Từ “ trận đấu thế kỷ” tới boxing Việt Nam: Cứ thế này thì bao giờ Việt Nam mới có võ sỹ như Pacquiao

09:54 Thứ tư 06/05/2015

Được khôi phục trở lại vào tháng 4/2002, boxing Việt Nam đến thời điểm này vẫn hoàn toàn mang tính nghiệp dư. Mãi 2 năm gần đây mới có một giải đấu có thể coi là chuyên nghiệp, với phần thưởng cho chức vô địch là 25 triệu đồng.

Không chỉ là nghèo

Qua 13 năm, boxing Việt Nam đã hồi sinh phần nào, cả về phong trào lẫn thành tích. Hiện tại, Việt Nam đã có 500 võ sĩ các lứa của 25 đơn vị trên cả nước tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp. Boxing cũng đã có cả HCV giải trẻ thế giới và SEA Games, huy chương ASIAD.Tuy nhiên, sự phát - triển thực chất vẫn đang cầm chừng và nửa vời, hoàn toàn mang tính nghiệp dư. Cái đích lớn nhất mà boxing đang hướng tới là việc tranh chấp thành tích, với nguồn kinh phí hạn hẹp do nhà nước bao cấp.

Chính từ cách nghĩ ấy nên ngành thể thao cùng bộ môn boxing đã bỏ phí lợi thế đặc biệt của môn này trong việc xã hội hóa, hay cụ thể hơn là khả năng kiếm tiền. Thậm chí, ngay các giải đấu tầm quốc gia, BTC cũng không quan tâm gì đến mảng quảng bá hay khán giả. Nó đã tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn, boxing Việt Nam luôn thiếu tiền song lại không đoái hoái gì đến việc kiếm tiền dù đây là môn thể thao rất có tiềm năng.

Đấu có tìền triệu đã "mừng rơi nước mắt"

Vòng luẩn quẩn của boxing Việt Nam không biết còn kéo dài đến bao giờ, nếu như không có sự chủ động nhập cuộc của một đối tác truyền thông từ 3 năm nay. Họ đã đứng ra tổ chức một giải đấu mang tên Let's Viet Cup theo hướng chuyên nghiệp hoá, dành cho các võ sĩ xuất sắc nhất nước, ở 10 hạng cân của nam và nữ.

Các võ sĩ Việt Nam chưa thể mơ kiếm được tiền nhờ các giải chuyên nghiệp. Ảnh: Internet

Giới chuyên môn cùng NHM rất ngỡ ngàng vì vào mỗi dịp cuối tuần được xem trực tiếp các trận đấu boxing sôi động, hấp dẫn trên truyền hình, kèm theo bình luận của các chuyên gia. Chính các võ sĩ tham gia thậm chí còn "sốc" bởi bên cạnh cơ hội cọ xát quý giá, họ được "lên hình" và đáng nói hơn là có tiền thưởng sau mỗi trận đấu. Ban đầu, dù chỉ nhận số tiền 1,6 đến 3,5 triệu đồng cho, mỗi lần thượng đài tùy theo kết quả thắng thua, một số võ sĩ đã "rơi nước mắt" vì mừng. Không chỉ bởi khoản tiền ít ỏi ấy là một sự bù đắp mà nó giúp họ thấy sự trân trọng, giá trị của nghề nghiệp cũng như môn thể thao đeo đuổi.

Riêng các trận chung kết với những người trong cuộc thực sự giống như một trận "đại chiến" ở một giải đấu quốc tế đỉnh cao mà ở đó họ thi đấu máu lửa và quyết liệt đến mức không ít VĐV chấn thương. Giải thưởng 25 triệu đồng cho nhà vô địch có thể quá "hẻo" với boxing chuyên nghiệp song với các võ sĩ Việt Nam lại rất giá trị. Đơn giản, ngôi vô địch quốc gia "hoành tráng" cũng chỉ mang lại cho họ mức thưởng 2-3 triệu đồng và có nơi còn không có.

Một giải đấu thường niên như thế là một mô hình rất đáng khích lệ. Thế nhưng đó cũng mới chỉ là giải đấu duy nhất, theo kiểu thử nghiệm và vừa đi vừa dò đường, khi boxing Việt Nam vẫn đang mò mẫm chưa tìm thấy hướng đi trên hành trình chuyên nghiệp hóa.

Đến một tổ chức xã hội nghề nghiệp là Liên đoàn boxing Việt Nam cũng chưa được thành lập thì câu chuyện chuyên nghiệp xem ra còn quá xa vời.

An ủi với chế độ 800 nghìn đồng/ngày

Như một nghịch lý khi so sánh, các võ sĩ boxing thuộc diện nghèo khó và thiệt thòi nhất trong làng thể thao Việt. Hiện tại, kể cả các tuyển thủ quốc gia hàng đầu cũng chỉ có khoản thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Họ tập luyện, thi đấu mà chỉ được nhận khoản tiền lương, chế độ phụ cấp khiêm tốn theo quy định chung. Người nào xuất sắc và may mắn thì có thêm một khoản thưởng thành tích, dù cũng rất ít ỏi vì đây là môn quá khó tranh chấp huy chương quốc tế. Có lẽ cả giới boxing Việt Nam chỉ có một chút an ủi chung là việc có 2 nữ võ sĩ Lừu Thị Duyên và Lê Thị Bằng được ưu tiên hưởng chế độ đầu tư đặc biệt 800 nghìn đồng/ngày.

Liên tục lập kỳ tích với tấm HCV SEA Games 2013, HCĐ ASIAD 2014 song võ sĩ hay nhất Việt Nam là Lừu Thị Duyên chỉ được khán giả cả nước biết đến rộng rãi nhờ trận chung kết ở giải đấu trong nước năm 2014. Cuộc đối đầu giữa Duyên với Hà Thị Linh - 2 nhà vô địch SEA Games xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như một cuộc "đại chiến" và được truyền hình trực tiếp.

Hà Thảo | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục