống (nội tâm) cho riêng mình. SEA Games 2009 ở xứ triệu voi, trong khi các đồng đội cười nói rôm rả một góc quán cà-phê sân vườn của người Việt giữa lòng Vientiane, Minh Đức thu mình lại, đốt thuốc và… phơi nắng. Bản tính ấy lây qua sân cỏ, khi với bộ óc xử lý thông minh, Minh Đức chơi bóng khá mềm mại, đọc tình huống nhanh và vì thế, người ta ví anh như người thừa kế vị trí của Như Thành để lại.

Minh Đức vất vả đi tìm chỗ đứng trong màu áo CLB Becamex Bình Dương. Ảnh: V.S.I

Thể Công trong chiến dịch thăng hạng V-League (2007), Đức, cùng với Quang Vinh và Ngọc Duy, được rút ngắn thời gian đào tạo ở nước ngoài để về nước. Và ngay thời điểm đội bóng quân đội vẫn còn sở hữu bộ đôi Phước Tứ - Anh Tuấn, thì tần suất ra sân của Minh Đức dười thời huấn luyện viên Lê Thụy Hải cũng rất đáng kể… Đó là những cơ sở mà khi Nam tiến lần hai, với điểm đến là Thủ Dầu Một, ông Hải “lơ” một mực phải kéo bằng được Minh Đức đi cùng. Tình huống lặp lại hệt Thụy Hải - Như Thành, thời điểm năm 2007, khi một ông thầy dù tài cỡ mấy, cũng cần có vài “đệ ruột” ở trong tay khi chấp nhận “xa luân chiến”. Những tưởng, nó sẽ mở ra một tương lai rực rỡ tiếp theo nữa trong sự nghiệp của Phạm Minh Đức, nhưng đúng là “người tính không bằng trời tính”.

Đến sự sụp đổ của một “biểu tượng”

Tại sân Bình Dương hơn một năm qua, số lần ra sân của Minh Đức đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến cuộc khủng hoảng thừa chưa hồi kết của đội bóng đất Thủ, ở trung tâm hàng hậu vệ bốn người. Từ chính sách mua sắm thiếu cân đối, khiến những người như Minh Đức trở thành nạn nhân. Quá chán nản phận đời thừa, Đức có lần đã bỏ về Hà Nội đến vài tháng để tự hoạch định lại tương lai, xem có nên tiếp tục…

Quay trở vào và chấp nhận làm lại, hay ít nhất cũng là sự đảm bảo với bản hợp đồng ba năm đã ký, Minh Đức đã cho thấy những nỗ lực, nhằm cải thiện thể lực. Đầu mùa giải năm nay, khi Đức đôi ba lần được cất nhắc, nhưng như thể trêu ngươi, B.BD lại thua chổng vó. Hỏi thế có nghiệt ngã không? Câu chuyện không lạc quan hơn với các đồng đội của anh như Quang Vinh, Công Huy, những người cũng đang rất chán chường ở sân Bình Dương từ một năm qua.

Năm 2011, khi Thể Công bỗng dưng “mất tích” trên bản đồ bóng đá Việt Nam, đã có rất nhiều lời ai oán về niềm tự hào của một biểu tượng. Đội bóng quân đội tan rã, nhượng lại suất chơi cho Thanh Hóa, khiến bao mảnh đời cầu thủ, huấn luyện viên cũng như bong bóng xà phòng. Tiếc cho thế hệ cầu thủ mà người ta từng ví như “bạch kim”, được đào tạo cực kỳ bài bản và công phu ở nước ngoài, chưa có nhiều thời gian và cơ hội chứng tỏ. Nhưng đó là câu chuyện ở tầm vĩ mô rồi.

Trở lại với Minh Đức. Anh thậm chí đã được bật đèn xanh ra đi, trước khi Thể Công có biểu hiện “khó ở”. Những trải nghiệm và cả kinh nghiệp quý báu, khi đơn thương độc mã chiến đấu giành suất chơi ở môi trường lạ như Hòa Phát Hà Nội, hẳn đã động viên Minh Đức rất nhiều, thời điểm anh vào B.BD. Nhưng không! Sự nghiệp của cựu tuyển thủ U23 Việt Nam tiếp tục đi xuống và có thời điểm, tưởng như nó đã chạm đến đáy, đánh gục cả khát vọng lẫn sự kiên nhẫn của người trẻ.

Nếu có một phép liên tưởng, dù hơi khập khiễng, Minh Đức có thể xem là hình ảnh tiêu biểu của một Thể Công, xuất hiện, thống trị nền bóng đá, cho đến khi mất hút và mất tích. Cô gái đẹp bỗng một ngày phát hiện ra mình tàn phai nhan sắc, kể cũng khó chấp nhận. Nhưng vẫn còn may mắn, khi Minh Đức, tuổi 26, vẫn ở đó và thậm chí còn đang thuộc biên chế B.BD, một đội bóng có thể xem là giàu tham vọng. Muốn chống lại định mệnh, có lẽ chỉ Đức mới tự quyết được.

Cùng với Quang Vinh, Công Huy…, Minh Đức chuyển vào Becamex Bình Dương ở kỳ chuyển nhượng đầu mùa giải 2012 khi đội bóng còn dưới quyền huấn luyện viên Lê Thụy Hải. Không may khi “bố” Hải sớm bật bãi và những người như Minh Đức trở thành vật đánh bóng băng ghế dự bị ở đất Thủ một cách phí phạm. Phí cho sự nghiệp của Đức (và đồng đội) và phí cho số tiền nhiều tỷ đồng mà B.BD đã bỏ ra.

Là sản phẩm ưu tú của thế hệ “Thể Công 87”, cao hơn 1m8, Minh Đức là hàng hiếm của bóng đá Việt Nam cho vị trí trung vệ. Với sự khôn ngoan, óc phán đoán trong bọc lót và đọc tình huống nhạy bén, Minh Đức từng được kỳ vọng trở thành một trung vệ hàng đầu, nếu còn tiếp tục đứng trong hàng ngũ Thể Công.

Trong màu áo Thể Công và B.BD bây giờ, không ít người vẫn nhầm lẫn Minh Đức và đồng đội cùng lứa Công Huy. Dù Đức người Hà Nội, còn Huy quê gốc Thanh Hóa, nhưng thật kỳ lạ, hai cầu thủ này giống nhau như hai giọt nước. Đến số phận cũng giống nhau. Điểm dễ nhận biết nhất có lẽ là vị trí trên sân mà họ đảm trách. Trong khi Minh Đức chơi trung vệ, thì Công Huy đá tiền vệ, với chức năng thu hồi bóng, giữ nhịp trận đấu. Trong nỗ lực nâng cấp đội hình của Hà Nội T&T, rất có thể mùa sau, hai cầu thủ này sẽ được kéo trở lại sân Hàng Đẫy.
Tùy Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục