U19 Việt Nam loại Văn Khánh: Sáng và tối

14:42 Chủ nhật 19/01/2014

Chuyện loại một cầu thủ trẻ khỏi chuyến tập huấn châu Âu không phải là loại khỏi đời sống bóng đá mà là thể hiện một cách giáo dục.

Đặc biệt là Việt Nam đang chống chọi với bóng đá bạo lực để hướng lứa cầu thủ trẻ sang cách ứng xử chuyên nghiệp và fair play trên sân. Nên xem đấy như là một học sinh chưa ngoan bị chép phạt hay bị bắt quỳ gối để nhận ra lỗi của mình hơn là thêu dệt và suy diễn quanh câu chuyện loại Văn Khánh vì đấy là cầu thủ của lò Sông Lam.

Có thể Khánh không có cơ hội đi tập huấn châu Âu nhưng khi ở nhà nghiền ngẫm với nỗi đau từ cú vào bóng làm gãy chân đối thủ, biết đâu Khánh lại trưởng thành hơn và lại có mặt trong thành phần tham dự vòng chung kết U-19 châu Á.

Hãy xem quyết định của ban huấn luyện là quyết định đối với một thành viên của đội U-19 chứ đừng gán ghép là bầu Đức tác động vì ông ghét lò Nghệ An. Nên nhớ khi lập đội bóng HA Gia Lai, điều đầu tiên bầu Đức làm là mời cả ban huấn luyện SL Nghệ An cùng đội bóng này lên Pleiku thi đấu và học hỏi SL Nghệ An cách làm bóng đá.

* * *

Chỉ 30 cổ động viên (CĐV) đến chung vui đã làm sôi động hẳn buổi Gala lễ trao giải Fair Play 2013. Họ không phải những CĐV thường thấy của một số đội đến sân hò hét để nhận áo, nhận phần ăn và nhận… tiền bồi dưỡng. Họ là những người tự hào bỏ tiền túi ra mua chiếc vé vào trong sân để cổ vũ chứ không chờ ông này, ông nọ hay hội nào thuê để đổi lấy sự hào nhoáng ở một góc khán đài. Họ đơn giản đến sân chỉ vì tình yêu bóng đá và điều họ mong muốn là bóng đá nước nhà phải đẹp và phải sạch thì đi đâu họ cũng đi, cổ vũ cực mấy họ cũng hết mình, hết lòng.

Gặp tôi tại buổi Gala trao giải Fair Play, nhân vật chủ xị Trần Hữu Nghĩa thông báo tin vui là rất nhiều CLB liên lạc nhờ anh cùng nhóm CĐV chuyên nghiệp của TP.HCM đến các địa phương dạy và tổ chức giùm cho các hội CĐV của nhiều đội bóng. Lãnh đạo các CLB còn nói rằng khi các cầu thủ thấy CĐV cổ vũ hết mình và chuyên nghiệp như thế thì không lý do gì họ lại quay lưng lại với người hâm mộ. Thậm chí là cầu thủ sẽ học tính chuyên nghiệp của CĐV và thi đấu có trách nhiệm hơn.

* * *

Những ngày qua, trên nhiều phương tiện truyền thông đã “bắn” ông Trưởng đoàn bóng đá nữ Việt Nam Phan Anh Tú rất nhiều. “Bắn” vì cho rằng ông Tú không đáng được hưởng tiền như cầu thủ đổ mồ hôi và cả đổ máu.

Điều đáng đề cập hơn lại thấy rất ít người nói đến là “bầu đoàn thê tử” ngoài ban huấn luyện đi theo đội bóng đá nữ gồm tám thành viên và có nhiều người chỉ ghép tên vào cho đủ tụ chứ không đi để làm việc. Và tất nhiên họ cũng được chia phần.

Ở đây phần khuất tất là ở việc lắp ghép người vào đội tuyển chứ không phải ở chỗ ông trưởng đoàn phải gánh nhiều trách nhiệm.

Lại thấy buồn cho bóng đá nữ khi chẳng có gì thì rất vui vẻ đùm bọc lẫn nhau nhưng khi chia tiền thì lại có những người “đâm sau lưng chiến sĩ”. Và ở đây kẻ “đâm thọt” ông trưởng đoàn lại không phải là cầu thủ mà là những người được cài vào theo dạng “ăn theo”.

Không biết khi cầm những đồng tiền mà mình không đáng nhận đấy những người đi theo đội chỉ để ăn theo sẽ nghĩ gì?

Nguyễn Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục