Những bước chạy bằng đôi chân sợi carbon

09:17 Thứ năm 09/08/2012

Lần đầu tham dự Olympic với những VĐV bình thường, Oscar Pistorius không vào được vòng chung kết nội dung chạy 400m. Nhưng, VĐV người Nam Phi có đôi chân tháo lắp bằng sợi carbon này vẫn để lại ấn tượng mạnh về nghị lực và tinh thần lạc quan của anh.

Trong số 24 VĐV tham dự vòng đua bán kết chạy 400m, Pistorius là người có thành tích thấp nhất (46”45), chậm hơn 2 giây so với Kirani James – VĐV 19 tuổi người Grenada chiến thắng ở chung kết diễn ra sau đó một ngày.

Ai cũng thấy, Pistorius xuất phát rất chậm, chậm nhất ở vòng bán kết. Nguyên nhân sâu xa là do đôi chân nhân tạo, cũng như Pistorius không có dây chằng ở cổ chân như các VĐV bình thường. Điều này khiến anh không có sức đẩy khi rời bục xuất phát. Pistorius cho biết: “Sự chậm chạp trong 30m đầu tiên là khuyết điểm lớn nhất của tôi. Vì vậy, để có thể cạnh tranh với các VĐV khác, tôi cần phải xuất phát nhanh hơn”.

Pistorius biết rõ khuyết điểm khi xuất phát của mình (ảnh: internet)

Chính khuyết điểm này đã chứng minh Pistorius có lý trong cuộc tranh cãi khiến anh không thể thi đấu với các VĐV bình thường sớm hơn, vào năm 2007. Lúc đó, một số nhà khoa học, sau khi thực hiện các thử nghiệm và quan sát Pistorius chạy, kết luận rằng anh có ưu thế hơn các VĐV bình thường nhờ đôi chân bằng sợi carbon. Vin vào nhận xét này, Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) không cho anh thi đấu với những VĐV bình thường ở các giải chính thức, kể cả Olympic.

Không chấp nhận lập luận này, Pistorius khiếu nại sự việc với Tòa án thể thao quốc tế (CAS). Tháng 5/2008, CAS quyết định rằng Pistorius không có ưu thế nào so với các VĐV khác và anh có quyền thi đấu như một VĐV bình thường. Thắng kiện, nhưng lúc đó thành tích của Pistorius không đạt chuẩn tham dự Olympic 2008.

Đến năm 2011, anh mới được thi đấu tại giải điền kinh thế giới. Ở đó, anh cũng dừng lại ở vòng bán kết của nội dung 400m. Tuy nhiên, ở nội dung 4x400m tình hình tốt đẹp hơn. Anh đã góp phần giúp đội Nam Phi đoạt HCB.

Pistorius ở bán kết nội dung chạy 400m (ảnh: internet)

Năm nay, Pistorius trở thành VĐV khuyết tật đầu tiên tham dự Olympic và tranh tài cùng với những VĐV lành mạnh. Tấm gương phấn đấu vượt qua số phận của Pistorius khiến các đấu thủ khác vô cùng thán phục. Sau khi kết thúc vòng bán kết 400m, Kirani James đã đến bên cạnh Pistorius, đề nghị anh đổi số áo để làm kỷ niệm. Họ bắt tay và ôm chầm lấy nhau. James bộc bạch: “Pistorius là tấm gương cho tất cả chúng ta. Những gì anh làm đòi hỏi rất nhiều can đảm và sự tự tin. Anh là một nhân vật rất đặc biệt của điền kinh, và là một nhân cách lớn”.

Pistorius và tân vô địch Kirani James "tay bắt, mặt mừng" (ảnh: internet)

Thất bại ở nội dung 400m không làm Pistorius nản chí. Anh bắt đầu nghĩ đến Olympic 2016 tại Rio de Janeiro. Anh nói: “Vào năm 2016, có thể tôi sẽ đạt được phong độ đỉnh cao hơn. Tôi mong chờ thời điểm đó nhiều hơn bất kỳ điều gì khác”.

Để bù đắp khuyết điểm trong xuất phát, Pistorius cần chạy nhanh hơn nữa sau 30m đầu tiên. Anh sẽ phải luyện tập chuyên cần hơn, đồng thời áp dụng chế độ ăn kiêng để giảm bớt trọng lượng và tăng cường khả năng duy trì tốc độ cao trên quãng đường dài. Pistorius tin rằng sang năm 2012, anh có thể chạy 400m dưới 45”.

Nhưng đó là chuyện tương lai. Ở Olympic London, anh vẫn còn hy vọng được dự cuộc đua tiếp sức 4x400m, sẽ diễn ra vào ngày mai (9/8). Kế đến, anh sẽ cố gắng bảo vệ danh hiệu vô địch ở 100m, 200m và 400m ở Parlympics.

Thực tế, đối với Pistorius, vào đến vòng bán kết ở Olympic là đã đạt được mục tiêu anh đặt ra từ đầu. Hơn nữa, được thi đấu với những VĐV có đôi chân khỏe mạnh bình thường tại Olympic đáng được xem là một thành tựu trong cuộc đời của Pistorius.

Diên Khánh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục