Nhìn từ “Bộ quy tắc ứng xử dành cho cầu thủ” của LĐBĐ Anh

14:05 Thứ sáu 12/10/2012

Bóng đá Anh đã ban hành những điều luật để giữ gìn hình ảnh bóng đá xứ sở sương mù. Một bộ luật được xem là muộn nhưng chắc chắn trong tương lai nó sẽ khiến các cầu thủ phải dè chừng trong những phát ngôn và hành động của mình.

Bộ luật ra đời và rất nhanh nhận được sự đồng tình của tất cả HLV trưởng các đội bóng. Và cũng rất nhanh, nó dự kiến chính thức thực thi ngay trong tháng 11 sắp tới.

Cách ra đời bộ luật và thực thi mau mắn của người Anh khiến chúng ta không khỏi không liên tưởng đến 2 cuộc hội họp vừa qua của bóng đá VN. Họp nhiều nhưng không giải quyết được bao nhiêu.

Ý kiến đưa ra thì gần như năm nào cũng vậy, còn giải quyết thì cứ phải đợi tới hội nghị sau, sau nữa. Việc VFF và các CLB nhanh nhảu thông qua quy định trói buộc cầu thủ đến 25 tuổi mới được chuyển nhượng, thay vì 23 tuổi như trước đây, đã vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận.

Cựu tuyển thủ Huy Hoàng lái xe trên đường trong tình trạng mất kiểm soát nhưng không bị VFF hay CLB xử lý nghiêm khắc. Ảnh: ĐG

Các báo những ngày qua đã phân tích rõ rằng quy định này hoàn toàn trái với Luật Lao động Việt Nam và đi ngược lại với xu thế thế giới. Quyết định khiến cầu thủ thiệt thòi lớn đó chắc chắn sẽ là đề tài đàm tiếu trong một thời gian dài nữa.

Bóng đá Việt Nam nhanh nhảu cho ra đời một điều luật không giống ai, “vô tình” lại tạo một cơn sóng dữ trong dư luận. Con sóng này đè lên cả những vấn đề nổi cộm vẫn chưa đâu vào đâu như “một ông chủ 2 đội bóng”, các ông bầu “vừa đá bóng vừa thổi còi”…. Những hội nghị tới đây hứa hẹn sẽ còn những màn rối rắm đạt đến độ cao trào hơn nữa.

VFF đã rất lo xa cho các CLB với việc thông qua cái điều luật oái ăm 25 tuổi mới được chuyển nhượng nói trên, nhưng dường như lại quên lo… gần về những điều đang diễn ra trước mắt.

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh trình độ bóng đá Việt Nam với bóng đá Anh, nên cũng chẳng ai nêu vấn đề tại sao LĐBĐ Anh đã ban hành bộ ứng xử như thế mà chúng ta thì chưa. Nhưng đã là luật thì cả thế giới đều có thể dùng chung, kể cả với lĩnh vực bóng đá, mà rõ nhất là các văn bản pháp quy của VFF hiện tại đều được xây dựng hoặc dịch nguyên văn từ Quy chế và Điều lệ của FIFA cũng như AFC.

Mà thói hư tật xấu của cầu thủ Việt thì có thể không bằng chị bằng em với các đồng nghiệp ở nước Anh nhưng chắc chắn cũng chẳng chịu kém ai. 11 mùa giải chuyên nghiệp đã qua nhưng cái định nghĩa “nghiệp dư hưởng lương cao” mà nguyên GĐĐH CLB HA.GL Nguyễn Văn Vinh nói về bóng đá Việt Nam vẫn luôn mới.

Nếu ai chịu khó điểm lại các “sự cố” mà cầu thủ Việt Nam gây ra trong 11 năm qua mà viết thành sách thì chắc chắn không ít kỳ thú. Trong sân họ có thể dùng “ngón tay thối” với đồng nghiệp và CĐV. Ngoài sân, những thứ tiêu khiến như quán bar, chất gây nghiện… là không thể thiếu với một bộ phận cầu thủ. Chuyện một số tuyển thủ thoái thác nghĩa vụ quốc gia vì chuyện gia đình hay những lý do phong phú khác như… bận bán đất hay mất hộ chiếu đã có thể sắp thành một đội hình…

Đạo đức cầu thủ xuống cấp là một vấn nạn đã được báo động từ lâu nhưng hướng giải quyết thì có vẻ chạy theo không kịp. Những chuyện làm sục sôi dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh của cả nền bóng đá như thế chỉ được nhắc đến một cách qua loa để rồi đâu lại hoàn đấy.

Cho đến giờ, người ta nhớ loáng thoáng rằng bóng đá Việt Nam đã có một ban Đạo đức. Dù đã tồn tại và thực hiện nhiệm vụ trong những vụ tư vấn kỷ luật cầu thủ nhưng kỳ lạ là ban này vẫn chưa có điều lệ hoạt động.

Ban Đạo đức cũng lo ngại không biết làm sao để vẫn hoạt động mà độc lập được với VFF và VPF. Theo kế hoạch, ban Đạo đức sẽ chính thức ra mắt trong Hội nghị tổng kết mùa giải mới vừa kết thúc. Nhưng có lẽ, vì các ông bầu “đại chiến” dữ quá nên người ta cũng quên luôn cả chuyện chính thức trình làng ban Đạo đức, và cũng không biết bao giờ những nhà điều hành bóng đá Việt Nam mới “nhớ” tới việc này.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đúng là khác các nước nhiều quá.

Việt Hà | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục