Bóng đá Việt Nam và những bài học trong tam tự kinh

20:12 Thứ tư 10/09/2014

(TinTheThao.com.vn) - Trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam luôn có những câu chuyện buồn. Không phải cho đến lúc này đạo đức cầu thủ mới được nói nhiều đến như vậy. Và câu chuyện về việc dạy nghề không dạy đức bỗng trở nên nhức nhói và xót xa cho những ai luôn yêu mến nền bóng đá nước nhà.

Tam Tự Kinh là sách dạy trẻ con của người xưa. Đó là kết tinh của nhiều đời, qua nhiều thế hệ và sự thăng trầm của thời cuộc. Và từ ngàn xưa, ông cha ta đã hiểu rằng muốn dạy một con người phải bắt đầu từ khi là một đứa trẻ.

Nhân chi sơ, tính bổn thiện (Người thuở đầu, tánh vốn lành). Mỗi con người khi sinh ra, xuất phát điểm đều như nhau cả và tâm tính vốn hiền lành, không toan tính, không vụ lợi và không biết làm điều sai trái. Nhưng khi lớn lên, va chạm với cuộc đời, đối diện cùng danh lợi chính là lúc con người biến chất. Bóng đá Việt Nam ngày trước từng rất được lòng người hâm mộ với hình ảnh những chú bé đá bóng, khi vô tình đá quả banh bay lên khán đài trúng vào khán giả thì cúi đầu sinh lỗi.

Thế hệ của Văn Quyến cũng từng là tấm gương đẹp về niềm say mê chơi bóng, khát khao cống hiến. Nhưng đó là những tháng ngày tuổi thơ mà thôi. Khi mà mỗi trận đấu sinh ra tiền, rất nhiều tiền thì những con người ấy cũng bị kéo vào con đường sai trái. Ngọc bất trác, bất thành khí (Ngọc chẳng đẽo, chẳng nên đồ) cho nên một cầu thủ dù tài năng đến đâu, nếu không có sự dạy dỗ, không có sự tiếp thu đúng đắn thì cũng không trở thành viên ngọc sáng, trở thành người có ích cho xã hội.

Nhưng trách nhiệm là do đâu? Do các cầu thủ thiếu bản lĩnh hay vì yếu tố bên ngoài tác động hay đó là một sự tất yếu khi mà việc “tiên học lễ, hậu hậu văn” chưa được chú tâm đúng mức. Dưỡng bất giáo, phụ chi quá (Nuôi chẳng dạy, lỗi của cha ), giáo bất nghiêm, sư chi đọa (dạy chẳng nghiêm, quấy của thầy) thế mới thấy sự trưởng thành của một đứa trẻ sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bời người đi trước mà tiêu biểu là thầy và cha.

Trở lại câu chuyện của đội U19 Việt Nam khi mà những đứa em, đứa cháu ấy đang gánh trên vai một sứ mệnh rất lớn khi tuổi đời chưa qua tuổi đôi mươi đó là kéo khán giả về lại với bóng đá Việt Nam và nâng tầm bóng đá nước nhà. Vế sau dù quan trọng nhưng không cấp thiết, việc đầu tiên mới là quan trọng nhất. Sau một loạt chuyện đau lòng của Quốc Vượng, Văn Quyến tới vết nhơ của CLB Ninh Bình, Đồng Nai…người hâm mộ dần đánh mất niềm tin vào các cầu thủ chúng ta.

Cái buồn ở đây không phải vì con em mình không vô địch SEA GAMES hay Đông Nam Á mà chỉ đau lòng khi các cầu thủ lại liên tiếp bán đứng lương tâm, màu cờ sắc áo cho tham vọng bạc tiền. Giờ đây, người ta đang tìm thấy lại niềm hứng khởi mang tên U19 Việt Nam. Dù rằng các em chưa có thành tích nào đáng kể nhưng không quan trọng, bởi chỉ cần các em chơi hết mình, nhiệt huyết, hay và fair-play là CĐV đã thoả lòng rồi. Nhưng để U19 có thể duy trì sự ảnh hưởng của mình thì không phải là điều dễ dàng gì.

Có không ít người cho rằng sở dĩ bây giờ U19 vẫn “dễ thương” như vậy bởi họ chưa tiếp xúc với cuộc sống sa hoa của một ngôi sao nổi tiếng. Khi có được mức sống giàu sang thì họ lại đi theo con đường của bao lớp đàn anh trước. Cho nên việc giáo dục U19 là việc hết sức quan trọng, trong đó vai trò của ông Đoàn Nguyên Đức là đáng kể nhất. Gần đây ông có phát biểu rằng việc U19 đá hết sức là việc phải làm vì họ đang đại diện cho dân tộc, là một cầu thủ phải chơi vì khán giả cho nên không cần phải đưa ra những mức thưởng nóng để kích thích tinh thần cầu thủ. Đây là điều hết sức đúng đắn để ngăn ngừa việc các tuyển thủ chỉ chơi bóng đá vì lương thưởng mà thôi.

Chẳng kỳ vọng một U19 có thể thay đổi bộ mặt của cả nền bóng đá Việt Nam nhưng qua sự thành công bước đầu của lứa cầu thủ trẻ này nhắc nhở những ai làm bóng đá rất nhiều điều. Khán giả Việt Nam không quá coi trọng thành tích mà chỉ muốn xem thái độ của các cầu thủ mà thôi. Nhưng để cho cầu thủ có được thái độ đúng đắn khi chơi bóng thì cần phải dạy, dạy ngay từ khi họ là những đứa trẻ.

Hoàng Thông | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục