Giải đấu... ăn kiêng

09:57 Thứ tư 12/02/2014

V-League 2014 đã trôi qua được 4 vòng đấu, nơi bộ mặt thật của các đội bóng đã phần nào được hiển lộ. Sẽ không quá khó để nhận ra xu hướng chủ đạo sẽ vẫn là tâm lý an phận thủ thường: trụ hạng là được, tiết kiệm tối đa tiền là vui.

“Trụ hạng thôi em ơi!”, đấy là câu trả lời chung, thường kèm theo nụ cười bất đắc dĩ nhưng không hẳn ngại ngần nhiều của lãnh đạo các đội bóng khi được hỏi về chỉ tiêu mùa bóng 2014. Đấy là điều rất khác so với văn hóa phát ngôn vài năm trước.

Ngay cả 'đại gia' như Hà Nội T&T cũng phải thắt lưng buộc bụng ở mùa giải 2014 - Ảnh: Minh Tú

Cái thuở đấy, thời V-League vẫn là cái lò thiêu tiền khổng lồ lúc nào cũng hừng hực lửa, tuyên bố trụ hạng là hành động đáng… xấu hổ. Trụ hạng, nó chỉ đến từ những đội bóng như H.Huế, vốn lãnh đạo không hẳn máu lửa và quá nghèo để có thể đặt chỉ tiêu khác.

V-League năm 2014, nếu nhìn ngược về độ dăm ba năm trước cứ như đến từ thế giới khác. Khi ấy, tiền được đổ ào ạt để mua người, mua đối thủ, mua trọng tài và cả danh hiệu mà không phải tốn nhiều thời gian để bận tâm. Thậm chí không cần thiết phải bận tâm. Giống như cơn sốt đất, khi các đại gia ào ạt nhảy vào cả nền bóng đá sôi sùng sục và tiền là thứ dễ kiếm, dễ thấy và dễ nghe kể nhất.

Nhưng đã qua rồi cái thời bóng đá là cuộc đọ sức giữa các tay đấm hạng nặng, trong giải đấu vẫn được ví von là “tiền đấu tiền”. V-League 2014 là giải đấu của những người đang ăn kiêng, với chính sách thắt lưng buộc bụng đưa hẳn vào quy chế cũng chẳng làm ai buồn phản ứng.

Chưa có kiểm kê chính thức nhưng rất có thể bầu Kiên (Nguyễn Chí Kiên) của CLB TP.HCM đôi năm trước là người phát súng lệnh đầu tiên khi phát hẳn một cẩm nang tiết kiệm và xài tiền sao cho ít phải chi nhất cho đội bóng. Để rồi mùa bóng này, việc HV.An Giang vì muốn tiết kiệm tiền khách sạn buộc đội bóng vốn đang mệt nhoài sau trận đấu cực khổ phải di chuyển hành quân để bay về nhà ngay trong đêm, cũng được coi là bình thường.

Thời buổi hiện tại không phải lãnh đạo tỉnh hay ông bầu nào cũng vui khi có đại diện dự V-League (T.Quảng Ninh là ví dụ điển hình). Trong không ít trường hợp, đấy là gánh nặng và phần cực nhọc trong việc tìm tiền đã quá lớn, đến mức nhanh chóng nuốt chửng niềm vui ít ỏi mà bóng đá đem lại.

Bóng đá Việt hiện tại, đầu tư mạnh cho bóng đá chẳng khác nào hành động tự sát. Việc Xuân Thành, Khatoco và mới nhất Vicem rút lui là ví dụ. Thiết nghĩ K.Kiên Giang mùa bóng trước cũng là ví dụ, khi địa phương quá mệt mỏi với việc phải luôn căng đầu đối phó gánh nặng tài chính khủng khiếp của bóng đá.

Sự đối phó với bóng đá chẳng còn bị che giấu nữa. Thay vào đấy nó được phát biểu nhẹ nhàng và nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Chẳng phải ai cũng giàu và dám chi như bầu Hiển. Mà chưa chắc ông Hiển lúc nào cũng vui khi được gọi là đại gia như thế, nhất là khi ông thuộc diện người đã hứa thì phải giữ lời. Hà Nội T&T và SHB.Đà Nẵng của ông cũng đang phải ăn kiêng đấy thôi.

Ở V-League lúc này, để có thể nói câu “tiền không phải nghĩ”, hẳn chỉ có B.Bình Dương. “Chelsea VN” chưa bao giờ thiếu tiền và ngại xài tiền. Còn lại, kể cả đặt chỉ tiêu cao như SLNA, Thanh Hóa và các đội bóng của bầu Hiển đều phải thay đổi hoàn toàn thói quen, tính toán chi li từng đồng tiền một.

V-League lúc này, đến ngày nhận đủ lương và một ít thưởng là mừng lắm rồi.
Tiểu Bảo | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục