Đội tuyển Việt Nam và nỗi ám ảnh Bukit Jalil

16:16 Thứ hai 01/12/2014

4 năm trước, đội tuyển Việt Nam cũng là chủ nhà của 1 bảng đấu, cũng giành quyền vào bán kết với ngôi đầu bảng và lợi thế được đá trận lượt về trên sân nhà. Tuy nhiên, thất bại 0-2 ở Bukit Jalil đã khiến mọi hy vọng ở trận lượt về tại Mỹ Đình tan vỡ. 4 năm sau, Công Vinh và các đồng đội trở lại Bukit Jalil với kịch bản gần như tương tự và nỗi ám ảnh của 4 năm trước vẫn còn nguyên vẹn.

Khuất phục trước ánh đèn laser

Nhiều người vẫn viện lý do duy nhất khiến thầy trò HLV Calisto thất bại năm 2010 là tại những ánh đèn laser trên khán đài sân Bukit Jalil đã khiến các cầu thủ Việt Nam ở dưới sân bị ảnh hưởng mà điển hình là bàn thua của thủ môn Tấn Trường khi để vuột bóng từ một quả tạt gần như “vô hại” của đối phương. Tuy nhiên, qua thời gian người ta mới nhận ra rằng không chỉ trên đất Malaysia, mà rất nhiều lần khác nữa, thủ môn Tấn Trường cũng thường xuyên mắc phải những lỗi hớ hênh như thế. Trước đó 1 năm cũng chính Tấn Trường gục ngã phút cuối trước người Mã, và sau đó người ta có thể đếm được cả tá lần thủ môn này để thua những bàn vô duyên.

Niềm vui của Công Vinh và đội tuyển Việt Nam khi ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 trận gặp Indonesia. Ảnh Dư Hải

Nói cách khác, cái thua của Đội tuyển Việt Nam trước người Mã năm 2010 chính là cái thua của bản lĩnh từng cá nhân trong thời khắc quyết định, những sai lầm, những sai số xuất hiện trong thời điểm quan trọng đã giết chết cả một hệ thống chiến thuật. Mà nguyên nhân dẫn đến điều ấy chính là đội tuyển chưa thể có được sự sẵn sàng miễn nhiễm với các yếu tố ngoại cảnh và dễ dàng bị khuất phục.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura cũng mang lại cho người hậm mộ cảm giác chưa thực sự ổn bởi chính những sai số ấy. Hai bàn thua của Đội tuyển Việt Nam đều từ những lỗi cá nhân hết sức sơ đẳng. Trong 1 trận hoàn toàn lấn lướt đối thủ, chúng ta chỉ vì những sai số ấy mà bị gỡ hòa thì cuộc chiến trên đất Bukit Jalil với người Mã, nếu như sai số xuất hiện thì sự trả giá là rất lớn.

Đi sau về trước

AFF Cup 2010, Malaysia đã bắt đầu giải đấu thật tệ hại, họ chỉ có thể kiếm được trận hòa không bàn thắng trước Thái Lan và để thua tan nát 1-5 trước Indonesia. Việc vào bán kết mang yếu tố thật may mắn với người Mã sau chiến thắng duy nhất trước ĐT Lào, bởi Thái Lan năm ấy đột nhiên chơi kém và để thua Indonesia. Tuy nhiên, kể từ khi bước vào bán kết, Malaysia đã thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác, họ đá bại ứng viên số một Việt Nam ở bán kết và “đòi nợ” thành công Indonesia ở trận chung kết để lần đầu tiên lên ngôi.

Năm nay, kịch bản ấy dường như đang lặp lại. Malaysia đã thi đấu 2 trận đầu tiên không tốt và chỉ giành được 1 điểm. Đội bóng này cũng vào bán kết đầy may mắn bởi bàn thắng gây tranh cãi ở phút 90 trong trận gặp Singapore. Nhưng điều quan trọng, người Mã đã hoàn thành mục tiêu của mình.

Ở AFF Cup, lịch thi đấu kéo dài trong vòng 1 tháng, trong đó quãng nghỉ giữa vòng bảng và bán kết tới 1 tuần. Vì thế, đây là thời gian để các HLV có những điều chỉnh về phong độ và thể lực cho các cầu thủ. Những đội bóng, có phong độ cao ở vòng bảng thường bị hụt hơi khi bước vào bán kết do quãng nghỉ giữa chừng. Trong khi những đội bóng có xu hướng tiến bộ qua từng trận sẽ hứa hẹn màn “lột da” ở bán kết.

Chức vô địch của Việt Nam năm 2008 cũng theo kịch bản “đi sau về trước” như vậy.

Thế nên, trong lần đối đầu trở lại với Malaysia, khi mà nỗi ám ảnh Bukit Jalil 4 năm trước vẫn còn hiện diện, thì người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn trông chờ vào những sự thay đổi trong bộ mặt của đội tuyển, nhất là chúng ta hiện nay chưa phải là một đội tuyển hoàn hảo.
Lê Thương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục