Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Dương Nghiệp Chí: "Phải coi việc tạo nguồn kinh phí là một nhiệm vụ!"

16:07 Thứ bảy 31/08/2013

Là chuyên gia đầu ngành từng nắm rất nhiều trọng trách như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục - Thể thao, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam..., ông Dương Nghiệp Chí cho rằng, có quá nhiều thách thức đang đặt ra cho thể thao Việt Nam (TTVN). Cởi mở và thẳng thắn, ông chia sẻ những trăn trở của mình.

"Chạm trần"

- Ông cảm nhận ra sao khi nhìn lại hành trình 20 năm tái hội nhập quốc tế của thể thao nước nhà?

- Có thể khẳng định rằng, thể thao là lĩnh vực đi đầu, và đã hoàn thành tốt sứ mệnh cầu nối hội nhập. Việt Nam có tốc độ phát triển thể thao thành tích cao vào loại nhanh nhất khu vực, đặc biệt nếu lấy đấu trường SEA Games làm chuẩn.

Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận: Chất lượng phát triển thể thao Việt Nam (TTVN) hiện nay chưa đạt yêu cầu. Theo quan điểm của tôi, TTVN đã "chạm trần" ngay từ sau SEA Games 22 năm 2003 - một "điểm rơi" hoàn hảo, kết đọng trọn vẹn cả quá trình hội nhập và vươn lên đỉnh cao khu vực. Đáng ra, ngay sau đó, chúng ta phải có những sự điều chỉnh mạnh mẽ, thích hợp về chiến lược. Tiếc rằng, sau cả chục năm, về cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi.

- Theo ông, đâu là những rào cản lớn nhất đối với TTVN hiện nay?

- Cái này thì người ta đã nói mãi rồi còn gì! Đó là sự nhìn nhận cùng cách thức đầu tư quá dàn trải, thiếu trọng tâm - trọng điểm, gần như chỉ phù hợp và phục vụ cho đích SEA Games. Điều này càng trở nên nghiêm trọng, khi diễn ra trong một thời gian dài, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, mà đòi hỏi của thể thao hiện đại ngày một cao.

Cứ mãi hàng đầu tại SEA Games, nhưng ra khỏi khu vực, kết quả lại... khác hẳn. Đó cũng chính là một biểu hiện "chạm trần" - cái "trần SEA Games" mà TTVN tự tạo nên.

"Muốn đột phá thì phải quyết liệt!"

- Không ít chuyên gia trong ngành cũng vẫn cho rằng ASIAD hay Thế vận hội (Olympic) là những mục tiêu quá tầm...

- Tôi cho rằng TTVN có đủ tiềm năng để có thể giành được một vị trí xứng đáng tại châu Á, cũng như tranh chấp và có huy chương Olympic, trước hết ở một số nội dung của một vài môn. Mà khó cũng phải quyết tâm làm thôi, vì chẳng nhẽ cứ mãi hài lòng, giậm chân tại chỗ với SEA Games?!

- Theo ông, ngành thể thao nên tiến hành phân cấp như thế nào?

- Chúng ta chỉ nên ưu tiên tập trung cho khoảng 10 môn trọng điểm (gồm điền kinh, bơi lội và một số môn giàu tiềm năng) thuộc nhóm cá nhân, lấy căn cứ là ASIAD và Olympic, cùng với bóng đá là môn được yêu thích, phổ biến nhất tại Việt Nam.

Muốn đột phá thì phải quyết liệt!

Phân cấp môn để có những mức đầu tư cho hợp lý, chứ không phải là không đầu tư. Với các môn còn lại, theo tôi, chúng ta vẫn ưu tiên đầu tư cho các VĐV xuất sắc, đồng thời nhờ cậy vào các địa phương, hay xã hội hóa.

Đó cũng mới chỉ là một phần. Có những vấn đề nền tảng còn quan trọng hơn mà TTVN phải làm quyết liệt, như đổi mới phương thức quản lý. Thiết chế thể thao thành tích cao hiện chưa được làm rõ, hay hệ thống kết nối thành tích cao trong thể thao học đường cũng gần như chưa có gì...

- Chính ông từng khẳng định, muốn có vị thế vững trong và ngoài nước, ngành thể thao phải phát triển bằng chính nguồn tiền tự mình kiếm ra?

- Đúng vậy! Đây là một ngành gần như không làm ra tiền, không đóng góp cho GDP như ở các nước. Thí dụ, cao nhất là Mỹ, thể thao đóng góp 3,2% GDP; thấp nhất là Trung Quốc với 1,2% GDP. Thái-lan hay Xin-ga-po cũng vậy. Thường thì Nhà nước chỉ bao cấp khoảng 30%, hay nhiều nhất là 50%.

Thực ra, theo tính toán của tôi, ngành thể thao cũng mang lại khoảng 0,2% GDP từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhưng, con số ít ỏi đó cũng do ngành tài chính quản lý. Thành ra, kể cả các môn mang tiếng là chuyên nghiệp hóa cũng vẫn xem như dựa cả vào bao cấp. Thực tế, mỗi năm, kinh phí được cấp mới đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu phát triển.

- Vậy thì phải làm gì để tạo đột phá, thưa ông?

- Đã đến lúc ngành thể thao phải coi việc tạo nguồn kinh phí là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Cần phải từng bước hình thành một nền "công nghiệp thể thao", trước hết từ các cơ chế chính sách. Đề án xã hội hóa thể thao đã có cách đây 13 năm cần được thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ, thay vì để tự phát hoàn toàn như hiện tại.

Tới đây, ngành thể thao sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt một dự thảo "Chương trình Mục tiêu Quốc gia" mới. Chỉ có như thế, TTVN mới có được nguồn kinh phí đầu tư xứng đáng và ổn định để phát triển, thay vì luôn phải xin từng năm, mà năm nào cũng "từ thiếu đến rất thiếu".

Ngoài bóng đá, cần mạnh dạn thí điểm chuyên nghiệp hóa ở các môn có điều kiện, khả năng. Việc chuyển giao quyền tự chủ cho các liên đoàn -hiệp hội thể thao quốc gia cũng phải rõ ràng, dứt khoát, chứ đừng nên "nửa nắm nửa buông" như bây giờ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thể thao Việt Nam có đủ tiềm năng để giành được những vị trí xứng đáng. Trong ảnh: Nữ võ sĩ karatedo Vũ Thị Nguyệt Ánh từng đăng quang tại ASIAD 15.
Đặng Việt Cường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục