Thôi đành giã từ nhan sắc

22:42 Thứ bảy 21/02/2015

Theo nghiệp thể thao, những mặt trái khắc nghiệt của nghề khiến nam giới đôi lúc còn cảm thấy chùn bước, huống chi là phận liễu yếu đào tơ. Nhưng vượt lên trên tất cả khó khăn ấy, dấu ấn của bóng hồng trên sân cỏ đã làm nên bao điều kỳ tích. Và sự đánh đổi về thân phận con gái đôi khi còn vượt qua những sức chịu đựng thông thường…

Năm 2001, Lưu Ngọc Mai là nữ cầu thủ đầu tiên được nhận giải Quả bóng đồng Việt Nam cùng các đồng nghiệp nam (giải thưởng do Báo SGGP sáng lập và đầu năm nay đang triển khai lần thứ 20- PV). Mai khoác áo đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giai đoạn 1997-2003; là Vua phá lưới giải Vô địch quốc gia 1999- 2000- 2001- 2002; ghi nhiều bàn thắng nhất ở SEA Games 21 (7 bàn) và SEA Games 22 (5 bàn). Trong suốt quãng đời khoác áo tuyển nữ Việt Nam, Mai đã ghi hơn 30 bàn trong các giải Vô địch châu Á, SEA Games và tiền SEA Games.

Lưu Ngọc Mai ngày ấy và bây giờ. Ảnh: Dũng Phương - T.L.

Năm 1994, trong một lần đến chơi tại sân Tao Đàn, quận 1, Mai thấy đội bóng đá nữ đang chia phe đá tập, mà lại thiếu một người. Cô vận động viên đá cầu, bóng ném và bóng rổ này liền xin vô “chiến” luôn. Huấn luyện viên Trần Thanh Ngữ khi ấy nhận ngay ra tố chất đặc biệt của Mai: cách cô di chuyển nhanh nhẹn, dứt khoát, kỹ thuật lại nắm vững nên xin cho Mai về đầu quân đá tại đội bóng đá nữ quận 1.

Thời đó, Mai chạy show khắp nơi, vừa bóng rổ, lúc bóng ném, lại thêm bóng đá, nên lãnh đạo ngành thể thao quận 5 không đồng ý. Họ yêu cầu cô lựa chọn nơi duy nhất để đầu quân chính thức. Đứng trước “ngã 3 ngã 7” ấy, Mai đôi chút băn khoăn. Nhưng rồi cô quyết định nghiêng sang hẳn niềm đam mê môn thể thao vua của cánh mày râu.

Nhà Mai nghèo, rất đông anh em nên mọi người đều quần quật kiếm sống từ rất sớm. Chỉ riêng Mai mê thể thao, suốt ngày suốt đêm lê lết tập luyện ở các sân vận động. Ai nói sao mặc kệ, Mai quyết bảo vệ đam mê “quần đùi áo số” của mình. Mẹ của Mai trước khi giã từ cõi đời đã căn dặn cô con gái cố gắng theo đuổi ước mơ của mình, đừng dễ dàng buông xuôi nếu gặp những chuyện khó khăn trong cuộc sống.

Các buổi tập luyện không ngừng nghỉ, ngày nắng cũng như ngày mưa khiến làn da của Mai ngày càng sạm đen. Tóc cô cũng khô xơ theo sự khắc nghiệt của nghề. Nhan sắc tuổi trẻ, dù có sức sống mạnh mẽ thế nào, cũng bị hao mòn theo lịch luyện tập khắt khe ấy. Mai làm sao mà không biết. Nhưng cô chấp nhận tất cả, hy sinh để cống hiến cho nghề và cho đời.

Rất nhiều trận đấu quốc tế, Mai và đồng đội đã gặp các đối thủ to cao như nam giới. Nhưng khi nghe trưởng đoàn Tư Ngữ động viên: “Phải đá như đánh ghen thì mới ăn thua!”, tất cả đội tuyển nữ Việt Nam “bé hạt tiêu” lại cắn răng chiến đấu, chiến thắng.

Rời sân cỏ vào năm 2003, Mai theo nghiệp huấn luyện viên. Công việc suôn sẻ và trôi chảy, nhưng tình duyên lận đận. Không giữ được tình yêu đẹp ở lâu cạnh mình, Mai đành chọn sự cô đơn để dốc hết lòng, hết sức cho bóng đá. Ở bên Mai hiện nay là cô con gái nuôi Xuân Nghi. Những vui buồn của người đàn bà đã bước qua ngưỡng cửa 40 tuổi, hẳn chỉ có thể dàn trải trên trang nhật ký cá nhân. Đôi khi, một mình cũng không phải là sự lựa chọn quá tệ! Đối với Mai, bóng đá là tình nhân.

Và tuổi xuân và nhan sắc thì trôi qua nhanh chưa từng thấy, theo vòng xoáy của chế độ tập luyện và những khắt khe của quan niệm người đời.

Yên Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục