Grand Prix Bỉ và những lý giải dưới góc độ chiến thuật

11:58 Thứ bảy 30/08/2014

Bài viết của phóng viên BBC James Allen sẽ cho độc giả hiểu rõ hơn tại sao dù chiếc W05 bị hỏng cánh gió sau vụ va chạm với đồng đội Lewis Hamilton nhưng Nico Rosberg vẫn suýt giành chiến thắng tại Spa-Francorchamps.

Chủ đề được nhắc tới nhiều nhất sau Grand Prix Bỉ cuối tuần qua chính là vụ va chạm giữa hai ứng cử viên vô địch và cũng là đồng đội tại Mercedes: Rosberg và Hamilton. Dù vậy, chúng ta vẫn nên để tâm vào những lựa chọn chiến thuật thú vị đã ảnh hưởng lớn đến cục diện cuộc đua tại Spa-Francorchamps chiều chủ nhật vừa qua như chiến thuật giảm thiểu thiệt hại cho Rosberg và Fernando Alonso hay việc Kimi Raikkonen suýt nữa đã có được vị trí podium đầu tiên kể từ khi tái hợp Ferrari. Liệu đội đua Italy có thể tối ưu chiến thuật hơn nữa để “Người Tuyết” có được vị trí thứ 3. Chúng ta hãy cùng nhau phân tích điều đó ở phần dưới đây.

Rosberg (trái) suýt có được ngôi nhất dù bị thiệt hại nặng sau vụ va chạm đầu chặng. Ảnh: Formula 1.

Tình hình trước cuộc đua chiều Chủ nhật. Với việc vòng phân hạng diễn ra hoàn toàn dưới trời mưa nên các đội đều giữ được các bộ lốp khô hoàn toàn mới cho cuộc đua chính thức chiều Chủ nhật. Điều này đồng nghĩa với việc tuổi thọ lốp sẽ cao hơn thường lệ. Một điều bất thường khác là hai buổi đua thử ngày thứ Sáu lại diễn ra suôn sẻ với điều kiện trời nắng ráo vì vậy các đội vẫn thu thập được đủ các dữ liệu cần thiết liên quan tới loại lốp khô cho cuộc đua chính thức.

Theo đó, lốp mềm sẽ giúp xe nhanh hơn lốp trung bình tầm 1,6 giây mỗi vòng đua. Tuy vậy, mức chênh lệch này sẽ dần bị thu hẹp lại trong cuộc đua do lốp mềm có tuổi thọ kém hơn lốp trung bình. Do đó, nhiều khả năng các đội sẽ áp dụng chiến thuật 2 pit với lốp trung bình được sử dụng trong giai đoạn cuối của cuộc đua. Những biến thể của chiến thuật này đã đem lại các kết quả đầy thú vị mà chúng ta sẽ cùng xem xét dưới đây.

Ferrari sử dụng hai chiến thuật hoàn toàn khác nhau và họ suýt nữa đã có được vị trí thứ ba. Chiếc F14 T tỏ ra mạnh mẽ tại Spa-Francorchamps, đặc biệt là tại vòng phân hạng dưới trời mưa khi Alonso giành được vị trí xuất phát thứ 4, kết quả tốt nhất từ đầu mùa của Ferrari. Trong khi đó, Raikkonen chỉ tuột mất vị trí thứ 3 tại Grand Prix Bỉ khi cuộc đua còn vài vòng nữa là kết thúc.

Ferrari đã set up chiếc F14 T với mức lực nén cao hơn thông thường tại Spa-Francorchamps. Lựa chọn này giúp chiếc xe của họ có thành tích tốt tại vòng phân hạng dưới mưa tuy nhiên chính điều này lại khiến chiếc F14 T mất đi tốc độ trên đoạn đường thẳng và rất khó vượt xe của đối thủ. Việc Alonso phải trả giá khi mắc kẹt phía dưới Kevin Magnussen sau khi bị tụt xuống nhóm giữa bởi án phạt dành cho việc các thợ máy cố tình không rời đường đua khi bắt đầu vòng đua khởi động.

Alonso đã may mắn khi đáng ra anh phải nhận án phạt nặng hơn. Thông thường, với lỗi mà Ferrari vi phạm, các tay đua sẽ phải nhận hình phạt đưa xe qua pit-lane hoặc xuất phát từ trong khu vực kỹ thuật thay vì chỉ phải dừng thêm 5 giây trong lần thay lốp đầu tiên như Alonso. Nếu như vậy, Alonso sẽ bị thiệt hại thêm 15 giây và anh sẽ tụt sâu xuống nữa chứ không phải là vị trí thứ 7. Rõ ràng các trọng tài đã nương nhẹ với Ferrari.

Sau pha đọ sức với Daniel Ricciardo ở những vòng đua đầu tiên, Alonso đứng thứ tư đoàn đua. Ferrari chịu hình phạt ở vòng 12, sau đó họ tụt xuống thứ bảy sau Magnussen, đối thủ mà Alonso không thể vượt qua trên đường đua. Điều đáng trách nhất với chiến thuật mà Ferrari áp dụng cho Alonso chính là việc tại sao họ lại cho tay đua người Tây Ban Nha thay lốp lần hai ở vòng 25, chỉ hai vòng sau khi Magnussen vào pit.

Nếu Ferrari muốn Alonso vượt qua đối thủ ở giai đoạn cuối cuộc đua thì họ cần kéo dài tuổi thọ bộ lốp thứ hai thêm hai hoặc ba vòng so với đối thủ. Trong khi đó trên thực tế, lúc đó Alonso không bị đối thủ nào đeo bám phía sau và bộ lốp mềm thứ hai của tay đua người Tây Ban Nha chỉ được sử dụng có 13 vòng đua.

Cùng lúc đó, sau khi thay lốp lần hai tại vòng 23 Magnussen đã gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng vượt qua Nico Hulkenberg trong suốt ba vòng đua. Lúc đầu, Ferrari nghĩ rằng Hulkenberg không thể cầm chân Magnussen lâu như vậy, nhưng trên thực tế mọi thứ lại không như Ferrari nghĩ. Vì thế sau khi thay lốp xong lần hai tại vòng 25, Alonso không có cơ hội để vượt Magnussen.

Khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy rằng Ferrari có thể vớt vát lại cơ hội cho Alonso bằng cách đưa anh vào pit muộn hơn hai đến ba vòng nữa khi Magnussen vẫn đang bị mắc kẹt trên đường đua. Lựa chọn này giúp Alonso thu được lợi thế tầm 0,2 giây mỗi vòng đua để tạo đà tấn công mạnh mẽ trong giai đoạn cuối cuộc đua tương tự như việc Valtteri Bottas đã làm với Raikkonen. Tuy nhiên, rõ ràng là Alonso vẫn sẽ phải đối mặt với cuộc chiến so kè quyết liệt nếu muốn vượt qua Magnussen với chiến thuật này. Bên cạnh đó, chúng ta chỉ có thể khẳng định lựa chọn đúng khi cuộc đua đã kết thúc.

Chiến thuật thay lốp táo bạo đã giúp Raikkonen có một chặng đua thành công. Ảnh: Formula 1.

Tương tự như vậy, Raikkonen cũng suýt chút nữa đã có thể giảnh được vị trí thứ ba. Thật là ấn tượng khi Raikkonen đã kìm chân Bottas gần như suốt cuộc đua dù phải đối đầu với chiếc FW34 rất mạnh. Điều này được giúp sức bởi chiến thuật rất táo bạo mà Ferrari đã áp dụng cho Raikkonen khi đưa anh về thay lốp ngay từ vòng tám.

Chiến thuật này giúp Raikkonen có đủ không gian để phát huy hết tốc độ vốn có khi tránh được việc phải tham dự những cuộc đọ sức tay đôi trực tiếp trên đường đua. Kết quả là tay đua người Phần Lan đã nhảy cóc qua hàng loạt tay đua phía trên. Khi các đội bước vào sử dụng bộ lốp thứ hai, Raikkonen đã nghiễm nhiên đứng thứ nhì, kẹp giữa hai tay đua của Red Bull.

Dù vậy, vẫn phải dành đôi lời trách với chiến thuật của Ferrari. Đội đua Italy đã cho Raikkonen vào pit lần hai và cũng là lần cuối ở vòng 21 khi cuộc đua còn 23 vòng phía trước. Vì thế, tay đua của Ferrari đã phải sử dụng bộ lốp trung bình trong 23 vòng đua cuối cùng. Trên lý thuyết, điều này hoàn toàn là khả thi. Tại hai buổi đua thử hôm thứ Sáu, các đội đều thực hiện được quãng đường tương tự với bộ lốp trung bình. Tuy nhiên, vấn đề là Ferrari đã không có một lượt chạy dài hơi như vậy trong ngày thứ Sáu vì thế dữ liệu của họ là không đầy đủ.

Tới cuộc đua chiều Chủ nhật, mọi thứ bất ngờ thay đổi khi không ai có thể đủ sức hoàn thành ngon lành quãng đường 23 vòng với một bộ lốp trung bình. Williams đã tận dụng điều này khi chỉ sử dụng lốp trung bình ở 16 vòng đua cuối. Nhờ vậy, Bottas đã chiếm được vị trí thứ ba của người đồng hương khi cuộc đua chỉ còn năm vòng.

Vì vậy, phải chất vấn Ferrari là tại sao họ lại để Raikkonen dùng bộ lốp mềm thứ hai chỉ trong có 14 vòng? Liệu anh có thể sử dụng bộ lốp này thêm vài vòng nữa để đủ sức phòng ngự ở giai đoạn cuối cuộc đua? Có lẽ điều này vẫn không đủ để Raikkonen giữ chân được người đồng hương bởi vì đơn gian là chiếc FW34 quá mạnh mẽ cùng chiến thuật hợp lý trong khi chiếc F14T do set-up mức lực nén cao nên thiếu tốc độ trên đoạn đường thẳng tại Spa-Francorchamps nên rất khó phòng thủ.

Có thể Ferrari đưa Raikkonen vào pit sớm là để ngăn chặn Rosberg lúc đó vẫn đang chạy phía sau, vượt qua. Tuy nhiên điều này là không cần thiết bởi chiếc W05 quá nhanh nên không thể ngăn chặn một cách dễ dàng như vậy. Thay vì thế, Ferrari cần để tâm đến các đối thủ vừa sức hơn. Tuy nhiên, dù có thay lốp lần cuối muộn hơn thì Williams cũng sẽ sớm có động thái đối phó. Vì thế vị trí thứ 3 tuy gần mà rất xa tại Bỉ với Ferrari và Raikkonen.

Chiến thuật mà Ricciardo và Rosberg sử dụng trong cuộc chiến tranh ngôi nhất. Diễn biến tại Spa-Francorchamps vừa qua đã cho thấy sức mạnh đáng sợ của chiếc W05. Mặc dù chịu nhiều thiệt hại do pha va chạm với Hamilton dẫn đến phải thay đổi chiến thuật nhưng Rosberg vẫn đủ sức hồi phục và suýt nữa đã đòi lại được ngôi nhất nằm trong tay Ricciardo. Đây rõ ràng là ví dụ chứng minh tác hại của pha va chạm giữa những người đồng đội. Nếu không rõ ràng là Mercedes sẽ lại có một chiến thắng kép nữa.

Ricciardo đã sử dụng một chiến thuật an toàn và rất hợp lý tại Spa-Francorchampss với 2 lần thay lốp, trong đó chỉ sử dụng lốp trung bình ở những vòng cuối cùng. Điều này giúp anh chỉ cần tập trung để phát huy hết tốc độ vốn có mà không phải lo nghĩ tới chiến thuật của các đối thủ. Tay đua trẻ người Australia sớm vượt qua Alonso và Vettel. Vụ va chạm nội bộ Mercedes đã giúp Ricciardo nhanh chóng chiếm được ngôi đầu.

Từ đó, Ricciardo đã thi đấu hết khả năng của mình, giữ cục diện cuộc đua trong tầm kiểm soát, duy trì một tốc độ ấn tượng mà không hề mắc một sai lầm nào. Rõ ràng đây là một cuộc đua thành công của tay đua trẻ Red Bull.

Một loạt sai lầm khiến Rosberg mất đi cơ hội về nhất tại Spa-Francorchamps. Ảnh: Formula 1.

Trong khi đó, dù Rosberg phải vào pit sớm ngay từ vòng tám để thay cánh trước với thời gian hơn chín giây nhưng anh vẫn có thể hoàn thành cuộc đua với chiến thuật hai pit và dễ dàng có được chiến thuật nếu không mắc một loạt sai lầm.

Đầu tiên là việc bị hư lốp sau tình huống vượt ẩu với Vettel tại khúc cua Bus Stop ở vòng 17. Điều này khiến chiếc W05 bị rung mạnh và Rosberg buộc phải vào pit lần hai ngay từ vòng 19. Sự thay đổi khiến Mercedes không kịp chuẩn bị, thay vì sử dụng lốp mềm thì Rosberg buộc phải tiếp tục sử dụng loại lốp trung bình. Dự định dùng chiến thuật hai pit hoàn toàn phá sản, tay đua người Đức buộc phải chuyển sang chiến thuật ba pit do bộ lốp trung bình không thể sử dụng suốt 25 vòng đua cuối.

Sau đó, Rosberg lại mắc lỗi khi cố gắng vượt Button tại vòng 23 và đánh mất thêm thời gian để trả lại vị trí hợp lệ cho đối thủ. Sau lần vào pit cuối, Rosberg lại mất thời gian khi cố gắng vượt Bottas rồi mắc lỗi khi cua dẫn đến việc lao ra lề. Kết cục là Rosberg vẫn kém Ricciardo tới ba giây khi cuộc đua kết thúc. Rõ ràng là nếu không mắc một loạt sai lầm thì tay đua người Đức vẫn có thể đánh bại Ricciardo dù chiếc W05 gặp nhiều thiệt hại sau vụ va chạm với Hamilton.

Minh Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục