Giải quần vợt Australia mở rộng 2014: “Sao” bỏ cuộc vì sao?

08:54 Chủ nhật 26/01/2014

Cách đây vài năm, các tổ chức quần vợt nhà nghề quốc tế đã quyết định rút ngắn mùa thi đấu để giảm chấn thương và giúp các tay vợt hàng đầu giữ phong độ tốt hơn. Mặc dù vậy, giải Australia mở rộng năm nay vẫn một lần nữa chứng kiến hàng loạt đối thủ bỏ cuộc, trong khi các bác sĩ - chuyên gia thể lực ở Melbourne Park liên tục làm việc quá tải.

Chỉ riêng vòng đầu đã có 9 tay vợt (8 nam, một nữ) bỏ cuộc và đó là kỷ lục đối với một kỳ Grand Slam. Tay vợt Palona Hercog rút lui ngay sau game đầu tiên, rõ ràng là đã bị chấn thương từ trước. Tay vợt nổi tiếng một thời Stepanek bị chấn thương vào đầu trận đấu và không thể tiếp tục. Tương tự, ứng viên hàng đầu Serena Williams bị Ana Ivanovic loại sớm một phần vì đau lưng. Sau khi loại được Serena, đóa hoa Serbia này cũng phải dừng bước ở tứ kết do đau hông trái.

Điều đáng nói: hệ thống thi đấu WTA Tour (nữ) mỗi năm đều kết thúc vào cuối tháng 10. Tương tự, ATP Tour (nam) năm nào cũng hoàn tất bằng giải đấu lớn ATP World Tour Finals vào đầu tháng 11. Tức là mỗi năm đều có 7 - 9 tuần cho các tay vợt nhàn nhã luyện kỹ thuật, nghỉ ngơi và phục hồi sức lực trước khi bước vào kỳ Grand Slam đầu năm kế tiếp. Nhưng nếu đã được nghỉ nhiều như vậy mà vẫn chấn thương, câu hỏi đặt ra là phải chăng... chính kỳ nghỉ đó là thủ phạm gây ra tình trạng bỏ cuộc quá nhiều ở Melbourne Park?

Bị đau hông trái, Ivanovic đã thất thủ trước Eugenie Buchard ở vòng tứ kết.

Một số tay vợt không hề nghỉ mà còn tranh thủ tập nặng trong kỳ nghỉ của mình. Như Andy Murray chẳng hạn, anh hay sang tập ở Miami. Tuy nhiên, Murray lại cho rằng có đủ thứ lý do dẫn tới những ca chấn thương hàng loạt ở Melbourne chứ không riêng gì chuyện tập ít hay tập nhiều. Sau khi trở thành khán giả do thua Federer ở tứ kết, Murray cho biết: “Có sự khác biệt lớn giữa một tay vợt bị trẹo cổ chân và một tay vợt chấn thương cơ bắp. Trẹo cổ chân là xui, nhưng bị cơ bắp thì là do tập quá nhiều hoặc cũng có thể do... tập chưa đủ. Ngoài ra, nếu bạn đã tập và thi đấu suốt một thời gian dài trong cái lạnh của châu Âu, bắp thịt của bạn sẽ mệt rất nhanh trong cái nóng ở Melbourne. Và một khi cơ bắp mỏi mệt thì nó sẽ gây áp lực lên mọi bộ phận còn lại của cơ thể”.

Trong khi đó, HLV Patrick Mouratoglou của Serena cho rằng chấn thương nhiều như hiện nay là do đấu thật khác với tập. Mouratoglou nói: “Bạn có thể hỏi mọi tay vợt và đều nhận được một câu trả lời như nhau. Họ có thể tập 4 giờ đồng hồ một ngày trong 2 tháng nhưng vẫn bị đau ngay trong trận đấu đầu tiên, bởi vì tập và đấu thật là 2 hoàn cảnh hoàn toàn khác. Cho dù họ dốc cả 100% sức lực trên sân tập thì cũng không giống như đấu thật. Trong sự khác biệt này, tính căng thẳng chiếm vai trò chủ đạo. Do những tình huống quá căng thẳng, nhiều khi họ cố đánh quả bóng ở những tư thế quá khó và thế là chấn thương”.

Nhận định này được Murray đồng tình. Anh tiếp lời: “Chúng tôi luôn cố gắng hết sức trên sân tập nhưng khi thi đấu sẽ còn cố nhiều hơn. Chính vì vài phần trăm cố gắng thêm ấy, dù bạn đã tập bao nhiêu thì bạn vẫn có thể thức dậy với cơn đau khủng khiếp sau trận đấu đầu tiên của mình”.

Để kết luận, Mouratoglou nói: “Có cả trăm nguyên do gây ra chấn thương. Điều chỉnh kỹ thuật thi đấu: có thể chấn thương. Luyện thêm thể lực, cũng chấn thương... Do vậy, tất cả là do bạn: phải tranh thủ rèn luyện thêm trong kỳ nghỉ cuối năm của mình nhưng đồng thời cũng phải biết làm điều đó một cách từ tốn và khôn khéo để hồi phục đầy đủ”.

Khuê Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục