Hồ sơ bóng đá: Tấm vé World Cup đáng giá bao nhiêu?

14:57 Thứ tư 20/11/2013

Về mặt thể thao, giá trị của một vé tham dự VCK World Cup là không cần bàn cãi. Tuy nhiên trên phương diện kinh tế thì việc góp mặt tại World Cup lại không mang đến nhiều ích lợi, ít nhất là đối với những đội bóng đang khổ chiến ở loạt play-off khu vực châu Âu.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Có phải là gói kích cầu?

Các giải bóng đá cấp CLB đang có quãng thời gian tạm nghỉ để nhường chỗ cho loạt trận tranh vé vớt VCK World Cup 2014. Trừ Uruguay và Mexico, những đội đã thắng lớn trong trận lượt đi và có tới 99,99% khả năng góp mặt tại Brazil mùa hè sang năm, phải đến rạng sáng nay thì chúng ta mới biết được danh sách 4 đại diện châu Âu tham dự ngày hội bóng đá thế giới ở Nam Mỹ. Và sự háo hức về kết quả loạt play-off đang lên tới cực điểm: nó có thể góp phần phân thắng bại cho cuộc đua Quả bóng vàng 2013 khi Ribery, Ronaldo, Ibrahimovic cùng thi đấu, có thể quyết định chiếc ghế vốn đang lung lay của nhiều HLV, có thể đưa một số ĐT đến với World Cup lần đầu tiên sau gần 20 năm (Croatia, Romania) hoặc thậm chí là lần đầu tiên trong lịch sử (Iceland). Chắc chắn là người dân nhiều nước sẽ đổ ra đường ăn mừng một khi đội nhà giành thắng lợi và tầm ảnh hưởng về mặt văn hóa – xã hội của các trận play-offs là không cần phải bàn cãi, nhưng có một câu hỏi đáng chú ý khác: tác động về mặt kinh tế của nó tới đâu? Liệu tấm vé tham dự VCK World Cup có mang lại hiệu ứng tương tự như một gói kích cầu mini, góp phần cải thiện GDP của một quốc gia lên đôi chút, hay nó sẽ chỉ như một hòn đá ném vào mặt nước phẳng lặng, gây ra chút ít xáo động nhưng rồi mọi thứ lại nhanh chóng trở về vị trí cũ?

Không nhiều ích lợi

Để giải đáp thắc mắc nêu trên, chúng ta có thể sử dụng một phương pháp đơn giản: so sánh GDP của cùng một quốc gia trong năm họ tham dự VCK với năm họ không giành được vé đến World Cup. Và câu trả lời có thể khiến bạn ngạc nhiên: về cơ bản thì World Cup chẳng mang lại ích lợi gì nhiều cho nền kinh tế của một quốc gia, thậm chí nó còn có thể làm giảm tổng giá trị sản phẩm quốc nội. Lấy ví dụ như Thụy Điển, đội bóng đã lọt vào VCK World Cup 2006 tại Đức nhưng không giành được vé đến VCK World Cup 2010 ở Nam Phi. Năm 2006, khi kinh tế thế giới còn đang tăng trưởng thịnh vượng và chưa vướng vào cơn bão khủng hoảng tài chính 2008, GDP của Thụy Điển cũng chỉ đạt khoảng 3,28 nghìn tỷ SEK (đơn vị tiền tệ nước này, tương đương khoảng 450 tỷ USD). Đến năm 2010, khi kinh tế toàn cầu đang chìm trong tâm bão khủng hoảng và rất nhiều nước phát triển thậm chí còn tăng trưởng âm thì GDP Thụy Điển lại tăng lên 3,41 nghìn tỷ SEK.

World Cup đang dần trở thành thương hiệu kinh doanh hơn là giải bóng đá lớn nhất hành tinh

Croatia, một ĐT khác góp mặt trong vòng đấu play-off khu vực châu Âu, cũng chứng kiến hiện tượng tương tự. Năm 2006, khi Zlatko Kranjcar và các học trò giành quyền tham dự VCK World Cup, tổng giá trị sản phẩm quốc nội của đất nước vùng Balkan này chỉ đạt 39,73 tỷ euro. Vào năm 2010, GDP của Croatia đã tăng lên 44,42 tỷ euro bất chấp khủng hoảng kinh tế và sự vắng mặt của ĐTQG tại Nam Phi. Chưa hết, GDP của Ukraine cũng đã tăng gần 20% sau bốn năm, từ mức 84,16 tỷ euro trong năm 2006 lên 102,89 tỷ vào năm 2010.

Nói cách khác, sự hiện diện của Andriy Shevchenko, Luka Modric hay Zlatan Ibrahimovic tại các kỳ World Cup hầu như chẳng mang lại ích lợi gì cho nền kinh tế của đất nước họ, ít nhất là trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Điều này nghe có vẻ khá phi lý, bởi chúng ta thường mặc định rằng các cư dân của một quốc gia sẽ trở nên hưng phấn hơn và chi tiêu nhiều tiền hơn cho các chương trình mua sắm/giải trí mỗi khi ĐTQG nước nhà đạt được một thành công lớn, mà cụ thể ở đây là việc giành vé tham dự World Cup? Chẳng phải tại Anh thì doanh số của các quán bar, siêu thị….đã tăng tới hơn 400 triệu bảng chỉ trong một kỳ World Cup 2006 hay sao?

Nghịch lý World Cup

Tuy nhiên nếu phân tích kỹ thì kết luận tưởng như thiếu logic ở trên thực ra lại vô cùng hợp lý. Căn cứ vào dữ liệu lượt xem truyền hình của công ty Futures & Sport Entertainment (có trụ sở tại London, Anh) thì người Croatia cực kỳ đam mê thể thao nói chung và bóng đá nói riêng: mỗi khi diễn ra một sự kiện bóng đá lớn, tỷ lệ theo dõi ở Croatia sẽ đạt tối thiểu 12,4%, kể cả những trận đấu buồn tẻ như Tunisia gặp Saudi Arabia ở World Cup 2010 (nên nhớ, con số này ở Anh chỉ là 7, Italia là 7,8 và Đức là 8,6% mà thôi).Cũng có nghĩa là nền kinh tế Croatia không quá nhạy cảm với World Cup, bởi dù đội nhà có tham dự hay không thì người dân vẫn sẽ bật TV lên xem, ra quán bar mua đồ uống và đến siêu thị mua đồ ăn. Để dễ hình dung thì chúng ta có thể tưởng tượng ra tình hình ở Việt Nam: dù ĐT Việt Nam chưa bao giờ và có lẽ cũng còn rất lâu mới góp mặt, rất đông tín đồ túc cầu giáo ở xứ ta vẫn ngày đêm “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” mỗi mùa World Cup. Lời giải thích tương tự cũng đúng với Thụy Điển (8,6%, đứng thứ 10 trong danh sách những quốc gia chăm xem bóng đá nhất) hay Ukraine.

Đăng cai tổ chức ngày hội thể thao danh giá này chưa chắc đã mang về lợi nhuân như mong muốn

Thậm chí vào năm diễn ra World Cup thì một số quốc gia – đặc biệt là những nước nằm gần nơi đăng cai giải đấu - còn có thể phải hứng chịu thiệt hại kinh tế. Thay vì đến các công sở làm việc hoặc đơn giản là ở trong nước chi tiêu mua sắm, sẽ có hàng chục nghìn hoặc thậm chí hàng trăm nghìn CĐV vượt biên giới để theo chân cổ vũ đội nhà. Số tiền mà những CĐV này chi ra tất nhiên sẽ được tính vào tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ… của nước chủ nhà chứ không phải quốc gia quê hương họ. Ví dụ: nếu một NHM Thụy Điển lên đường sang Đức xem World Cup thì những khoản chi phí thuê khách sạn, ăn uống, di chuyển… của anh ta sẽ được tính vào GDP của Đức. Xem ra chỉ FIFA là chắc chắn có lợi, bởi cứ mỗi kỳ World Cup thì tổ chức này lại đều đặn đút túi khoản tiền lãi lên tới 2-3 tỷ USD…

Ngay cả những nước chủ nhà cũng thường xuyên phải chịu thiệt hại kinh tế vì World Cup. Kinh tế Nam Phi thậm chí đã tăng trưởng âm trong hai quý diễn ra VCK World Cup 2010 và khoản đầu tư 3,5 tỷ USD của họ xem ra không mang lại lợi ích như mong muốn. Nhật Bản cùng với Hàn Quốc cũng phải chịu lỗ từ 2-6 triệu USD/năm cho mỗi sân vận động được xây mới để phục vụ World Cup 2002. Các sân bóng này hầu như không bao giờ được lấp đầy kể từ khi World Cup kết thúc nhưng chúng vẫn đòi hỏi một số tiền không nhỏ để vận hành và bảo dưỡng. Trong một công trình nghiên cứu được xuất bản vào năm 2011, các tác giả Rasmus Kristiansen và Meta Brodsted (ĐH Aarhus, Đan Mạch) cũng đã chứng minh rằng đăng cai World Cup sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế trong dài hạn.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục