Quần vợt nam nước Mỹ đang ở đâu?

14:18 Thứ hai 24/06/2013

Đã gần 10 năm và 38 giải Grand Slam đã qua, chưa một tay vợt nam người Mỹ nào trở thành vô địch. Quốc gia từng luôn có những tay vợt cạnh tranh cho danh hiệu vô địch, nơi đã sản sinh ra huyền thoại Pete Sampras, Andrea Agassi đã mất hút trên bản đồ quần vợt nam thế giới cả một thập kỷ.

Không ai trên thế giới và không một người Mỹ nào dám mơ về một ngày vinh quang cho những tay vợt nam tại Wimbledon lần này khi mà “Big Four” vẫn sừng sững ở đó. Pete Sampras là tay vợt nam người Mỹ cuối cùng giành chiến thắng ở London. Đó là lần thứ 7 anh đăng quang ngôi vô địch Wimbledon vào năm 2000. Sau đó, nước Mỹ đã phải trải qua những cơn đau chiến bại dai dẳng cùng Andy Roddick khi tay vợt điển trai này 3 lần lọt vào chung kết và đều thua cả 3 ở các năm 2004, 2005 và 2009. Những giọt nước mắt của Andy Roddick sau trận thư hùng 5 set đấu với Federer hồi năm 2009 đã trở thành hình ảnh đáng nhớ cuối cùng của quần vợt nam nước Mỹ cho đến bây giờ.

Nếu quần vợt nữ liên tiếp mang lại vinh quang cho người Mỹ với bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ của 2 chị em nhà Williams thì kể từ sau Roddick, họ chỉ còn sót lại một John Isner mà phong độ luôn thiếu ổn định và tài năng chỉ dừng ở mức “trung bình khá”. Thứ đáng chú ý nhất ở tay vợt 28 tuổi này là trận đấu kéo dài kỷ lục của anh với Nicolas Mahut (đánh trong 3 ngày, set thứ 5 kết thúc với tỷ số 70-68) tại sân đấu 18 Wimbledon 2010.

Nhưng những gì mà Isner từng làm được ở All England Club thì vẫn rất thảm hại. Anh chưa bao giờ vượt qua vòng 2 tại giải đấu này. Chẳng thế mà Inser đã từng thừa nhận rằng, anh thà giành chiến thắng một cách nhẹ nhàng còn hơn là mải miết với những trận đấu kéo dài hay kỷ lục gây choáng váng năm nào để rồi vẫn thất bại. Thành tích tốt nhất của Isner tại các giải Grand Slam là lọt vào vòng tứ kết Us Open 2011.

Ngoài Isner, người Mỹ có Sam Querrey, tay vợt số 19 thế giới nhưng những màn trình diễn của anh tại các giải đấu lớn cũng chẳng hơn gì Isner. Thành tích tốt nhất của Querrey tại các giải Grand Slam là vòng 4 Wimbledon 2010, US Open năm 2008 và 2010. Còn có 2 tay vợt đáng chú ý khác trong số 12 người Mỹ có mặt ở Wimbledon năm nay đó là Ryan Harrison và Mardy Fish. Harrison hiện xếp thứ 84 thế giới, thụt lùi thê thảm so với hồi tháng 7 năm ngoái khi thứ hạng của anh là 43. Tất cả đều bình bình, không có gì nổi bật, không một tia hy vọng vào cuộc soán ngôi, lật đổ.

Đã quá xa rồi thời mà Sampras, Agassi rồi John McEnroe, Jimmy Connors lần lượt từng người làm mưa làm gió quần vợt nam thế giới. Bản thân những tay vợt như Harrison cũng tỏ ra thất vọng về quần vợt nam nước mình. “Người ta cần một biểu tượng, một hình mẫu để học theo. Tất cả chúng tôi cần một tay vợt người Mỹ biết cách giành nhiều chiến thắng để lớp trẻ sau này có nền tảng cơ bản để tin tưởng và tập luyện. Nước Mỹ cần một nhân vật đặc biệt, một thần tượng để tái tạo lại hình ảnh cho quần vợt nam. Bản thân tôi cũng muốn trở thành người như vậy, nhưng còn xa lắm”, Harison bộc bạch.

Yến Nhi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục