Đi tìm “Idol” ở V-League

20:09 Thứ bảy 14/04/2012

Nửa đoạn đường V-League 2012 chỉ còn một vòng là kết thúc với không ít tín hiệu lạc quan về chất lượng chuyên môn hay sự trở lại của khán giả. Có điều, giải đấu thuộc loại tốn kém nhất Đông Nam Á vẫn quá khó tìm được một “Idol” mới, khi hàng loạt cá nhân từng là ngôi sao trên sân cỏ nội lại không tỏa sáng, còn sao ngoại vẫn chừng đó cái tên.

Vẫn chỉ là thiên đường kiếm tiền

Thời gian gần đây, báo chí thể thao châu Phi liên tục nhắc đến V-League với những từ ngữ hết sức ngạc nhiên. Không chỉ vì việc một chân sút vô danh như Samson Kyole từ V-League bất ngờ được ông lớn Atletico Madrid (Tây Ban Nha) quan tâm rồi chút nữa ký hợp đồng. Những tài năng mới nổi như Timothy, Akindele, Sunday... cũng gắn kết ở mảnh đất hình chữ S, thay vì sang lục địa già tìm kiếm danh vọng.

Trong con mắt giới thể thao lục địa đen, V-League đã là thiên đường về tiền bạc lẫn chuyên môn đối với các ngoại binh, khiến nhiều cầu thủ sẵn sàng từ bỏ giấc mơ châu Âu để sang đây chinh chiến. Thế nên, chẳng ngạc nhiên không ít tờ báo cử phóng viên theo sát để tìm hiểu V-League và viết bài về giải vô địch của chúng ta.

Ngoài sự tự hào khi V-League đã bắt đầu gây được thanh thế, không ai phủ nhận rằng V-League thực sự “thiên đường” trong con mắt các ngoại binh. Ví dụ điển hình là Merlo Gaston - Vua phá lưới 3 năm liên tiếp - đang hưởng mức lương lên đến 300 triệu/tháng. Từ một cầu thủ vô danh, chân sút người Argentina nổ súng đều đặn và SHB Đà Nẵng buộc phải trả cho Merlo 5 tỷ đồng/năm, bởi xét về hiệu quả và mặt bằng chuyển nhượng hiện nay, nhiều CLB sẵn sàng bung số tiền đó để sở hữu “sát thủ” số 1 V-League.

Đó là con số mà có nằm mơ Merlo hay không ít ngoại binh khác, nếu cố gắng bám trụ ở châu Âu hay quê nhà, cố gắng cả đời đôi khi cũng không được. Nói như những nhà chuyên gia lão làng, ngoại binh chỉ cần có thể lực và biết đá bóng một chút, thì cần sang V-League cũng đủ sức kiếm tiền dễ dàng. V-League không lạ khi có những ngoại binh từng là công nhân hái cà phê, hay đá phủi ở quê hương họ.

Trong nỗi nhớ Lee Nguyễn

Sau 12 vòng đấu đầu tiên, Merlo Gaston vẫn chiếm nhiều ưu thế nhất trong cuộc đua đến “Chiếc giày vàng”. Phong độ ghi bàn đáng nể xuất phát từ lối chơi ổn định của chân sút này, cũng như việc các cầu thủ SHB.Đà Nẵng luôn tập trung chuyền bóng để tiền đạo mang áo số 27 dứt điểm thành bàn.

Cuộc đua đến danh hiệu Vua phá lưới mùa này vẫn chưa xuất hiện những nhân tố mới. Timothy Ajembe (CLB bóng đá Hà Nội), Felix Ajala (Tập đoàn cao su Đồng Tháp), Huỳnh Kesley (Sài Gòn FC)... đều là những tên tuổi đã quá quen thuộc ở V-League. Hai cầu thủ được xem là nhân tố mới như Justice Majabvi (K.Khánh Hòa) hay Hughton Hector (Sông Lam Nghệ An) lại xuất phát từ hàng tiền vệ, nên khả năng phá vỡ thế độc tôn các chân sút cũ không cao. Bản thân họ cũng chưa được chứng minh là cầu thủ có “sao số”.

Gaston Merlo, chân sút nổi bật nhất V-League trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Quốc Khánh

Ngay Leandro cũng chỉ bật lên ở góc độ “ông trời con” quấy phá trong lòng đội nhà. Nếu “King” Leandro chơi nhạt nhòa và bị B.Bình Dương thanh lý sớm từ đầu mùa, CLB bóng đá Hà Nội vẫn chưa có cách nào xử lý Timothy vào lúc này. Đó là cái họa tiềm tàng với đội bóng bầu Kiên trong giai đoạn nước rút cuối mùa, khi tầm ảnh hưởng của Timothy vẫn không nhỏ lên thành tích CLB bóng đá Hà Nội.

Samson sau khi ký hợp đồng hụt với ông lớn ở La Liga (Tây Ban Nha), được kỳ vọng sẽ chói sáng ở đội bóng có chất như Hà Nội T&T, nhưng lại thể hiện gương mặt nhạt nhòa, dù các cầu thủ Hà Nội T&T cũng chuyền bóng để Samson dứt điểm rất nhiều.

Số sao ngoại quanh quẩn vẫn thế. Có chăng, họ chỉ từ đội này sang CLB khác theo tiếng gọi của đồng tiền. Khi một đoàn quân quá nhiều cầu thủ cá tính, thị tài, thì việc nội bộ đội bóng loạn là chuyện dễ hiểu. Tân binh Sài Gòn FC sau màn mua sắm sao rầm rộ cũng để lộ những vấn đề bất cập trong việc kết nối đội hình, đảm bảo sự ổn định sau hậu trường. Bay bổng sau 8 vòng đấu, đội bóng bầu Thụy có dấu hiệu “đổ đèo” với 3 trận thua liên tiếp. Với một đội bóng y như dàn tạp kỹ, chưa biết Huỳnh Kesley còn nổ súng đều đặn, hay lại rơi vào cảnh sa sút như một số đồng nghiệp khác.

Nếu xét giá trị tiền bạc, V-League có thể là số 1 Đông Nam Á, nhưng môi trường để ngoại binh phát triển chưa phải là số 1. Dù chỉ nhận tổng mức lương 60.000 USD/năm từ tay ban tổ chức giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS), tiền vệ tưởng chừng hết thời Lee Nguyễn lại chơi ấn tượng trong màu áo New England Revolutions.

Rũ bỏ hình ảnh thất vọng trong 2 năm đá tại V-League, cựu thần đồng gốc Việt lấy lại lối chơi hào hoa và quyến rũ của mình. Việc Lee Nguyễn cùng đội bóng bang Massatchsetts đả bại Los Angelex Galaxy, với những tên tuổi như David Beckham, Landon Donovan, Robby Keane... giúp cầu thủ này thắp sáng giấc mơ trở lại tuyển Mỹ.

Nhiều người hâm mộ từ quê nhà thầm tiếc vì V-League đã bỏ phí một tài năng đủ sức lay động khán giả như Lee Nguyễn.

Sao nội - khi mờ khi tỏ

Ngoại binh đã thế, nội binh cũng có quá ít những nhân tố mới. Ba cầu thủ tỏa sáng nhất lúc này là Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Tăng Tuấn và Lê Quốc Phương, đều chơi tiền vệ công. Trong màu áo Hà Nội T&T, Văn Quyết thường dâng cao và tận dụng khoảng trống do Gonzalo - Samson để lại. Sáu bàn thắng được ghi, Quyết “rừng” đang là nội binh ghi bàn nhiều nhất mùa này, trong đó không ít bàn thắng tối quan trọng. Còn Tăng Tuấn chứng minh bản hợp đồng giá 8 tỷ B.Bình Dương đổ ra cho mình không phải quá mức. Sau 12 vòng đấu, cựu tiền đạo Hoàng Anh Gia Lai đã có 5 bàn.

Trường hợp của Lê Quốc Phương (Thanh Hóa) có lẽ là hiện tượng thú vị nhất, khi anh này chỉ mới “2 tuổi” đá tại V-League. Với cái chân trái khá “dị”, tiền vệ người Thanh Hóa đang tỏa sáng dưới bàn tay nhào nặn huấn luyện viên Triệu Quang Hà. Chỉ được sử dụng khá ít ở mùa này, thế mà Quốc Phương luôn biết cách bùng nổ mỗi khi vào sân, đặc biệt cú ra chân nhanh như điện trong chiến thắng 4-0 của Thanh Hóa trước Tập đoàn cao su Đồng Tháp vừa qua.

Đó là 3 phát hiện quá ít ỏi, trong khi số tiền đạo nội được kỳ vọng đang gặp quá nhiều vấn đề. Vua phá lưới nội - Công Vinh liên tiếp gặp chấn thương, nên khả năng ghi bàn vẫn chưa thực sự bùng nổ. Tuyển thủ Việt Thắng mờ nhạt ở B.BD, nên việc có bàn thắng đầu tiên cho Thanh Hóa chưa thể khẳng định bản năng đã được đánh thức. Tương tự là Đình Tùng, đang có khởi đầu hết sức khó khăn trong màu áo V.Hải Phòng.

Không ít trụ cột đội tuyển như Trọng Hoàng, Thành Lương, Văn Thắng... cũng thể hiện phong độ bình thường, chưa tạo ra sức bật đúng như tên tuổi của chính mình. Khán giả hẳn còn nhớ hình ảnh tiền vệ khá nổi U23 - Mai Tiến Thành sau bàn thắng mở tỷ số trận Vissai Ninh Bình thắng Sài Gòn FC, đã vén áo viết sẵn “Mai Tiến Thành trở lại”, cũng thể hiện tâm trạng chung của nhiều ngôi sao đang khát khao phát tiết trở lại.

Bởi lúc này, sự bùng nổ trên mới chỉ là phong độ nhất thời, chứ chưa phải hiệu suất ghi bàn ổn định hay dấu ấn đẳng cấp. Các nhân tố trẻ cũng chưa thực sự nổi trội tạo được niềm tin để có biểu tượng tiêu biểu tại V-League mùa này.

Giả sử ngay thời điểm này, các huấn luyện viên tập trung hai đội tuyển cho chiến dịch cực kỳ quan trọng, hẳn họ vẫn chưa thoát ra được bài toán khó - tìm được những đội hình ưng ý một cách dễ dàng.

Tóm lại, 12 vòng đấu đã qua, các CLB V-League vẫn giữ nguyên thói quen tung tiền mua sắm ngôi sao, chứ không chịu chăm lo xây dựng tuyến trẻ, tìm thêm những nhân tố mới. Thành thử ra, người hâm mộ hay giới chuyên môn muốn tìm “Idol” đích thực ở V-League cũng khó như lên trời hái sao vậy.

Bóng đá ta đang khủng hoảng thần tượng, có lẽ cơn khát thần tượng sẽ còn kéo dài khi nhìn xuống hệ thống đào tạo trẻ CLB nào cũng có vấn đề, chúng ta chưa phát hiện ra thần đồng, điều mà thời chưa chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam sản sinh không ít.
Mộc Miên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục