Quyền sư Trần Hữu Hoàng: Muốn có võ "Cọp" phải có trái tim "Người"

09:10 Thứ tư 03/10/2012

Môn phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo là món võ công kết hợp tinh túy từ 2 sở trường của Hắc Hổ Trần Văn Đầy (quyền pháp Bình Định) và Thanh Long Huỳnh Thuận Tường (Thiếu Lâm Bắc Phái). Quyền sư Trần Hữu Hoàng được "chân truyền" đời thứ ba của môn công phu này.

Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo phản ánh đậm nét hành vi loài cọp. Môn sinh luyện tập phải nghĩ mình là một mãnh hổ xuất sơn, đôi mắt phải thể hiện được thần và uy lực qua nhãn quan như khi chúa sơn lâm nhìn mồi.

LÁI XE, BẮN SÚNG BẢO VỆ KHÁNH VÀNG

Trong sự nghiệp võ nghệ của mình, quyền sư Trần Hữu Hoàng đã kinh qua không biết bao trận đấu và tình huống nguy cấp. Nhưng nhờ võ nghệ cao cường, ông đều thoát hiểm. Đáng nhớ nhất là màn thoát khỏi sự truy sát của giang hồ nhờ biệt tài bắn súng lái xe. Ông đã kể lại cho PV kỷ niệm khó quên trong cuộc đời võ nghiệp đó:

"Đêm 18/1/1970, tại võ đài sân Tinh Võ (Q.5) diễn ra trận then chốt giữa võ sư Kinh Kha (người Hoa, môn phái Bạch Mi) và Long Mousse (tức Đới Văn Quý, môn phái Thiếu Lâm, đệ tử danh sư Kim Sang và Long Hổ Hội).

Đây là trận do Long Mousse chủ động thách đấu nhằm phục thù cho sư huynh Moustaza bị Kinh Kha hạ ở võ đài Thủ Đức năm 1968. Dù chỉ ở trình độ võ sĩ nhưng Long Mousse đã dám "đánh chấp" võ sư Kinh Kha đến 16kg!

Không khí trận so tài căng thẳng đến độ võ sư Long Hổ Hội phải ký vào bản "Sinh tử trạng" bảo đảm không khiếu nại thưa kiện nếu học trò Long Mousse chẳng may thiệt mạng. Trước khi lâm trận, treo thưởng cho người chiến thắng là một tấm kim khánh mạ vàng 24K. Hiện võ sĩ Long Mousse còn trưng trang trọng tại phòng khách trong căn hộ trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp).

Trận đấu gồm 3 hiệp (mỗi hiệp dài 3 phút) diễn ra gay cấn và quyết liệt. Hiệp một, cả 2 đối thủ chủ yếu vờn qua lượn lại mục đích thăm dò mảng miếng của nhau. Sang hiệp hai, bắt đầu "chơi thật". Cả hai lao vào nhau tung ra toàn những thế võ hiểm. Kinh Kha tuy giàu kinh nghiệm cận chiến nhưng do nặng cân nên xoay trở có phần chậm chạp.

Khi hiệp hai vừa trôi qua được một phút 30 giây, nhanh nhẹn lách người tránh được cú "Kim Tiêu cước" khốc liệt của Kinh Kha, Long Mousse nhanh chóng "nhập nội" và trả đòn bằng miếng "chỏ lật" (ngón võ độc do quyền sư Kim Sang chân truyền) làm toét mí mắt trái đối thủ Hoa kiều khiến máu tuôn đầy mặt. Trọng tài Minh Sang tuyên võ sĩ Long Mousse thắng nốc ao bởi võ sư Kinh Kha không thể tiếp tục thi đấu.

Do chơi rất thân với võ sư Long Hổ Hội vì thế khoảng 11 giờ đêm hôm đó, sau khi trận thư hùng kết thúc, tôi lấy chiếc xe jeep chở 4 võ sinh Thiếu Lâm và 3 võ sư Long Hổ Hội cầm tấm kim khánh bằng vàng hướng về võ đường ở Q.Gò Vấp.

Xe vừa lăn bánh chầm chậm ra cổng, bất ngờ xuất hiện một đám du đãng người Hoa khoảng 7,8 tên, đứa nào cũng tóc dài, mình mẩy xăm trổ xanh lè, mặt đằng đằng sát khí chạy theo xe vung dao bầu chém xối xả vào đám môn đồ võ đường Long Hổ Hội, có mấy tên chồm lên ghế trước chém bà võ sư Long Hổ Hội nhằm cướp tấm kim khánh.

Tình thế quá hiểm nghèo, buộc lòng tôi phải một tay điều khiển vô-lăng, tay còn lại rút khẩu Colt 45 bắn chỉ thiên 10 phát khiến đám du đãng chùn tay, không dám bám vào hai bên thành xe, nhờ vậy chiếc jeep mới lao vút đi thoát nạn! Sau này được biết đám giang hồ Chợ Lớn trên là môn sinh võ đường Kinh Kha, mục đích cướp kim khánh là nhằm "rửa hận" cho sư phu”.

GIẢI MÃ TUYỆT KỸ HỔ TRẢO


Đề cập đến võ thuật, quyền sư Trần Hữu Hoàng say sưa luận bàn thao thao bất tuyệt. Vị chưởng môn 72 tuổi này luôn hừng hực bầu nhiệt huyết, niềm đam mê quyền cước, binh khí đến khôn cùng. Với ông "võ là đạo sống, là con đường tôi đi mãi suốt cuộc đời, dù không mang lại cho tôi tiền tài, danh vọng".

Quyền sư Trần Hữu Hoàng (hàng ngồi thứ 5 từ trái sang) tại SVĐ Phan Đình Phùng năm 1987

Ông tâm niệm: "Học võ là cứu người nhưng học võ cũng là giết người. Nếu không lấy chữ Tâm, chứ Đức làm gốc thì người có võ rất dễ nhúng tay vào tội ác. Học trò đi tìm thầy dạy võ thì dễ chứ võ sư muốn tìm học trò tâm huyết nhằm chân truyền các tuyệt kỹ võ công thật chẳng dễ chút nào. Võ thuật chỉ là một phương tiện, một bàn đạp và là công cụ để đưa võ sinh đến cứu cánh cuối cùng là Võ Đạo!".

Môn phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo phản ánh đậm nét hành vi loài cọp. Môn sinh luyện tập phải cảm và nghĩ mình là... một con cọp hoang xuống núi, đôi mắt phải thể hiện được thần và uy lực qua nhãn quan giận dữ, hủy diệt như khi chúa sơn lâm nhìn mồi.

Người tập công phu Hổ trảo trước tiên phải luyện sống lưng đạt độ dẻo để có thể tung ra những đòn đầy uy lực. Cọp là con vật mau lẹ, tinh khôn, sức cọp là một ngoại lực cương mãnh, vì thế đòn tấn công của môn phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo cũng mạnh bạo, áp sát đối phương, triệt hạ bằng đòn chỏ, gối, xỉa, đâm, chụp (ngũ trảo) với bàn tay được luyện cứng như thép.

Kỹ thuật căn bản của môn phái là Hổ trảo (mười ngón tay quặp lại cong vòng như vuốt cọp), đòn tấn công thẳng, ngắn để kéo, bẻ, xé hoặc vồ, mục tiêu của Hổ trảo nhắm vào vùng mặt, cổ, cánh tay, cổ tay, ngực, nhắm vào các yếu huyệt (hạ bộ, chấn thủy, yết hầu, thái dương, đan điền...).

Môn phái còn có lối tấn công bằng chưởng, chỉ (song chỉ) qua các độc chiêu "Mãnh hổ hồi đầu", "Ngạ hổ khiên dương", "Hổ vĩ cước", "Hắc hổ xuất sơn"... đặc biệt bộ "Liên Hoàn Châu" - tuyệt kỹ của võ phái kết hợp cùng lúc 12 đường chỏ liên hoàn cực kỳ lợi hại trong cận chiến nhắm vào các yếu huyệt đối phương.

Do đòn thế môn phái mang tính sát thương cao, kẻ dính đòn nặng thì tử vong, nhẹ thì bại liệt hoặc á khẩu, vì thế chưởng môn Trần Hữu Hoàng luôn cẩn trọng khi thu nhận đệ tử, ông luôn chọn người tính tình ôn hòa, điềm đạm, xem cốt cách tướng mạo người xin học có phải là người hiền lành hay không, các tuyệt kỹ "Hổ trảo" chỉ được truyền cho một số ít cao đồ có đạo đức, trung thành và không hiếu sát.

Ngoài việc dạy võ, dạy ngoại ngữ, viết báo, khám chữa bệnh, vị truyền nhân đời thứ ba võ phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo Trần Hữu Hoàng còn là huấn luyện viên kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng võ thuật thuộc M.C Corporation, giảng viên Trường Cao đẳng Điện ảnh - Sân khấu TP, chủ nhiệm CLB Cascadeur TP.HCM. Ông từng chỉ đạo võ thuật cho các diễn viên điện ảnh Lê Tuấn Anh, Diễm Hương, NSƯT Ngọc Hiệp, Lý Hùng, Việt Trinh, Công Hậu qua các bộ phim hành động như: Vết thù năm tháng, Tây Sơn hiệp khách, Ngọc Trản thần công, Hẹn gặp ở Sài Gòn, Người Mỹ trầm lặng, Thanh gươm để lại, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La...

Tròn nửa thế kỷ ra đời, đến nay võ phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo đã đào tạo 18 võ sư, 160 huấn luyện viên (cấp 16) và hơn 8.000 võ sinh trong và ngoài nước. Nổi bật có võ sĩ Nguyễn Thanh Long (vô địch võ tự do toàn miền Nam năm 1965 hạng 60kg), võ sĩ Lê Hải Bắc (vô địch võ tự do toàn miền Nam năm 1966 hạng 97kg) cùng nhiều võ sư tên tuổi khác. Hắc Hổ - Thiết Quyền cũng tung hoành trên thế giới với các môn đồ như diễn viên Quốc Cường, Sa Bảo, Nguyễn Xuân Đường (tại Nga), Jean Louis D Aviau de Piolant và Ludovic hiện huấn luyện trên 3.000 võ sinh tại Paris và Bordeux (Pháp), Ngô Quang Thành (Lào), John Phan (Mỹ)... Hiện nay, tại TP.HCM có bốn điểm truyền bá võ phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo, thu hút hàng trăm thanh thiếu niên tham gia tập luyện: chùa Triêm Phước và một điểm tại P.16 Q.Gò Vấp, Nhà Văn hóa và Liên đoàn Lao động P.Tân Thới Hiệp, Q.12.

Du Yên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục