Thái Lan, Indonesia đã có huy chương

15:28 Thứ tư 01/08/2012

Trong lúc những niềm hy vọng của Việt Nam rơi rụng dần thì hai đoàn trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia đã có huy chương cử tạ

Pimsiri Sirikaew giúp Thái Lan giành HCB ở nội dung 58 kg nữ. Ảnh: Reuters

24 giờ sau khi lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn để vuột huy chương ở hạng cân 56 kg nam, chính bộ môn cử tạ đã giúp Thái Lan và Indonesia có tên trong bảng xếp hạng của Olympic 2012.

Tăng tiến thành tích

Thái Lan giành HCB nhờ công Pimsiri Sirikaew ở nội dung 58 kg nữ, hạng cân mà thể thao nước này có đến 2 cô gái đạt chuẩn dự Olympic (người còn lại là K. Galnoi xếp hạng 4). Xếp thứ nhì hạng cân này chỉ sau VĐV Trung Quốc tại Thế vận hội 2012 là sự tiến bộ đáng kể của Sirikaew khi ở Giải Vô địch thế giới năm ngoái, cô xếp hạng 3. Cô gái 22 tuổi đến từ tỉnh Khon Kaen này đã tạo sự bứt phá khi nâng mức tạ 4 kg ở lần cử đẩy cuối cùng dù 2 lần trước đó đều thất bại. Nhờ thế, Sirikaew qua mặt nữ VĐV người Ukraine giành HCB.

Indonesia chỉ giành HCĐ từ một gương mặt quen thuộc với cử tạ Việt Nam: Lực sĩ Eko Yuli Irawan, người xếp thứ 3 sau Hoàng Anh Tuấn ở hạng cân 56 kg tại Olympic 2008. Ở Thế vận hội London 2012, Irawan thi đấu hạng cân 62 kg và đây là quyết định khôn ngoan khi anh tiếp tục giành HCĐ. Không cải thiện được màu huy chương nhưng lực sĩ người Indonesia thể hiện sự tiến bộ khi đạt tổng mức tạ 317 kg, cao hơn 2 kg so với lúc anh giành ngôi á quân hạng cân 62 kg ở Giải Vô địch thế giới năm 2009.

Chiếc HCĐ của Irawan cũng thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng của cử tạ Indonesia khi chủ động đổi hạng cân vì nội dung 56 kg - có Trần Lê Quốc Toàn - hiện tại có quá nhiều “cao thủ”. Việc Toàn xếp hạng 4 phản ánh phần nào sự lựa chọn khôn ngoan của thể thao Indonesia.

Còn đầu tư dàn trải

Nhận định về diễn biến của đoàn Việt Nam tính đến ngày 31-7, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, cho rằng thể thao nước nhà cần xem lại chiến lược Olympic. Theo ông Minh, thể thao Việt Nam có rất nhiều kế hoạch, chiến lược đầu tư cho thể thao thành tích cao nhưng trọng tâm đều không hướng đến đấu trường Olympic mà chỉ quanh quẩn với những mục tiêu khu vực, châu lục.

Sau thất bại của VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn, ông Minh nhìn nhận: “Nếu không có đầu tư ngay từ bây giờ thì ở thế vận hội tiếp theo vào năm 2016 tại Brazil đừng nói đến chuyện HCV, kể cả giành HCĐ thôi cũng là rất khó khăn”. Cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại nhiều giải đấu cho rằng mục tiêu giành HCV Olympic là một mục tiêu lớn, không chỉ hô hào quyết tâm mà có thể thực hiện được. “Tôi nghĩ Quốc Toàn có thể làm nên chuyện ở Olympic 2016 nhưng ngay sau thất bại này, ngành thể thao phải nghĩ đến chuyện lên chương trình tập huấn, thuê thầy giỏi và đầu tư ráo riết cho Toàn” - ông Minh nói.

Theo ông Minh, người có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức và đề ra các chiến lược đầu tư cho những môn thể thao Olympic khi còn đương chức, nhiều kế hoạch của ngành thể thao hiện nay đặt ra chưa theo sát thực tế. Ông Minh lấy ví dụ về “quy hoạch 10 môn thể thao trọng điểm”. Đây là một kế hoạch tốt nhưng 2 năm rồi mà vẫn chưa triển khai được và chưa tạo đột biến. Ông Minh cũng cho rằng nếu xác định rõ 10 môn trọng điểm thì không nên để “20 môn ưu tiên nhóm 2”. Nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao này nhận xét: “Ngành thể thao hiện quá tham lam, ôm đồm. Trên thế giới chẳng có nền thể thao nào đầu tư dàn trải như vậy mà có thành công”.
Ngoài ra, thể thao Việt Nam vẫn đặt mục tiêu “tốp 3 khu vực Đông Nam Á và tốp 10 khu vực châu Á” cao hơn giành huy chương Olympic.

Mạnh Duy - Trần Toàn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục