Thể thao Việt Nam: Chọn cách “nuôi gà nòi”

09:49 Thứ ba 28/10/2014

20 VĐV tài năng của 7 môn trọng điểm tới đây sẽ được đầu tư theo chế độ đặc biệt của ngành TDTT, chuẩn bị nhân sự cho các sự kiện thể thao châu Á, Olympic từ năm 2015 cho đến năm 2020. Nói dễ hiểu, đấy là hình thức “nuôi gà nòi” thể thao Việt Nam bắt buộc phải học theo cách mà Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia đã làm…

Sự sa sút ở nhiều nhóm môn Olympic bắt buộc giới chức thể thao Việt Nam phải suy tính kỹ lưỡng cho các chiến dịch đối ngoại như Asian Games, các giải vô địch châu lục hay thế giới, cao cấp hơn là Olympic. Nếu tiếp tục đầu tư dàn trải ở quá nhiều môn sẽ lại đẩy thể thao Việt Nam vào tình thế “xôi hỏng, bỏng không”, cùng lắm cũng chỉ tìm kiếm được chút ít thành tích ở SEA Games, mà khó lòng tiến xa ở các đấu trường châu lục, thế giới.

Theo ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - lúc này, danh sách 20 VĐV thuộc diện tài năng vẫn đang được chọn lựa kỹ càng trước khi chính thức điền tên họ vào chương trình đào tạo đặc biệt từ nay đến năm 2020, với nguồn kinh phí dành riêng khoảng 40 tỷ đồng/năm. Tất nhiên, chương trình vẫn đang trong quá trình được Bộ VH-TT-DL thẩm định trước khi phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện.

Ở môn điền kinh, ngoài tài năng Quách Thị Lan, còn có 3 VĐV nữ khác là Quàng Thị Lai, Nguyễn Thị Trúc Mai và Lê Tú Trinh. Môn bơi lội có Nguyễn Thị Ánh Viên, Trần Duy Khôi, Nguyễn Diệp Phương Trâm; Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm), Phan Thị Hà Thanh, Đinh Phương Thành (TDDC), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Thị Thật (xe đạp) và 6 VĐV bắn súng đang được bộ môn của Tổng cục TDTT tuyển chọn lần cuối cùng.

VĐV Phan Thị Hà Thanh tiếp tục được đưa vào chiến lược đầu tư đặc biệt của thể thao Việt Nam từ nay đến năm 2020. Ảnh: Quang Thắng

Ngoài một số VĐV đã khẳng định được tên tuổi và thành tích ở đấu trường quốc tế của mình như Hà Thanh, Ánh Viên, Duy Khôi, Kim Tuấn, Quách Thị Lan, thì hầu hết các VĐV còn lại đều ở độ tuổi còn rất trẻ (từ 13-19), tức là theo đánh giá của giới làm nghề, họ chính là những VĐV giàu tiềm năng thực sự. Tất cả sẽ được đưa đi nước ngoài đào tạo theo hình thức dài hạn, tập huấn và thi đấu ở những giải lứa tuổi phù hợp tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bulgaria… trong quãng thời gian “luyện vàng” trên đất khách.

Đối với những VĐV đã có thành tích ở Asian Games 2014 hay trước đó là ở các giải vô địch châu lục như Hà Thanh, Ánh Viên, Kim Tuấn, hình thức sẽ là vừa tập huấn dài hạn vừa làm nhiệm vụ quốc gia ở SEA Games 28, Asian Games 18, Olympic 2016… vì rõ ràng sau khi được đưa đi nước ngoài tập huấn nhiều tháng trời, những VĐV này quả thực đã chuyển biến đáng nể về thành tích.

Điều khá đáng tiếc là taekwondo trước đây từng nằm trong nhóm môn trọng điểm loại 1 của thể thao Việt Nam, nhưng vì sự sa sút cũng như khan hiếm tài năng hiện tại, taekwondo bị loại khỏi nhóm được đầu tư đặc biệt. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà quản lý Tổng cục TDTT, sẽ có những chương trình đầu tư khác nữa, tập trung đào tạo chuyên biệt nếu như các bộ môn thuộc Olympic phát hiện được VĐV tài năng đề xuất lên trên.

Để tránh xảy ra tình trạng chọn địa điểm tập huấn không phù hợp cho VĐV như điền kinh trong 2 năm vừa qua, Tổng cục TDTT sẽ thuê chuyên gia nước ngoài cho VĐV tại nơi chọn tập huấn. Chẳng hạn, Hà Thanh và Phương Thành nếu sang Nhật Bản tập huấn thì sẽ chỉ làm việc với các HLV bản địa, tương tự Thạch Kim Tuấn sẽ tập với chuyên gia tại Bulgaria, trong khi nữ kình ngư Ánh Viên cùng 2 VĐV khác sẽ tập với HLV tại Mỹ…

Lê Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục