Học viện khu ổ chuột Rocinha

10:02 Chủ nhật 08/06/2014

Trên hè phố khu ổ chuột Rocinha, hai cậu nhỏ Cauã và Rangel nói với tôi: “Lớn lên em sẽ làm cầu thủ”.

Học viện Bóng đá Rocinha là một nhà thi đấu cũ kỹ - Ảnh: Đỗ Hùng

Lúc bấy giờ là buổi sáng và cả Cauã lẫn Rangel đều đi kiếm chỗ và kiếm bạn chơi bóng. Hai cậu mang giày rất bảnh và bộ dạng cũng giống cầu thủ chuyên nghiệp lắm. Nhưng lúc này lũ trẻ sống quanh khu nhà máy nước Cadae đang tập trung trong nhà thi đấu của Học viện Bóng đá Rocinha nên hai cậu không kiếm được tụ, chỉ loanh quanh trên hè phố. Buổi tối, Cauã và Rangel sẽ trở lại đây để chơi bóng cùng những cư dân nhỏ tuổi khu ổ chuột.

Cuộc đấu dưới ánh đèn vàng

Mới chập tối, những đứa trẻ từ khắp hang cùng ngõ hẻm trong khu ổ chuột kéo tới khoảng sân nhỏ bên hông Bệnh viện CMS Albert Sabin; đứa chân trần, đứa dép lê, đứa có giày đá bóng, đứa mặc áo, đứa ở trần. Chúng ở nhiều độ tuổi khác nhau, có bé mới năm, sáu tuổi; em khác đã tới tuổi trung học. Tất cả không phân biệt lớn nhỏ, ốm mập, gái trai, cùng lao vào sân chơi.

Tác giả cùng Cauã và Rangel bên hè phố Rocinha

Cuộc chơi khởi động một cách tự nhiên, ban đầu là một hai đứa trẻ tung hứng, sau có thêm nhiều đứa nhập cuộc giành nhau những trái bóng đủ cỡ, đá loạn xạ cả lên nhưng kỹ thuật rê dắt thì rất điêu luyện. Một trận cầu sôi động, hào hứng diễn ra dưới ánh đèn vàng trên khoảng sân hẹp và kéo dài dường như bất tận. Đứa này mệt ra nghỉ, đứa khác vào.

Cauã và Rangel mà tôi gặp ban sáng cũng có mặt. Hai cậu chơi với tất cả niềm đam mê và khát khao một ngày nào đó được rời khu ổ chuột để chơi trên những đấu trường lớn. Không khí hào hứng và cởi mở đến mức tôi cũng chạy vào sân. Cuộc chơi kéo dài đến 22 giờ thì một số người lớn tới gọi trẻ con về. Đứa nào cũng nhễ nhại mồ hôi nhưng vô cùng thích thú.

Trở về trên hè phố Rocinha, tôi hỏi Cauã và Rangel về bóng đá và ước mơ của hai cậu. Cauã nói lớn lên sẽ làm cầu thủ chuyên nghiệp. Rangel thì bảo cậu muốn tới học bóng đá tại đội Flamengo và lớn lên khoác áo đội bóng này. Tôi hỏi: “Thế khoác áo đội tuyển Brazil thì sao?”. Hai cậu cười lớn và cùng giơ ngón tay trỏ lên.

Bóng đá hè phố và bóng đá bãi biển là một phần quan trọng tạo nên văn hóa bóng đá, tạo nên nền bóng đá hùng mạnh của xứ sở samba. Nhiều danh thủ Brazil xuất phát từ những trận cầu hè phố, như Garricha từng chạy toe hết cả bàn chân trên hè phố ở Magé, Rio de Janeiro. Cafu cũng có một tuổi thơ dữ dội trong khu ổ chuột Jardim Irene ở Sao Paulo; Romario cũng thế, thời nhỏ rất cơ cực. Những trận đấu trên hè phố, trong những khoảng sân chật hẹp và đầy bụi bặm đã bồi đắp kỹ năng để từ đó đưa những đứa trẻ khu ổ chuột bay tới đỉnh cao. Chuyện cổ tích cứ thế hình thành, với chất liệu trước tiên và quan trọng nhất là niềm đam mê bóng đá vô điều kiện.

Các nữ cầu thủ của một đội futsal hỗn hợp ăn mừng sau khi ghi bàn thắng

Học viện bóng đá khu ổ chuột

Nhưng bóng đá đường phố chỉ là một phần câu chuyện về bóng đá ở khu ổ chuột. Rocinha có những nơi khác để trẻ con chơi bóng một cách bài bản, dưới sự hướng dẫn của giáo viên có trình độ.

Nhiều em chơi bóng tự do trên hè phố và lớp học là nơi cung cấp cho em các ý niệm cơ bản về kỷ luật và kỹ thuật bóng đá. Tôi không dạy các em nhiều về chiến thuật. Hầu hết các em đều ở độ tuổi 9, 10; tôi muốn cho các em tự phát huy tố chất sẵn có

HLV André
Với sự tài trợ của một số tổ chức, ba trung tâm bóng đá đã được dựng lên quanh Rocinha. Trung tâm thứ nhất khá lớn, nằm ở điểm tiếp giáp giữa khu ổ chuột và khu Sao Conrado giàu có. Cách đấy không xa, đi sâu vào khu ổ chuột, có một sân cỏ nhân tạo nhỏ, dành cho lứa tuổi nhi đồng. Và trên đỉnh dốc Estrada da Gavea là nhà thi đấu mang tên Học viện Bóng đá Rocinha.

Tôi đã có một buổi sáng ở Học viện Bóng đá Rocinha cùng thầy trò André. Học viện là một nhà thi đấu nền xi măng, mái tôn cũ kỹ. Huấn luyện viên André rất cởi mở, bắt đầu buổi tập, ông gọi tất cả học trò lại và dặn dò nho nhỏ. Thế rồi hơn 20 đứa trẻ chạy lên khán đài vây lấy tôi hét lớn thay cho lời chào khách. Sau đó thì buổi tập bắt đầu. Ông khởi động cho học trò không chỉ là chuyện làm nóng cơ bắp, mà còn những trò đố vui nho nhỏ. Ông đố bọn trẻ những chữ viết tắt trên tường nghĩa là gì. Sau các màn khởi động, khi đã cảm thấy thoải mái và sẵn sàng, lũ trẻ chia thành hai đội thi đấu. Ông thầy André không hướng dẫn gì, giao cả phần làm trọng tài cho một học sinh lớn. Thỉnh thoảng ông chỉ nhắc một vài người điểm này, điểm kia.

Những đứa trẻ ở đây có trang phục chỉnh tề, chơi bóng bài bản hơn lũ trẻ đá bóng đường phố hôm trước. Huấn luyện viên André cho biết từ các lớp học như thế này, những cầu thủ giỏi có thể được vào các học viện bóng đá thực sự của các đội bóng địa phương, như Vasco da Gama, Botafogo, Fluminense, Flamengo và America. “Nhiều em chơi bóng tự do trên hè phố và lớp học là nơi cung cấp cho em các ý niệm cơ bản về kỷ luật và kỹ thuật bóng đá. Tôi không dạy các em nhiều về chiến thuật. Hầu hết các em đều ở độ tuổi 9, 10; tôi muốn cho các em tự phát huy tố chất sẵn có”, ông nói. Đây có lẽ chính là điểm cốt yếu làm nên vẻ đẹp của nền bóng đá Brazil. Các cầu thủ chơi bóng đầy tự do, ngẫu hứng từ nhỏ và chỉ đến sau 12 tuổi mới bắt đầu học về chiến thuật, vì thế chất ngẫu hứng luôn hiện diện trong mỗi một tài năng Brazil khi đã ở đỉnh cao.

Tôi đã hỏi những đứa trẻ khu ổ chuột tại sao chọn bóng đá. Wallace đáp: “Bởi vì thích”. Đó cũng là câu trả lời của Igor, Everaldo, Pedro Lucas, những học trò sôi nổi của huấn luyện viên André. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng nó giải thích cho tất cả những đam mê và nhiệt tình mà lũ trẻ dành cho trái bóng, cho những trận cầu trên hè phố đầy bụi hoặc trong các sân tập ít nhiều khang trang. Ngay từ nhỏ, lũ trẻ đã tự do sống với đam mê. Dần dà, niềm đam mê đó thấm vào máu, trở thành một nét đặc trưng của người Brazil. Và niềm đam mê đó đã tạo nên một nền bóng đá lẫy lừng.
Đỗ Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục