Thầy học viện!

13:30 Thứ năm 28/08/2014

Kể từ khi ĐT U.19 Việt Nam thất bại trước U.19 Myanmar tại chung kết giải U.22 Đông Nam Á, đã có không ít những ý kiến trách móc HLV trưởng Graechen.

Về mặt chuyên môn, người ta trách ông Graechen đã không có những ứng biến chiến thuật kịp thời trong từng bối cảnh khác nhau của một trận đấu. Ví dụ như ở hiệp 2 của trận chung kết, khi ta bất ngờ dẫn lại đối phương 2-1, và ai cũng thấy là thể lực của ta không bằng đối phương thì ông Graechen vẫn giữ nguyên đội hình tấn công như trước, thay vì cho các học trò chuyển sang đá phòng ngự số đông. Rồi người ta bảo, cái bài mà ông Graechen áp vào U.19 Việt Nam qua một loạt giải đấu xét cho cùng đều thuộc một khuôn. Cái khuôn mà có nhắm mắt lại thì đối thủ của chúng ta cũng hiểu, cũng biết là quân ta sẽ vận động như thế nào.

Thực tế thì từ năm ngoái đến năm nay, lối chơi của U.19 cũng đã ít nhiều được làm mới. Nhưng xét về mặt tổng thể thì quả thật, HLV Graechen không phải là một người có khả năng "đọc" trận đấu và thay đổi các mảng miếng thi đấu một cách quái chiêu.

Không thể bắt HLV Graechen (phải) trở thành nhà đánh trận trong ngày một ngày hai. Ảnh: H.M.

Về mặt phát ngôn, sau khi U.19 Việt Nam mất cúp, ông Graechen đã công khai nói đến hai tiếng "thất vọng", và đã có người không đồng tình với hai tiếng ấy, vì theo họ, nó có thể sẽ tạo ra những tác động không tốt đến tâm lý của những cầu thủ vẫn chưa thực sự vào đời. Chỗ này thì Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tỏ ra "cao tay" hơn ông Graechen khi nhấn đi nhấn lại rằng, U.22 Đông Nam Á xét cho cùng chỉ là một giải đấu để tập rượt, và việc lần đầu tiên một ĐT trẻ Việt Nam lọt vào chung kết giải đấu này cũng là một kết quả đáng biểu dương.

Chưa hết, mới đây thì ông Graechen lại nói là ông muốn ĐT U.19 sẽ vào chung kết rồi vô địch giải U.19 Đông Nam Á chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội. Thực tế thì giải đấu này còn khó hơn cả giải U.22 Đông Nam Á vì xuất hiện những đội khách mời cực mạnh, như U.19 Nhật Bản - đội bóng mà ta từng lấm lưng trắng bụng 7 bàn. Thế là lại có người trách ông Graechen có phần "nói quá".

Ở đây, chúng tôi không phán xét nhà cầm quân người Pháp, nhưng chỉ muốn nhắc lại một điều: Với một "nhà đánh trận" thì nói năng như thế nào, bày binh như thế nào đều phải có sự tính toán kỹ lưỡng. Cách phát ngôn của một "nhà đánh trận" có thể tạo ra những đòn tâm lý ác hiểm với đối phương. Cách bày binh của một "nhà đánh trận" có thể tạo ra những sự bất ngờ với đối phương, khiến đối phương trở tay không kịp. Cựu HLV trưởng ĐTVN Henrique Calisto chính là một "nhà đánh trận" điển hình, người luôn có thể sử dụng vũ khí tâm lý và vũ khí chiến thuật một cách linh hoạt để đội bóng của mình có thể đạt được hiệu quả tối đa. Và sẽ không quá lời nếu nói rằng, chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của ĐTVN có sự đóng góp không dưới 50% từ khả năng đánh trận của thầy "Tô".

Trở lại với HLV Graechen, ai cũng biết ông là HLV của một học viện bóng đá - người có nhiệm vụ rèn giũa tụi trẻ một cách bài bản trong sáng nhất. Và dĩ nhiên, không thể đòi hỏi một ông thầy của một học viện bóng đá phải có những phẩm chất cơ bản (chứ chưa nói đến sự tinh quái) của một... nhà đánh trận. Thế nên, ngay cả khi cho rằng ông Graechen đã mắc những sai lầm này nọ ở cả phương diện phát ngôn lẫn phương diện chỉ đạo chiến thuật thì chúng tôi cho rằng, cá nhân ông cũng không hề đáng trách. Điều đáng trách có chăng nằm ở những người đã dùng ông, và đã bắt ông phải làm những việc quá sức với mình.

Ai cũng hiểu là từ giờ đến VCK U.19 châu Á - giải đấu mà U.19 Việt Nam đặt mục tiêu vào bán kết chỉ còn 1 tháng nữa, mọi sự thay đổi trên ghế huấn luyện lúc này đều không khác gì một cuộc "đánh bạc".

Nhưng một khi đã thực sự biết mình, biết người thì việc dám dũng cảm "đánh bạc" cũng là một cách giúp người ta có thể đoạt được những chiến công phi thường!

Bóng đá Việt Nam từng hối hận vì không thay HLV

Đó là điều đã xảy ra ở kỳ Tiger Cup 2004 (tiền thân của AFF Cup bây giờ). Một tháng trước thềm giải đấu ấy, HLV trưởng ĐTVN Tavares đã có hàng loạt biểu hiện tâm lý bất thường, và thậm chí đã "nắn gân" lại chính những người thuê mình bằng một tuyên bố trên một tờ báo: "Tôi có thể bỏ việc bất cứ lúc nào". Khi ấy, Thường trực VFF từng họp khẩn và từng có ý kiến phải thay ông Tavares thì mới cứu được một ĐT đang đi chệch hướng. Nhưng họp lên họp xuống, rốt cuộc thì người ta kết luận: không nên "thay thầy đổi chủ" khi giải đấu đã cận kề.

Kết cục Tiger Cup năm ấy ra sao mọi người đều rõ: Tavares yếu đuối đến phát sốt, và phải vào viện truyền nước trước trận đấu quyết định giữa ĐTVN với ĐT Indonesia. Và trận thua Indonesia 0-3 trên sân Mỹ Đình năm ấy mãi mãi là một vết đen trong lịch sử bóng đá nước nhà.

Sau này, nhiều quan chức VFF nhiệm kỳ IV đã tỏ ra rất hối hận vì đã không dám thay Tavares trước khi giải đấu khởi tranh.

Ngọc Anh
Phan Đăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục