The Open Vòng ba: cơ hội của Scott

09:49 Thứ hai 23/07/2012

Bình luận viên kỳ cựu của ESPN, Paul Azinger thốt lên bằng giọng hài hước khi bình luận vòng ba: “Adam Scott có được cú swing ngày xưa của Tiger và cả người vác túi ngày xưa của Tiger”.

Snedeker có nhiều bogey.

Snedeker có bốn mươi hố ở giải The Open không có điểm bogey trước khi thảm họa của anh xảy ra. Có lẽ vì áp lực dẫn đầu ở một giải quá lớn trên kinh nghiệm quá nhỏ nên Snedeker bị “cứng tay” tại green đường năm: anh gạt trượt cú ghi điểm par ở khoảng cách hơn một mét. Chắc chắc đây không phải điềm lành cho những người hâm mộ tay golf người Mỹ này và thực tế, chuỗi điểm bogey của Snedeker không dừng lại ở đó.

Adam Scott đang dẫn bốn gậy so với người về nhì. Hình chụp: Andrew Redington/Getty Images

Ở đường thứ sáu, Snedeker đánh bóng từ semi-rough, bóng bay vào hố cát. Đây là lần đầu tiên trong tuần anh phạm một sai lầm như thế và đánh mất vị trí dẫn đầu về tay Scott.

Áp lực đã giảm bớt nhưng điều xảy ra còn tồi tệ hơn.

Sau khi gỡ lại được một điểm birdie ở đường bảy, Snedeker tiếp tục vật lộn với quả bóng ở đường tám. Một cú đánh ngắn xấu và gạt hỏng, anh may mắn có được điểm bogey. Ở đường chín, Snedeker đánh bóng vào hố cát và bị thêm một điểm bogey nữa. Điểm của anh lúc này là (-7). Dù vậy, Snedeker đang đồng hạng nhì với Graeme McDowell và hơn Woods một gậy.. Anh vẫn còn cơ hội.

Cửa hẹp cho Tiger Woods.

Khởi đầu bằng điểm bogey không bao giờ là điềm may. Ở hai vòng trước, với phong độ mạnh mẽ và chắc chắn, Woods chỉ đánh trượt fairway có hai lần. Vậy mà ở đường par 3 đầu tiên của vòng ba, Woods phát bóng trượt green, thêm một cú chip tệ hại và gạt hỏng ở khoảng cách gần hai mét trong nỗ lực kiếm điểm par. Điểm bogey chỉ là khởi đầu cho một ngày tồi tệ của Woods.

Sau đó, ở đường thứ ba, Woods tiếp tục bỏ lỡ một cú gạt ghi điểm par ở khoảng cách tương tự. Điểm của Woods lúc này giảm xuống còn (-4). Chiếc cúp Claret Jug năm nay xa tầm tay Woods hơn bao giờ hết.

Trong nỗ lực cứu vãn, Woods thực hiện thành công cú gạt kỳ lạ ở khoảng cách mười lăm mét trên green đường sáu, ghi điểm birdie. Sau đó ở đường bảy, Woods cẩn thận thực hiện thành công cú gạt ghi điểm birdie. Giống như một bộ phim hành động kiểu chủ nghĩa anh hùng cá nhân của Hollywood, trong đó nhân vật chính luôn bị khó khăn và tìm mọi cách vượt qua để chiến thắng, Woods có cú phát bóng chính xác ở đường chín. Bóng rơi cách cờ hai mét, tạo cơ hội tốt cho một cú gạt ghi điểm birdie thành công.

Cuối cùng, điểm bogey trên đường mười lăm khiến mọi nỗ lực của Woods trở về con số không. Và vòng đấu thứ ba là vòng đấu dậm chân tại chỗ. Như như đã nói ở bài bình luận vòng hai, nếu như Woods không tiến bộ hơn và có điểm (-4) ở vòng ba thì cơ hội của anh sẽ khép lại. Chỉ còn một vòng cuối và Woods phải đạt điểm (-5) trong khi Scott “sập hầm”, các tay golf khác đều dậm chân tại chỗ. Tôi nghĩ rằng trường hợp này rất khó xảy ra nếu như không muốn nói là không thể, dù tôi là một người hâm mộ cuồng nhiệt tay golf cựu vương này.

Adam Scott chạm một tay vào cúp.

Sau khi có được người vác túi kỳ cựu Steve Williams, Scott lóe sáng cuối mùa giải năm trước rồi bất ngờ nổi lên ở The Open. Với lối thi đấu chắc chắn và sự phục vụ của người vác túi từng giúp Woods thắng mười ba danh hiệu Major, nhiều người hâm mộ đã liên tưởng đến hình ảnh của tay golf cựu vương năm 2008.

Sau ba ngày thi đấu trên sân Royal Lytham & St. Annes, tay golf người Úc đang tạm dẫn đầu với cách biệt bốn gậy với người hạng nhì sau khi đánh sáu mươi tám gậy vào ngày thứ Bảy. Nếu như không sập hầm thì Scott sẽ có được danh hiệu Major đầu tiên trong sự nghiệp.

Không quá xuất sắc, Scott là hình mẫu của sự ổn định tại The Open năm nay. Sau ba vòng đấu, điểm (-11), Scott chỉ mới bị điểm bogey có bốn lần. Scott cũng thừa nhận với phóng viên Steve DiMeglio của tờ USA Today rằng chìa khóa để đem cúp Claret Jug về nhà là phải thi đấu thật ổn định.

Nếu trung thành và thực hiện đúng phương án thi đấu đưa ra ở vòng cuối, xem như Scott đã chạm một tay vào cúp. Một tay còn lại sẽ được quyết định bởi người hạng nhì. Khi Snedeker thể hiện yếu kém ở vòng ba thì McDowell lặng lẽ vượt lên đồng hạng nhì. Nếu Scott muốn chiến thắng, đối thủ mà anh cần phải lưu tâm nhất chính là McDowell, người sẽ thi đấu cùng nhóm với anh ở vòng cuối.

Graeme McDowell âm thầm cạnh tranh.

Graeme McDowell là đối thủ lớn nhất trên con đường đến chức vô địch Major đầu tay của Scott. Hình chụp: Stuart Franklin/Getty Images

Là một trong số ít những người chơi có ba vòng đấu đều dưới gậy chuẩn, tôi rất ngạc nhiên khi McDowell được rất ít báo nhắc đến cho dù anh đang ở vị trí hạng nhì và hơn Tiger Woods một gậy. Cũng có thể đó là chiến thuật nhằm giảm áp lực của anh.

McDowell từng vô địch một giải Major, anh đang thi đấu tốt và lại cạnh tranh trên chính sân nhà. Điểm yếu duy nhất của anh tại The Open là thua Scott bốn gậy trong khi chỉ còn một vòng cuối.

Cũng như Woods, cơ hội của McDowell là không nhiều nếu như không thực sự bùng nổ vào vòng cuối. Trong năm năm qua, McDowell là một trong bốn tay golf người Bắc Ireland thắng sáu giải Major. Ở ngày thứ bảy, McDowell có năm điểm birdie nhưng chỉ có hai bogey. Rất có thể anh sẽ bắt kịp Scott để bước vào lượt play off.

Theo cơ quan dự báo thời tiết của Anh, thời tiết đột ngột ấm lên vào cuối tuần hứa hẹn một vòng đấu bùng nổ với số điểm vượt trội lẫn đổi ngôi. Đương nhiên, kết quả The Open sẽ không dễ dàng dự đoán trước.

Lady Golfer | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục