Lối chơi đẹp kiểu Pháp thăng hoa ở US Open

12:36 Thứ năm 05/09/2013

Richard Gasquet được coi là đại diện tiêu biểu cho trường phái tennis Pháp, vốn trọng vẻ đẹp, sự hấp dẫn trong từng đường bóng hơn là kết quả cuối cùng.

Gasquet đã giành được chiến thắng mang tính đột phá trong sự nghiệp của mình. Ảnh: US Open.

Trong trận tứ kết với một trong những đại diện của trường phái thực dụng là David Ferrer, tay vợt Pháp đã chứng minh lối chơi đẹp vẫn có chỗ ở tennis hiện đại.

Trước trận, không nhiều người tin vào chiến thắng của Gasquet trước Ferrer - một tay vợt từng được nhiều người đặt biệt danh là "Người máy'' với những cú đánh có độ chuẩn xác cực cao. Người ta đánh giá thấp Gasquet không phải vì trình độ kém, cũng không hẳn vì tỷ số đối đầu 1-8 giữa hai tay vợt mà chủ yếu vì lối chơi hào hoa của anh thường bị vùi dập không thương tiếc trước các tay vợt thuộc trường phái thực dụng.

Ngay huyền thoại Yannick Noah, người Pháp cuối cùng giành danh hiệu Grand Slam cách đây tròn 30 năm, đã lên tiếng cảnh báo một thực tế rằng: Pháp là một trong hai nước có nhiều tay vợt trong top 50 nhất nhưng lại không có hy vọng giành bất cứ danh hiệu Grand Slam nào nếu cứ giữ cách chơi hào hoa mà không cần quan tâm đến kết quả. Bản thân Gasquet từng được nhiều chuyên gia dự đoán là có thể vươn đến đẳng cấp hàng đầu thế giới từ khi còn làm mưa làm gió ở các giải trẻ, nhưng anh đã không làm được điều đó.

Gasquet là chuyên gia cắt bóng và bỏ nhỏ. Ảnh: US Open.

Xét về tài năng, không ai có thể chê Gasquet về điều gì. Ngay cả khi đứng trước vẻ đẹp chói lọi của Federer, Gasquet cũng không hề e ngại tung ra những cú tweener (đánh bóng qua 2 chân), những cú trái một tay chéo sân sở trường hoặc chọc quê tay vợt người Thụy Sĩ bằng những cú bỏ nhỏ tinh tế bậc nhất. Gasquet là mẫu tay vợt của những cú đánh siêu hạng, có thể khiến cả khán đài đứng dậy vỗ tay hồi lâu sau một cú đánh không tưởng. Thế nhưng anh cũng là hình mẫu thiếu ổn định - điều tối cần thiết của một tay vợt đỉnh cao thế giới. Vì thế, trong cả sự nghiệp của mình, Gasquet hiếm khi lọt sâu vào các giải Grand Slam, nơi sức mạnh, thể lực và sự ổn định được đòi hỏi rất cao.

Trong trận tứ kết với Ferrer, ít nhất tay vợt Pháp đã chứng minh được một điều là lối chơi ''vị nghệ thuật'' vẫn có chỗ trong thời buổi sự thực dụng đang lấn át. Chứng kiến những lần Ferrer đè bẹp Gasquet trong quá khứ, nhiều người cho rằng chỉ cần tay vợt Pháp lấy được một set trước hạt giống số 4 thế giới cũng là thành công, nhưng Gasquet còn làm được nhiều hơn thế khi lần lượt dẫn trước đối thủ 6-3, 6-1 sau 2 set đầu. Đặc biệt ở set 2, Gasquet đã bẻ đến 3 game giao bóng của đối thủ và không để mất break nào.

Vũ khí lợi hại nhất của anh là cú trái một tay, vốn được coi là tốt nhất thế giới hiện nay. Ảnh: US Open.

Sau khi Ferrer điều chỉnh lại lối chơi, đánh thận trọng, an toàn hơn thì thế trận lại dần đổi chiều. Tay vợt người Tây Ban Nha với những cú thuận tay chuẩn xác cùng pha trả giao bóng hiểm hóc đã san bằng cách biệt với 2 set thắng 6-4, 6-2. Đúng vào lúc người ta chuẩn bị nói về ''cái chết đẹp kiểu Pháp'' thì Gasquet bừng sáng trở lại với lối đánh kỷ luật, bền bỉ nhưng vẫn không thiếu những pha bóng nghệ sĩ. Cả hai tay vợt đều có một cơ hội giành break trong set 5 nhưng chỉ có Gasquet tận dụng được để giành chiến thắng chung cuộc 3-2 (6-3, 6-1, 4-6, 2-6, 6-3).

Đây là trận thứ hai liên tiếp Gasquet phải chơi 5 set sau trận đấu kéo dài 4 giờ 40 phút với Raonic ở vòng trước. Tay vợt người Pháp cũng lần thứ hai giành vé vào bán kết một giải Grand Slam sau lần đầu ở Wimbledon 2007. Chiến thắng của Gasquet trước Ferrer cho thấy, lối đánh đẹp nếu được kết hợp hợp lý với tính kỷ luật dựa trên nền tảng thể lực sung mãn thì vẫn có đất diễn ở tennis hiện đại.

Nguyễn Tùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục