Lăng kính: Giá trị cái bắt tay

13:55 Chủ nhật 29/01/2012

Khi scandal kép của Suarez-Evra và Terry-Ferdinand nổ ra, chủ tịch Sepp Blatter đã có một tuyên bố đầy tranh cãi. Ông bảo mấy lời nói trên sân chẳng có gì to tát, nó cũng là một phần của bóng đá thôi, sau trận người ta bắt tay nhau là quên hết.

1. FA đã ra văn bản hủy nghi thức bắt tay giữa QPR và Chelsea trong cuộc đối đầu giữa hai đội ở vòng 4 FA Cup. Ai cũng có thể đoán được lý do của quyết định ấy: liên đoàn muốn tránh cho đội trưởng đội tuyển Anh một phen muối mặt nữa, khi có khả năng rất cao là Anton Ferdinand sẽ từ chối bắt tay Terry lúc họ lướt qua nhau. Khi scandal “cướp vợ bạn” diễn ra hồi năm kia, Wayne Bridge đã hạ nhục Terry bằng cử chỉ ấy.

Cả Ferdinand và Terry đều đã sống trong những ngày tháng nặng nề kể từ sau lời cáo buộc phân biệt chủng tộc của hậu vệ của QPR. Trong suốt một thế kỷ rưỡi, lần đầu tiên bóng đá Anh có một cầu thủ phải ra hầu tòa dân sự vì lời nói trên sân cỏ.

Cái nghi thức bắt tay ấy là tự nguyện, nên nói rằng FA “hủy” chỉ là danh nghĩa. Thực chất là họ cấm bắt tay. Một quyết định chắc là sẽ gây tai tiếng, theo kiểu thà tự sát còn hơn bị địch bắt. Thà can thiệp thô bạo ngay từ đầu còn hơn để scandal của Terry tiếp tục có cớ nở rộ trên mặt báo. Nó vốn đã to lắm rồi.

Nhưng quyết định của FA chỉ giảm thiểu thiệt hại thôi, chứ nó không thể phủ nhận đi thực tế rằng vụ Terry-Ferdinand vẫn “căng như dây đàn”. Không có nguy cơ hiềm khích gia tăng thì cũng chẳng có cái trát của FA.

2.Trong thời điểm ấy, ở Anfield, người ta thấy Steven Gerrard kêu gọi đồng đội và CĐV gạt những hiềm khích với Patrice Evra sang một bên. Đó cũng là một scandal phân biệt chủng tộc thuộc hàng vô tiền khoáng hậu của bóng đá Anh. Nhưng người Liverpool đã cố giải quyết nó thật êm. Cả trận, chỉ thấy Evra bị phạm lỗi một lần. Và tất nhiên là trước trận họ có bắt tay.

Đó không phải là truyền thống của những trận M.U - Liverpool. Thời Gary Neville còn là đội trưởng M.U, mọi trận đấu đều trở thành cơ hội để người đội trưởng bôi bác đối phương. Phía bên kia, với một Steven Gerrard nổi tiếng bởi tính cách hiền hòa và khả năng “thiền” cùng môn đánh golf, cũng có cách để thể hiện thái độ với kẻ thù: trong bộ sưu tập áo đấu của anh, có trang phục của tất cả những đối thủ anh đã gặp mặt, trừ M.U. Không bao giờ có chuyện Gerrard đổi áo với một cầu thủ M.U.

Cái sự yên lành thái quá, từ lời kêu gọi của Gerrard, những khán đài không có tiếng la ó cho đến cách các cầu thủ tắc bóng tại Anfield đêm qua, chắc chắn không thuộc về truyền thống của những trận derby nước Anh. Trong 9 cuộc đối đầu giữa 2 đội, có 6 thẻ đỏ được rút ra. Trong 6 lần Liverpool tiếp M.U tại Anfield gần nhất, cũng có 4 cầu thủ bị đuổi khỏi sân. Đó là cuộc đối đầu bạo lực bậc nhất nước Anh. Nhưng họ đã không cần đến một văn bản nào từ FA để giữ cho những cái đầu lạnh.

3.Khi scandal kép của Suarez-Evra và Terry-Ferdinand nổ ra, chủ tịch Sepp Blatter đã có một tuyên bố đầy tranh cãi. Ông bảo mấy lời nói trên sân chẳng có gì to tát, nó cũng là một phần của bóng đá thôi, sau trận người ta bắt tay nhau là quên hết.

Ngẫm lại, có thể ông chủ tịch FIFA đúng phần nào. Biết cười xòa và bắt tay nhau thì mâu thuẫn nào cũng giải quyết được. Vấn đề là sau khi chuyện nổ ra, họ có muốn bắt tay không. Đó dường như là vấn đề của mọi xích mích.

Đẳng cấp của một cuộc đấu lớn, có lẽ nằm ở cách họ gạt đi hiềm khích, chứ không phải thổi bùng nó lên để phục vụ những kẻ hiếu kỳ. Liverpool và M.U đã làm được điều đó.

Đêm qua, Liverpool là một kẻ chiến thắng đích thực, không chỉ bởi họ đã ghi nhiều bàn thắng hơn đối phương.

Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục