Tạm bợ có hệ thống

09:57 Thứ tư 26/02/2014

Đội tuyển Việt Nam đã công bố danh sách triệu tập trở lại để chuẩn bị cho trận đấu gặp Hong Kong trên sân nhà trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2015. Huấn luyện viên cho đội tuyển, chẳng ai khác vẫn là ông Hoàng Văn Phúc và theo kế hoạch đây là trận đấu cuối cùng mà ông Phúc cầm quân ở đội tuyển.

Chưa bao giờ người ta thấy nền bóng đá Việt bỗng trở nên “xụi lơ” như thế này. Tất cả các quyết định, hành động đều gắn liền với chữ “chờ” hay chữ “tạm”. Ông Hoàng Văn Phúc, người sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thi đấu với Hong Kong vào ngày 15.3 này trên sân Mỹ Đình với tinh thần, sau trận đấu này VFF mới chịu cho ông từ chức.

Nhắc lại một chút, sau thất bại thảm hại của đội U23 Việt Nam tại SEA Games, ông Phúc cùng các cầu thủ trở về đã bị dư luận lẫn các chuyên gia bóng đá chỉ trích nặng nề. Ông Hoàng Văn Phúc đã xin từ chức nhưng lúc đó, quyền chủ tịch VFF là ông Lê Hùng Dũng đã không đồng ý cho ông Phúc từ chức với lý do: “Sẽ tạo ra tiền lệ xấu là cứ thua trận sẽ phải trảm tướng”. Lạ lùng hơn, VFF yêu cầu ông Phúc, muốn từ chức thì phải làm nốt trận đấu cuối cùng của VFF ở vòng loại Asian Cup 2015.

Đội tuyển Việt Nam được thành lập nhanh chóng để phục vụ cho trận đấu cuối cùng ở Asian Cup để bị loại, và cũng là cuối cùng của ông Hoàng Văn Phúc. Ảnh: Quang Minh

Nhưng, vì cái “nốt” này mà sự tạm bợ ở đội tuyển dường như càng rõ nét hơn. Việc ông Phúc chọn ai, chọn như thế nào dù mang tiếng là chuẩn bị cho giải đấu AFF Cup vào cuối năm nay, nhưng lại bị đánh giá là “không liên quan”. Vì sao ư? Vì nếu sau trận đấu này, ông Phúc được VFF đồng ý cho từ chức, đội tuyển sẽ có một huấn luyện viên mới và những cầu thủ mà ông Phúc chọn theo tiêu chí, con mắt chuyên môn của mình chắc gì đã hợp với vị tân huấn luyện viên. Việc này không có gì là lạ, ví dụ dưới thời ông A. Riedl cầu thủ Phan Thanh Bình là lựa chọn số một, nhưng dưới thời ông Calisto, Phan Thanh Bình hoàn toàn không được đánh giá cao.

Tóm lại, đội tuyển sắp xuất hiện ở trận đấu giao hữu với đội sinh viên Hàn Quốc và Hong Kong trong tháng 3 này, chỉ nên được coi là một đội tuyển tạm. Cái sự tạm bợ ấy có vẻ như đang được hoạt động có hệ thống chứ chẳng đùa. Chẳng phải người đứng đầu VFF, người ký quyết định thành lập đội tuyển cũng là một ông chủ tịch tạm đấy sao.

Cho đến cuối ngày hôm qua, phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung vẫn chưa thể trả lời được, chừng nào VFF mới có thể tổ chức đại hội khoá 7 vì chưa có chỉ đạo từ bộ Nội vụ. Gặng hỏi thêm lý do vì sao bộ Nội vụ chưa đồng ý cho tổ chức đại hội, ông Nguyễn Lân Trung chỉ trả lời giới truyền thông đầy “bí hiểm”: “Hiện mọi công tác chuẩn bị cho tổ chức đã hoàn tất nhưng chúng tôi vẫn phải chờ. Thời gian thế nào thì chưa thông báo cụ thể được”?!

Thật ra ai cũng hiểu, cũng như hồi ông Nguyễn Trọng Hỷ ứng cử chức danh chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng cũng đang ở thế một mình một ngựa về đích. Tuy nhiên, ở thời điểm ông Hỷ ứng cử, ông là Thứ trưởng của ngành thể thao, hồ sơ của ông nhanh chóng được hoàn tất chẳng chút mắc mứu gì. Trong khi đó, ông Lê Hùng Dũng lại khác, dù đang là tạm quyền làm chủ tịch VFF, dù đã về hưu hồi tháng 1.2014, nhưng ông Dũng vẫn phải được sự phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, có một điều tế nhị nhưng lại là sự thật rằng, dường như ông Dũng không được lòng những người có thẩm quyền ở bộ Văn hoá – thể thao – du lịch, nhất là khi ứng viên của họ, thứ trưởng Lê Khánh Hải đã rút lui. Việc chỉ có một ứng viên duy nhất đang được coi là “lý do đáng quan ngại”, khiến việc đồng ý cho phép tổ chức đại hội đang bị chậm lại.

Người đứng đầu một tổ chức gắn với chữ “quyền” to tướng đầy tạm bợ ra các quyết định thì đừng ngạc nhiên khi thấy, cấp dưới của ông, một huấn luyện viên trưởng cũng đang hoạt động ở chế độ chờ, rồi đội tuyển, bộ mặt của nền bóng đá cũng hình thành cho có. Cả một hệ thống tạm bợ thì đòi hỏi gì chuyện hay ho?!
Thảo Du | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục